04/12/2021 17:07 GMT+7

Y bác sĩ TP.HCM đi giúp miền Tây chống dịch 'để nói lời cảm ơn'

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - ‘Lúc TP.HCM bùng dịch thì nhiều y, bác sĩ các tỉnh đã hỗ trợ rất nhiều. Sau khi khỏi bệnh, tôi và các anh em đi các tỉnh miền Tây hỗ trợ dập dịch xem như lời cảm ơn', bác sĩ Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.

Y bác sĩ TP.HCM đi giúp miền Tây chống dịch để nói lời cảm ơn - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang chăm sóc cho bệnh nhân tại Trung đoàn 892 của An Giang - Ảnh: NVCC

Ngày 4-12, bác sĩ Nguyễn Đăng Quang - trưởng nhóm Bệnh viện dã chiến số 6, TP.HCM - cho biết ông cùng với 15 y, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến số 6 "chi viện" An Giang gần 2 tháng nay để khám và điều trị các bệnh nhân COVID-19. Nơi này có 500 bệnh nhân COVID-19 đang được thu dung điều trị, trong số này có 2/3 bệnh nhân có bệnh nền, lớn tuổi.

"Gần đây số ca bệnh tại An Giang có giảm nhưng số ca bệnh nặng đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân chính là do những người này lớn tuổi và có bệnh nền nhưng chưa tiêm vắc xin hoặc chỉ có 1 liều. Vài ngày gần đây hầu hết là người bị nhiễm có chuyển biến nặng đều trên 60 tuổi", bác sĩ Quang nói.

Theo bác sĩ Quang, nếu vắc xin phủ nhanh toàn dân và những người có bệnh nền được tiêm vắc xin đầy đủ thì sẽ giảm những ca bệnh nặng. Hiện tại những ca diễn biến nặng được chăm sóc ở đây đã ổn, không còn diễn biến nặng nữa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trên 80 tuổi sợ chích vắc xin nên khi bị nhiễm đưa vào đây đã quá trễ.

Y bác sĩ TP.HCM đi giúp miền Tây chống dịch để nói lời cảm ơn - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang cho rằng nhiều người lớn tuổi, người già nhưng chưa được tiêm đủ liều vắc xin là rất nguy hiểm - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Quang cho biết ông và nhiều anh em khác đã xa nhà từ 15-6 đến nay nên cũng quen rồi. Sau khi Sài Gòn ổn định, anh em tiếp tục chi viện cho các tỉnh miền Tây đến hôm nay. Đến thời điểm này, dịch bệnh ở An Giang đã cơ bản ổn. Các khu thu dung, điều trị đều có đầy đủ trang thiết bị phục vụ điều trị COVID-19 nên anh em cũng đỡ vất vả hơn.

"Lúc TP.HCM bùng dịch thì nhiều y, bác sĩ các tỉnh Bắc, Trung và Nam đã hỗ trợ rất nhiều. Vì vậy, khi dịch bệnh đã ổn ở TP.HCM, chúng tôi tình nguyện lên đường chi viện tiếp các tỉnh để xem như lời cảm ơn. Tôi là F0 đã khỏi bệnh và đã làm việc lâu nên nguy cơ nhiễm bệnh ít. Chỉ lo cho các anh em mới đi xa lần đầu nên tôi thường dặn dò các anh em phải cẩn thận hơn", bác sĩ Quang vui vẻ nói.

Y bác sĩ TP.HCM đi giúp miền Tây chống dịch để nói lời cảm ơn - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang nói ông đi chi viện An Giang thay lời cảm ơn vì trước đó các nơi đã giúp TP.HCM chống dịch - Ảnh: NVCC

Còn ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết An Giang được gần 50 y, bác sĩ của 3 đơn vị đến "chi viện" gồm Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, Bệnh viện dã chiến số 6 và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

"Các y, bác sĩ của lực lượng chi viện đến An Giang chủ yếu hỗ trợ công tác thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhờ lực lượng này nên An Giang đỡ vất vả hơn nhiều. Vài ngày tới, đoàn nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM sẽ rút về do tình hình dịch bệnh tại TP đang có dấu hiệu tăng trở lại", ông Hiền nói.

Tin COVID-19 chiều 29-11: An Giang, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng số ca mới Tin COVID-19 chiều 29-11: An Giang, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng số ca mới

TTO - Trung bình trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận là 12.596 ca/ngày, số ca tử vong là 158 ca/ngày. Bộ Y tế cho biết đang chủ động xây dựng kịch bản phòng chống biến chủng mới Omicron.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên