Xe
12/05/2024 17:32 GMT+7

Xử nghiêm mọi vi phạm mới mong có văn minh giao thông

Một trong những động lực cơ bản của việc tuân thủ pháp luật là nỗi sợ bị trừng phạt khi vi phạm.

Một cán bộ cảnh sát giao thông hướng dẫn tài xế thổi nồng độ cồn trên quốc lộ 1A - Ảnh: NAM TRẦN

Một cán bộ cảnh sát giao thông hướng dẫn tài xế thổi nồng độ cồn trên quốc lộ 1A - Ảnh: NAM TRẦN

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về mức nồng độ cồn cần quy định khi lái xe, nhưng không thể phủ nhận rằng việc thực hiện quyết liệt quy định này, cũng như đội mũ bảo hiểm trước kia, đã và đang làm thay đổi tích cực thói quen tham gia giao thông. Đặc biệt là tác động của mức phạt cao về tiền và sử dụng giấy phép lái xe.

Vi phạm không phải vì thiếu hiểu biết

Theo thống kê của CSGT TP.HCM, từ 2019 - 2023, các vi phạm phổ biến của người lái xe cơ giới là:

(1) Chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm, (2) đi ngược chiều, (3) vượt đèn đỏ, dừng và đỗ không đúng quy định,

(4) Đi sai phần đường, làn đường, (5) lái xe khi đã uống rượu, bia, (6) đi vào đường cấm, giờ cấm, (6) chở quá số người quy định,

(7) Lạng lách, đánh võng, (8) không có GPLX, (9) xe chưa đăng ký, xe gắn biển số giả,

(10) Xe không kiểm định an toàn kỹ thuật, (11) xe chở quá tải, quá khổ,

(12) Tránh, vượt không đúng quy định, (13) hệ thống giảm thanh không bảo đảm.

Dễ thấy rằng đa phần không phải vì thiếu hiểu biết về pháp luật giao thông đường bộ mà hành xử sai. Nhiều nội dung trong các vi phạm trên đã và đang được dạy cả ở bậc mẫu giáo và tiểu học. Thậm chí, dù không được đi học, không biết chữ nhưng sống trong môi trường đô thị thì một người bình thường vẫn có thể dễ dàng đoán biết được để tuân theo.

Vậy tại sao con người ta lại dễ dàng và thản nhiên vi phạm, chẳng hạn như vượt đèn đỏ?

Chi phí và lợi ích

Các nhà kinh tế thuộc trường phái Chicago lấy hành động của con người nói chung và tất cả các hiện tượng xã hội làm đối tượng nghiên cứu. Họ cho rằng có thể giải thích tất cả từ gia đình đến xã hội, từ tội phạm đến tình yêu, từ chiến tranh đến hòa bình, từ di chuyển đến đứng yên bằng phân tích chi phí - lợi ích.

Chẳng hạn, nếu lợi ích kỳ vọng có được từ tham nhũng lớn hơn chi phí và nguy cơ bị bắt thì người ta sẽ tham nhũng. Nếu lợi ích kỳ vọng của ngoại tình lớn hơn chi phí và nguy cơ do ngoại tình gây ra thì người ta sẽ ngoại tình, và đương nhiên ngược lại thì sẽ không làm.

Tương tự, nếu lợi ích kỳ vọng của việc vi phạm pháp luật giao thông lớn hơn chi phí và xác suất bị phạt thì người ta sẽ vi phạm.

Từ góc nhìn này, dễ thấy rằng một hành vi vi phạm giao thông sẽ giảm khi nó bị kiểm tra gắt gao và trừng phạt nghiêm khắc.

Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, gắn máy và không có nồng độ cồn khi lái xe là hai ví dụ điển hình.

Văn minh giao thông không chỉ đến từ ý thức

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Indonesia công bố năm 2023 cho biết có 8 yếu tố chính, quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng đến sự tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Đó là:

1. Kiến thức: Người lái xe có hiểu biết cao về pháp luật giao thông, nhận thức rủi ro có khả năng tuân thủ cao gấp sáu lần so với người có hiểu biết thấp.

2. Tuổi: Người lái xe có tuổi càng cao thì càng có xu hướng tuân thủ pháp luật giao thông cao hơn so với người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên.

3. Tính cách cá nhân: Người lái xe có tính cách nóng nảy, thiếu kiểm soát thường thể hiện sự hung hăng, làm tăng nguy cơ vi phạm và va chạm giao thông.

4. Giá trị đạo đức cá nhân: Những người theo đuổi những giá trị đạo đức tốt đẹp và tiến bộ như nhân ái, công bằng, minh bạch, kỷ luật sẽ phù hợp hơn, do đó sự tuân thủ cao hơn với pháp luật nói chung.

5. Văn hóa cộng đồng: Cá nhân luôn chịu ảnh hưởng của những người xung quanh, từ gia đình đến xã hội, do vậy, khi đến một nơi có văn hóa giao thông tốt thì sẽ có ý thức tuân thủ tốt hơn.

6. Yếu tố kỹ thuật: Điều kiện và tình trạng kỹ thuật của đường sá ảnh hưởng rõ rệt đến sự tuân thủ pháp luật giao thông, cũng như nguy cơ xảy ra tai nạn. Chẳng hạn như đường hẹp, mặt đường xấu hay báo hiệu không đầy đủ, không hợp lý.

7. Hình ảnh cảnh sát giao thông: Cảnh sát giao thông không những là người thực thi pháp luật mà hơn thế nữa còn là người xây dựng và bảo vệ văn hóa giao thông. Thái độ và hành vi mẫu mực của cảnh sát giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.

8. Mức phạt cao và thực thi nghiêm minh: Một trong những động lực cơ bản của việc tuân thủ pháp luật là nỗi sợ bị trừng phạt khi vi phạm. Khi quy định và sự thực thi quy định pháp luật không tạo ra nỗi sợ này thì sẽ trở thành trở ngại đáng kể cho việc tuân thủ.

Có thể thấy (1), (4), (5) cần một tiến trình lâu dài, còn (2), (3) thì chỉ có thể biết để giảm thiểu, phòng tránh. Nhưng rõ ràng (7) và (8) là có thể thực hiện và có tác dụng ngay, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy các yếu tố còn lại.

Người vi phạm không nộp phạt, bỏ lại xe sẽ bị xử lý thế nào?Người vi phạm không nộp phạt, bỏ lại xe sẽ bị xử lý thế nào?

Sau 2 lần cơ quan chức năng thông báo mà người liên quan không đến làm việc, phương tiện liên quan hành vi vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên