20/11/2023 12:29 GMT+7

19 năm nuôi giấc mơ giảng viên đại học

Được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng mãi 19 năm sau, giấc mơ giảng viên của ông Nguyễn Minh Triết mới thành hiện thực...

Ông Nguyễn Minh Triết trong vai trò giảng viên tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM - Ảnh: P.N.

Ông Nguyễn Minh Triết trong vai trò giảng viên tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM - Ảnh: P.N.

Mới dạy học kỳ đầu tiên sau khi trở thành giảng viên cơ hữu khoa khoa học xã hội - quan hệ công chúng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, ông Nguyễn Minh Triết nói mệt nhưng vui. 

Ông trao cho sinh viên kiến thức, kinh nghiệm và được nhận lại năng lượng tích cực từ họ. Công việc căng thẳng nhưng sau mỗi buổi dạy, ông gạt bỏ được stress, lại thấy tinh thần thoải mái hơn.

Mê chia sẻ

Bài tập hết môn, ông cho một nhóm 6 điểm - điểm thấp nhất lớp. Vừa ra khỏi lớp, ông đã nhận được email của nhóm trình bày về bài tập của nhóm cũng như điểm số mà nhóm nhận được. 

Đọc email của sinh viên, ông quyết định cho các bạn thêm một cơ hội để sửa. Ông nói đó là khác biệt lớn khi làm kinh doanh và làm nhà giáo. Các quyết định trong kinh doanh có thể quyết đoán nhưng giáo dục cần bao dung và sẻ chia hơn.

Đây là lần đầu tiên ông làm giảng viên cơ hữu nhưng không phải lần đầu đứng lớp. Từ năm 2019, ông đã lập các nhóm nhỏ để chia sẻ về kinh nghiệm viết kịch bản, format chương trình giải trí, viết nội dung, thỉnh giảng ở một số trường đại học đào tạo quảng cáo, quan hệ công chúng hay truyền thông đa phương tiện.

Để làm tròn vai giảng viên, trước mỗi buổi dạy, ông đến lớp sớm chuẩn bị. Đó là cách để ông "xả vai" người làm kinh doanh và nhập tâm vào vai trò giảng viên.

"Bản thân tôi thích chia sẻ, thích làm nghề giáo. Hồi đại học, tôi cố gắng hết sức để được giữ lại khoa làm giảng viên nhưng vì nhiều lý do nên cuối cùng việc không thành. Việc tổ chức các lớp trao đổi là cách để mình kiểm tra bản thân thực sự có hứng thú và phù hợp với nghề giáo hay không, khả năng truyền đạt của mình có hiệu quả với người nghe hay không" - ông Triết chia sẻ.

Nói về "giấc mơ 19 năm", ông chia sẻ: "Nghiệp của mình khi đủ thì một lúc nào đó sẽ đến. Đội ngũ công ty được đào tạo bài bản hiện đã đủ cứng cáp và chín chắn để vận hành công ty, tôi chỉ làm cố vấn để có thời gian theo đuổi đam mê chia sẻ của mình. 

Đi dạy, tôi sẽ có cơ hội được chia sẻ nhiều hơn. Tôi muốn là giảng viên cơ hữu bởi khi thỉnh giảng tôi có cảm giác năng lượng của mình chưa được sử dụng hết".

Nói thêm về đam mê chia sẻ, ông Triết cho biết lĩnh vực truyền thông quảng cáo thay đổi nhanh và liên tục. Thế nên những kinh nghiệm tích lũy được nếu không được chia sẻ, nó sẽ nhanh chóng lạc hậu. Điều đó sẽ rất đáng tiếc. Dĩ nhiên, những kiến thức đã qua sẽ là cái nền để nắm bắt sâu hơn về lĩnh vực.

Nhận năng lượng tích cực từ sinh viên

Ông Nguyễn Minh Triết (phải) trong vai trò đạo diễn sản xuất - Ảnh: N.V.

Ông Nguyễn Minh Triết (phải) trong vai trò đạo diễn sản xuất - Ảnh: N.V.

Ông Triết hiện là giám đốc công ty chuyên sản xuất các chương trình truyền hình, phim ảnh truyền thông và quảng cáo. 

Gần 20 năm lăn lộn trong nghề, những kiến thức ông học được đến từ nhiều nơi. Từ những người đi trước, được đào tạo, tự học và sau đó đúc kết lại thành những kinh nghiệm của riêng mình. Điều này giúp ích rất nhiều khi ông làm giảng viên.

Thế nên khi nhắc lại sự suy sụp khi không được làm giảng viên 19 năm trước, ông nói có khi đó lại là một may mắn!

"Nếu ở lại trường sau khi tốt nghiệp, tôi có thể đã là giảng viên. Nhưng như thế tôi không có cơ hội lăn lộn thực tế, học được những bài học quý giá, có những trải nghiệm nghề nghiệp cần thiết, được truyền đam mê, có nhiều không gian hơn để khẳng định mình" - ông Triết nói.

Thế nên ông cho rằng làm nghề nào cũng là cái duyên, cần sự đam mê, tự học hỏi của mỗi người. Điều này được ông lấy làm phương châm cho công việc giảng dạy của mình. 

Thay vì bắt bẻ, hãy gieo cho sinh viên đam mê và khát khao. Giảng viên đừng lấy ví dụ thời sinh viên của mình để làm ví dụ, so sánh.

"Sinh viên bây giờ khác trước nhiều ở cách học tập, văn hóa tiếp nhận thay đổi. Khoảng cách giảng viên - sinh viên gần gũi, giao tiếp nhẹ nhàng. Thế nên sau mỗi buổi dạy, tuy mệt về thể xác nhưng tâm lý thoải mái hơn, đón nhận năng lượng tích cực từ sinh viên. 

Cách tổ chức sự kiện được áp dụng tổ chức lớp học, chia sẻ các tình huống và cách xử lý thực tế được sinh viên tương tác tốt" - ông Triết nói thêm về trải nghiệm dạy học của mình.

Giúp sinh viên làm được việc khi ra trường

Theo ông Vũ Quốc Anh, trưởng khoa khoa học xã hội - quan hệ công chúng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, ông Triết là giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tế, đặc biệt về sản xuất truyền thông.

Từ lĩnh vực khác chuyển sang giảng dạy đại học nhưng khả năng truyền đạt, giao tiếp với sinh viên của ông rất tốt. Ông Triết nhiệt tình, nắm chắc các vấn đề của truyền thông, quan hệ công chúng.

"Những câu chuyện thực tế, cách xử lý các tình huống cụ thể mang tính ứng dụng là cách dạy sinh viên rất thích. Điều này phù hợp với mục tiêu ứng dụng của ngành học này. Sinh viên học xong phải biết cách làm và làm được. Có thể sản phẩm không xuất sắc, thậm chí thất bại nhưng đó cũng là bài học giúp sinh viên có thể làm việc tốt sau khi tốt nghiệp" - ông Quốc Anh chia sẻ thêm.

20-11 và câu chuyện đẹp của nghề giáo20-11 và câu chuyện đẹp của nghề giáo

Câu chuyện thầy hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6 (TP.HCM) gửi thư ngỏ xin không nhận hoa ngày Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay vào đó trường xin nhận thẻ bảo hiểm y tế để phát cho học sinh nghèo, đã làm nức lòng nhiều người.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên