14/09/2023 13:48 GMT+7

6km vành đai 2 TP.HCM: Thêm phương án làm theo cơ chế nghị quyết 98

Nếu không cân đối được vốn đầu tư công, TP.HCM dự kiến sẽ nghiên cứu làm 6km đường vành đai 2 theo cơ chế của nghị quyết 98.

Đoạn vành đai 2 đi qua ngã tư Bình Thái (TP Thủ Đức) sẽ xây dựng cầu vượt - Ảnh: CHÂU TUÂN

Đoạn vành đai 2 đi qua ngã tư Bình Thái (TP Thủ Đức) sẽ xây dựng cầu vượt - Ảnh: CHÂU TUÂN

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo UBND TP về tình hình thực hiện các dự án khép kín vành đai 2. Theo quy hoạch 568 năm 2013, vành đai 2 dài khoảng 64km với 6-10 làn xe. Sau 10 năm, đến nay có 50km đường vành đai 2 đã đưa vào khai thác. 14km còn lại được chia thành 4 đoạn hiện đang trong giai đoạn đầu tư khép kín.

Đối với vành đai 2 - đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) dài 3,5km. Dự án đã được Hội đồng thẩm định TP thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đoạn vành đai 2 này đầu tư bằng vốn ngân sách với tổng vốn 9.328 tỉ đồng. Dự án sẽ trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 9 năm nay.

Đối với vành đai 2 - đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng) dài 2,5km. Đoạn này có mức vốn 4.543 tỉ đồng, hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Còn vành đai 2 - đoạn 4 (từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 5,3km. Đoạn này có tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỉ đồng.

Do khó khăn về vốn ngân sách, dự kiến đoạn 4 được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 làm đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Văn Linh. Đoạn này dài 3,4km với tổng mức đầu tư khoảng 8.972 tỉ đồng, thực hiện từ 2023-2027. 

Giai đoạn 2 sẽ xây dựng đoạn từ quốc lộ 1A đến đường Võ Văn Kiệt dài 1,9km. Tổng mức đầu tư khoảng 7.445 tỉ đồng, thực hiện giai đoạn từ 2026-2030.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư hai dự án đường vành đai 2 - đoạn 2 và vành đai 2 - đoạn 4 (giai đoạn 1), Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo các sở liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn để đầu tư. Trường hợp TP chưa cân đối được vốn ngân sách, Sở Giao thông vận tải TP đề xuất chủ trương đầu tư theo phương thức khác ngoài vốn ngân sách (bao gồm nghiên cứu làm theo hình thức BT trả chậm theo cơ chế nghị quyết 98).

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải TP sẽ báo cáo UBND TP trình HĐND TP xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hai dự án (dự kiến quý 4-2023) để triển khai các bước tiếp theo.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, với hạn mức vốn đầu tư công hạn chế, nhiều dự án cấp bách mới vẫn chưa cân đối được vốn. Danh sách công trình này rất dài. Vì vậy, các cơ chế trong nghị quyết 98, trong đó có BT trả chậm sẽ mở ra cơ hội huy động vốn xã hội hóa rất lớn để đầu tư, hoàn thiện các dự án giao thông của TP bên cạnh vốn ngân sách.

Khi làm theo hình thức BT trả chậm, TP có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm ngay công trình trong giai đoạn này. Nhà đầu tư xây dựng công trình đó và TP sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5-10 năm.

Đoạn vành đai 2 dài 2,7km, vì sao tắc ?

Dự án vành đai 2 - đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã khởi công vào năm 2017. Khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 44% và tạm dừng từ năm 2020 đến nay. Hai nguyên nhân chính dẫn đến dự án tạm dừng.

Đầu tiên là vì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai chậm. Thứ hai là dự án phải tiến hành điều chỉnh, bao gồm cả thủ tục để thanh toán quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký

Xem ảnh 5 tuyến cửa ngõ TP.HCM được rót 37.000 tỉ đồng sau cơ chế nghị quyết 98Xem ảnh 5 tuyến cửa ngõ TP.HCM được rót 37.000 tỉ đồng sau cơ chế nghị quyết 98

Năm tuyến đường đều là các hướng cửa ngõ quan trọng của TP.HCM, được xếp "ưu tiên 1" trong tổng số 107 tuyến đường trục chính có thể áp dụng hình thức BOT từ cơ chế của nghị quyết 98.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên