14/05/2024 08:28 GMT+7

Bệnh viện ung thư mới hoạt động đã quá tải

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, hiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức) được đầu tư gần 6.000 tỉ đồng cũng đã quá tải. Nhiều bệnh nhân ung thư phải chờ lâu mới đến lượt phẫu thuật, xạ trị.

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, hiện cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng đã quá tải (ảnh chụp sáng 13-5) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, hiện cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng đã quá tải (ảnh chụp sáng 13-5) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là bệnh viện chuyên về điều trị ung thư có quy mô lớn nhất cả nước. Thế nhưng chỉ mới hơn một năm đi vào hoạt động, bệnh viện này đã quá tải.

Đợi cả tháng mới được xạ trị

Sáng 13-5, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lúc 7h tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 có đến hàng ngàn người bệnh xếp hàng đợi tới lượt thăm khám ở cả khu bảo hiểm y tế lẫn khu dịch vụ. 

Nhiều người bệnh cầm trên tay số thứ tự khám bệnh với nét mặt uể oải, sốt ruột vì đã đợi vài giờ vẫn chưa được gọi tên vào phòng khám. Phần lớn bệnh nhân ngồi đợi là từ các tỉnh đổ về như Phú Yên, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai...

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: Ám ảnh quá tải ở cơ sở 1, tới lượt cơ sở 2 cũng quá tải

Vì biết bệnh viện đông người, để được khám sớm, bà K.D. (69 tuổi, Bình Dương) đã đặt lịch bốc số từ chiều 10-5 với số thứ tự 119 để được hóa trị ung thư vú. Đúng 6h sáng 13-5, con trai cùng bà đã có mặt tại khu hóa trị ban ngày của bệnh viện đợi đến lượt khám. 

Những tưởng đặt số trước sẽ được hóa trị nhanh, thế nhưng đến 12h số thứ tự vẫn nằm ở 70. "Lượng bệnh nhân thăm khám đông quá, có khi cả gần một tiếng số mới nhảy một lần, những người lớn tuổi như chúng tôi rất vất vả khi đi khám. 

Đặc biệt là những người bệnh ung thư cơ thể mệt mỏi, ngồi đợi lâu sức khỏe như kiệt quệ", bà D. nói.

Tình trạng quá tải không chỉ xảy ra riêng tại các khu vực hóa trị ban ngày mà khu khám bệnh, khu dịch vụ, đáng nói có đến hàng trăm người bệnh xạ trị phải đợi đến một tháng mới tới lượt. Khi được hỏi thời gian chờ xạ trị, đa phần bệnh nhân tại đây cho biết phải chờ đợi lâu từ 3-4 tuần.

Ngồi trong khu xạ trị của Bệnh viện Ung bướu, bà Q.H. (62 tuổi, Phú Yên) đã xạ trị 16 lần cho biết bà được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng. Thế nhưng từ lúc được chẩn đoán đến lúc được các bác sĩ gọi đến xạ trị là một tháng.

"Khám xong về nhà tôi rất lo lắng, đợi mãi chưa thấy bác sĩ gọi điện đến bệnh viện xạ trị. May thay khoảng một tháng có nhân viên y tế gọi đến thông báo lịch xạ trị. Nghe gọi điện tôi mừng lắm, lo khăn gói đến bệnh viện rồi thuê phòng trọ ở cho tiện. 

Không chỉ mình tôi, những bệnh nhân xạ trị ở đây cũng phải đợi cả tháng mới tới lượt. Tôi rất lo lắng nếu bệnh để lâu vậy liệu không biết bệnh có nặng thêm không, điều trị có gây ảnh hưởng gì đến thời gian vàng điều trị bệnh không", bà H. thở dài ngao ngán.

Bệnh nhân và người nhà đông đúc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (Thủ Đức) sáng 13-5 - Ảnh: D.PHAN

Bệnh nhân và người nhà đông đúc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (Thủ Đức) sáng 13-5 - Ảnh: D.PHAN

84% bệnh nhân từ các địa phương

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động với quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế và nhiều máy móc hiện đại. Bệnh viện được kỳ vọng giải quyết tình trạng quá tải hàng chục năm qua tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1, cũng như rút ngắn thời gian chờ xạ trị cho bệnh nhân.

Ông Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết hiện có khoảng 500 - 600 bệnh nhân ung thư đang trong danh sách chờ xạ trị tại bệnh viện, cũng như có nhiều bệnh nhân phải chờ tới lượt mổ. 

"Với bệnh nhân phải xạ trị, trung bình một bệnh nhân phải chờ 4-6 tuần mới đến lượt. Dù bệnh viện có nhiều máy gia tốc nhất trong nước với 13 máy gia tốc xạ trị, bác sĩ phải làm đến 10h đêm nhưng bệnh nhân vẫn phải chờ xạ trị rất lâu", ông Thịnh cho hay.

Còn ông Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu - cho biết hiện nay mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu tiếp nhận 4.700 - 4.800 bệnh nhân đến khám, 950 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000 - 1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày. 

Trong số những bệnh nhân đến khám và điều trị này có đến 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh thành trong khu vực, trong khi trước đây tỉ lệ này chỉ khoảng 75%. Số lượng bệnh nhân có địa chỉ tại TP.HCM đến bệnh viện khám không biến động nhiều, chỉ khoảng 700 - 750 bệnh nhân mỗi ngày.

Theo ông Tuấn, bệnh nhân đến khám ở giai đoạn trễ, giai đoạn 3 và 4, cũng là một nguyên nhân khiến việc điều trị kéo dài, làm tăng thêm tình trạng quá tải. 

Ngoài ra những tiến bộ trong chẩn đoán, trong điều trị giúp phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân hơn và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân hơn. Đồng thời bệnh nhân cũng phải điều trị kéo dài hơn, tái khám thường xuyên hơn.

Bệnh nhân và người thân chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vào sáng 13-5  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh nhân và người thân chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vào sáng 13-5 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều giải pháp giảm tải

Trước tình hình quá tải hiện tại, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm tải cho người bệnh. Chẳng hạn như tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5h sáng, tăng số ca xạ trị bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc khoảng 22h, tổ chức mổ ngoài giờ hành chính và ngày thứ bảy.

Hiện nay, theo ông Tuấn, thời gian chờ mổ hiện tại từ 1-3 tuần tùy theo từng loại bệnh lý. Đối với bệnh nhân có bệnh lý ác tính, thời gian chờ mổ ngắn hơn bệnh nhân có bệnh lý lành tính. 

Bệnh viện áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã điều phối bệnh nhân giữa hai cơ sở, điều trị những trường hợp nặng hoặc ác tính trước, những trường hợp nhẹ hoặc không nguy hiểm hoặc lành tính sẽ điều trị sau nên trước mắt chưa ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Theo báo cáo số liệu từ tháng 1-2023 đến nay, số liệu bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng khoảng 10% so với trước khi triển khai đồng bộ tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Tuy nhiên từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu dần ổn định.

"Nếu bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu khám và điều trị tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng cường những giải pháp như trên và tiếp tục khảo sát, đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để giảm thời gian chờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện", ông Tuấn cho hay.

Phối hợp các tỉnh thành trong vùng

Ngày 15-8-2023, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch 3944 về phòng chống ung thư trên địa bàn TP đến năm 2025 và ngày 9-10-2023 Sở Y tế cũng đã ban hành kế hoạch 8534 về tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống ung thư đến năm 2025.

"Hiện nay các bệnh viện trong TP đã tích cực phối hợp với các bệnh viện thuộc 13 tỉnh vùng ĐBSCL, 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm triển khai các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho các tỉnh, nhằm nâng cao năng lực điều trị bệnh lý ung thư nói riêng và các bệnh lý khác nói chung để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân tại các địa phương" - ông Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu, thông tin.

Tiếp nữa, cần đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân. Đây cũng là nội dung phát triển y tế chuyên sâu mà Sở Y tế cũng đang yêu cầu các bệnh viện triển khai.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca ung thư mới

"Bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tỉ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng" - ông Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhận xét.

Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong; tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân thời gian qua tỉ lệ mắc bệnh ung thư tại Việt Nam cao do nhiều yếu tố. Dân số tăng kéo theo các bệnh chung cũng sẽ tăng, trong đó có ung thư. Tuổi thọ tăng lên (già hóa dân số) cũng làm số ca mắc ung thư càng cao.

Chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân quan tâm sức khỏe nhiều hơn, đi khám tầm soát ung thư nên nhiều người phát hiện sớm ung thư. Máy móc, thiết bị hiện đại và kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện khối u rất nhỏ ở giai đoạn rất sớm. Điều này cũng dẫn đến số ca ung thư đếm được tăng.

Ngoài ra, môi trường (nước, không khí...) ô nhiễm, kém chất lượng cũng là một trong những yếu tố quan trọng gây ung thư. Và thêm cả lối sống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc, uống rượu, lạm dụng chất kích thích, thực phẩm không đảm bảo an toàn... cũng là nguyên nhân làm tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng cao.

Tăng cường công tác tầm soát, phát hiện bệnh sớm

Để giải quyết căn cơ tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ông Diệp Bảo Tuấn cho rằng cần phải có những kế hoạch, giải pháp.

Cụ thể cần tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư nhằm phát hiện ngày càng nhiều, càng sớm những trường hợp ung thư để điều trị hiệu quả hơn với thời gian ngắn hơn.

Hiện nay Sở Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch xây dựng trung tâm khám sức khỏe và phát hiện bệnh sớm bằng công nghệ cao tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu (số 3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) để trình các cấp thẩm quyền.

Bên cạnh đó cần xây dựng kế hoạch phòng chống ung thư trên địa bàn TP để cả hệ thống y tế từ y tế cơ sở đến các bệnh viện chuyên khoa có điều trị bệnh lý ung bướu cùng chung tay khám và điều trị bệnh nhân ung bướu theo sự phân công và phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Hà Nội: bác sĩ, bệnh nhân đều "tăng ca"

Bệnh nhân chờ chụp cắt lớp tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) vào trưa 13-5 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bệnh nhân chờ chụp cắt lớp tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) vào trưa 13-5 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Có mặt tại khu vực chụp cắt lớp Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) đúng 12h, hàng dài bệnh nhân xếp hàng, người đứng người ngồi khắp sảnh khu vực chờ đợi đến lượt chụp chiếu.

Trên tay vẫn chằng chịt kim truyền, ông Thành (53 tuổi) cho hay đã chờ từ 11h30 và chuẩn bị đến lượt. "Bác sĩ chỉ định xuống chụp nên cũng ráng chờ đợi, bệnh viện đông, bác sĩ cũng không được nghỉ ngơi mà thay nhau làm việc", ông Thành nói.

Còn tại sảnh chờ xạ trị kỹ thuật cao Bệnh viện K, dù 12h trưa nhưng người ra vào vẫn tấp nập bởi những khoa phòng này không có giờ nghỉ.

Bệnh viện luôn bố trí bác sĩ, kỹ thuật viên thay ca xạ trị cho bệnh nhân để kịp tiến độ theo phác đồ điều trị. Thông thường các bác sĩ làm việc cả buổi trưa, thậm chí cả buổi tối, mới hết lượt bệnh nhân xạ trị.

Mặc dù phải chờ đợi lâu nhưng ông Q. cũng bày tỏ cảm thông với các y bác sĩ. Bởi bệnh nhân đông, các bác sĩ cũng phải làm việc xuyên trưa mới đáp ứng đủ nhu cầu xạ trị của người bệnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Quảng - giám đốc Bệnh viện K - cho hay hiện nay các khoa, phòng bệnh viện hoạt động hết công suất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Theo ông Quảng, trước đây Bệnh viện K có chín máy xạ trị. Hiện chỉ còn năm máy hoạt động, bốn máy còn lại một phần hết thời hạn khấu hao, phần đã hết niên hạn sử dụng. Ngoài máy xạ trị, hiện các kỹ thuật như chụp cắt lớp, bệnh viện cũng phải chia ca, làm việc hết công suất để đảm bảo cho người bệnh.

"Nhiều bệnh nhân ung thư phải chạy máy xạ trị bởi vậy để đáp ứng nhu cầu điều trị, các y bác sĩ và bệnh nhân đều phải "tăng ca", thậm chí làm việc xuyên đêm, giảm tình trạng người dân phải chờ đợi xạ trị lâu, gián đoạn phác đồ điều trị. Hiện bệnh viện đang tổ chức đấu thầu máy xạ trị để tăng cường điều trị, kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cho người bệnh trong thời gian tới", ông Quảng cho hay.

Bệnh viện K có khoảng 1.800 cán bộ y tế, khám và chữa bệnh cho hơn 400.000 người mỗi năm. Theo báo cáo tổng kết hoạt động của bệnh viện, số lượt khám chữa bệnh, hoạt động ngoại khoa, hóa xạ trị, cận lâm sàng năm 2023 đều tăng so với năm 2022.

Số lượt khám năm 2023 đã tăng 34% so với năm 2022, tương đương với 446.830 lượt. Bên cạnh đó, Bệnh viện K cũng áp dụng nhiều kỹ thuật mới, công nghệ cao như phẫu thuật tạo hình ghép xương sinh học - xương tự thân - xương đông khô đảm bảo phục hồi chức năng cho người bệnh, điều trị đích, điều trị miễn dịch...

Năm vừa qua, bệnh viện cũng được Bộ Y tế phê duyệt áp dụng chính thức phẫu thuật nội soi robot cho các chuyên ngành tiêu hóa; đầu cổ, tiết niệu, phụ khoa, kỹ thuật xạ trị VMAT... Việc ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao vào điều trị ung thư đã giúp người bệnh có thêm phương pháp điều trị, giảm thiểu thời gian nằm viện, hồi phục tốt hơn...

Còn tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đại diện bệnh viện cho hay mỗi năm Hà Nội có khoảng 16.000 ca mắc ung thư mới và khoảng 35.000 người phải sống chung với bệnh ung thư. Hiện bệnh viện có khoảng 600 giường bệnh với gần 700 cán bộ, nhân viên. Năm 2023, công suất sử dụng giường bệnh đạt 164%, thực hiện thành công hơn 9.000 ca phẫu thuật.

Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho hay hiện bệnh viện cơ bản đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người dân.

Tuy nhiên với tình trạng bệnh nhân ngày càng tăng cao, để đáp ứng được nhu cầu điều trị, bệnh viện cũng bày tỏ mong muốn TP quan tâm xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện tại huyện Quốc Oai (Hà Nội). Cơ sở này sẽ phát triển những chuyên khoa sâu, xây dựng hệ thống phòng mổ thông minh kết nối với các trung tâm đa khoa hàng đầu để tăng cường điều trị ung thư cho người dân thủ đô.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quá tải, bệnh nhân ung thư chờ 4-6 tuần mới được xạ trịBệnh viện Ung bướu TP.HCM quá tải, bệnh nhân ung thư chờ 4-6 tuần mới được xạ trị

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 cũng đã quá tải. Nhiều bệnh nhân ung thư phải chờ lâu mới đến lượt phẫu thuật, xạ trị…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên