19/12/2023 16:38 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Nhân sự kiện giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới; gạo ST25 lần thứ hai đoạt giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có bài viết gửi riêng Tuổi Trẻ Online về cơ hội vàng xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tìm kiếm sự đồng thuận của các bên

Hành trình mới đã bắt đầu với rất nhiều kỳ vọng lớn lao. Không gian phát triển ngành hàng lúa gạo dù đang ở biên độ rộng nhất nhưng cũng đã gần tới hạn. Gạo Việt được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới vẫn chưa có gì đảm bảo trên con đường dài phía trước khi thị trường càng ngày càng khó tính hơn. Về đích trên đường chạy cự ly ngắn khác với chiến thắng ở cự ly dài.

Thương hiệu gạo Việt vẫn cần được kiên trì tạo dựng bằng sự tham gia của cả hệ sinh thái: nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, viện trường, cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông… Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng không còn là chuyện xa vời, mà đã có thể cảm nhận được trong từng mùa vụ. "Phát triển bền vững" không phải là câu từ cho đẹp các đề án, mà đang đặt ra cho mọi đất nước, địa phương, trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Bất kỳ sự thay đổi nào, giai đoạn đầu cũng là khó nhất. "Vạn sự khởi đầu nan" là những kinh nghiệm của những người đi trước. Một bài học ông cha đã đúc kết: "Đầu xuôi, đuôi lọt", nghĩa là nếu biết chăm chút từ lúc khởi đầu sẽ thuận lợi cho những bước tiếp theo và đi đến thành công.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Hai thành phần, hay nói cách khác là hai đội quân chủ lực, tham gia thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, chính là nông dân và doanh nghiệp. Một bên là đầu vào, một bên là đầu ra, chỉ cần thiếu một trong hai, chắc chắn sẽ không thành công. Đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải, gắn với tăng trưởng xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng không thể thiếu hai lực lượng quan trọng này

Khởi đầu với thách thức lớn nhất là tạo được sự đồng thuận về nhận thức trong tất cả các bên tham gia. Một hạt gạo rất nhỏ bé, chỉ nặng 0,029 gam, nhưng chắc chắn mỗi người sẽ có cách nhìn sẽ khác nhau và đôi khi làm nặng lòng cho cả hệ thống. Hạt lúa tuy nhẹ nhưng đôi khi làm rối loạn cả chuỗi liên kết cung cầu.

Muốn thống nhất nhận thức phải bắt đầu từng câu hòi: Vì sao phải thay đổi, hoặc nếu không thay đổi thì sao? Thay đổi sẽ mang lại giá trị gì chung cho xã hội và giá trị riêng cho riêng của từng chủ thể tham gia? Lợi nhuận thế nào, lợi ích ra sao ở mỗi bên tham gia?

Nói cách khác, tôi hay chúng tôi sẽ được gì khi tham gia vào sự thay đổi? Rồi hàng loạt câu hỏi chắc chắn sẽ được đặt ra: Cơ chế chính sách như thế nào, tín dụng từ đâu, lải suất có ưu đãi và dễ tiếp cận không? Thị trường đầu ra có ổn định không, có lặp lại điệp khúc "được mùa mất giá" không?

Lúa gạo Việt Nam đang trong thời điểm vàng để làm thương hiệu bởi vừa bán được giá cao vừa có loại gạo

Lúa gạo Việt Nam đang trong thời điểm vàng để làm thương hiệu bởi vừa bán được giá cao vừa có loại gạo "ngon nhất thế giới" lần thứ hai - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đồng thuận trong nhận thức là "điều kiện cần", nhưng đồng thuận trong hành động mới là "điều kiện đủ" đi đến thành công, để tất cả các bên cùng thắng. Doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt hạt gạo đến thị trường bằng cả thuận lợi lẫn khó khăn.

Đây là lúc mỗi người cần thẩm thấu triết lý nhân sinh: "Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau". Cùng liên kết với nhau tạo thành hệ sinh thái gồm tất cả tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng chính là cộng hưởng sức mạnh.

Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa 

Để được vinh danh gạo Việt là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới là sự tận hiến của các nhà nông học, các viện trường, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân thuốc, doanh nghiệp thương mại.

Tất cả đều thực hiện giấc mơ đưa hạt gạo Việt ra thế giới bằng tất cả sự tự hào dân tộc. Bên cạnh đó còn những quyết sách của Đảng và Nhà nước giữ ổn định đất trồng lúa vì an ninh lương thực một quốc gia đang tiến đến 100 triệu người. Những cuộc xúc tiến thương mại, đàm phán mở của thị trường, vượt qua những hàng rào kỹ thuật đã góp phần khơi thông không gian giá trị cho hạt gạo đi khắp thế giới. Một hạt gạo nhỏ như vậy mà đã kết tinh giá trị từ bao người, bao đời.

Thương hiệu được tạo dựng bằng quy trình sản xuất và kinh doanh ngành hàng lúa gạo không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, đến sức khỏe của đất, của nước, của cộng đồng. Thương hiệu được tạo dựng bằng triết lý: "Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa". Những giá trị cảm xúc không nhìn thấy được ẩn chứa trong những hình ảnh nhìn thấy được, đó chính là thương hiệu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đến thăm một hợp tác xã làm mô hình tôm lúa ở huyện Hồng Dân. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ tọa đàm chủ đề Lúa thơm tôm sạch do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2022 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đến thăm một hợp tác xã làm mô hình tôm lúa ở huyện Hồng Dân. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ tọa đàm chủ đề Lúa thơm tôm sạch do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2022 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cuộc đua đến thị trường thế giới của hạt gạo Việt như cuộc chạy tiếp sức, người chạy trước trao gậy cho người chạy sau một cách nhịp nhàng. Trong cuộc chạy đường dài đó, không ai, người khởi đầu hay người kết thúc, quan trọng hơn ai. Trong vòng tròn hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo, tất cả đều được vinh danh vì đã cùng nhau nâng cao hình ảnh đất nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hiện nay người ta không mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩmBộ trưởng Lê Minh Hoan: Hiện nay người ta không mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang về kết quả đạt được cũng như định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh thời gian tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên