22/12/2023 19:23 GMT+7

Các chuyên gia tiếp tục hiến kế phát triển công nghiệp văn hóa

ĐẬU DUNG
và 1 tác giả khác

Các chuyên gia, nghệ sĩ tiếp tục hiến kế nhằm tháo gỡ nút thắt phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Lễ hội âm nhạc Hò Dô là một trong những thương hiệu văn hóa của TP.HCM trong những năm qua - Ảnh: BTC

Lễ hội âm nhạc Hò Dô là một trong những thương hiệu văn hóa của TP.HCM trong những năm qua - Ảnh: BTC

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bàn tròn mini với các tiếng nói đa chiều sau đây.

* TS Nguyễn Quý Phương (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu báo chí truyền thông, tổng giám đốc Công ty tư vấn quốc tế QPVN):

Hai điểm khiến công nghiệp văn hóa chưa cất cánh

Nằm trong dòng chảy của những làn sóng công nghiệp văn hóa mạnh nhất thế giới, công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng được định hình.

TS Nguyễn Quý Phương

TS Nguyễn Quý Phương

Bức chân dung dần hình thành với những thương hiệu "quốc dân" như phim giờ vàng của VTV, Rap Việt, phim điện ảnh của Trấn Thành, câu chuyện âm nhạc của Hà Anh Tuấn, nhạc kịch Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, À ố show, thực cảnh Ký ức Hội An…

Chúng ta cũng có những nhân hiệu, thương hiệu quốc tế như Công Trí, Axe Infinity, Thùy Tiên, Chi Pu, du lịch Phú Quốc…

Tất cả giúp cho nền công nghiệp văn hóa non trẻ của ta tập hợp được một đội ngũ những người tiên phong khai mở thị trường.

Song những người mang đến sức sống đó lại chưa được nhìn nhận là chủ thể phát triển công nghiệp văn hóa.

Đó là sự hạn chế về nhận thức làm lãng phí nguồn lực và làm lỡ cơ hội vươn vai bứt phá của công nghiệp văn hóa.

Xác định không đúng chủ thể, đầu tư không đúng chỗ dẫn đến việc ta không bảo vệ được thành quả 10 năm qua của công nghiệp văn hóa.
TS Nguyễn Quý Phương

Các thương hiệu Việt vẫn đơn độc trên con đường ra thế giới khi thiếu vắng hoàn toàn hệ sinh thái phát triển và cơ chế đồng hành, hỗ trợ.

Nếu vẫn còn hai điểm chưa được mà tôi đã nêu ở trên, công nghiệp văn hóa Việt Nam khó có thể cất cánh.

Nhìn vào kết quả triển khai chiến lược 2016 - 2021, ta dễ thấy phần lớn ngân sách giải ngân cho các thiết chế văn hóa do Nhà nước quản lý.

Trong khi đó cả hai bản chiến lược đều không làm rõ cơ chế đầu tư cho doanh nghiệp công nghiệp văn hóa.

Nếu doanh nghiệp công nghiệp văn hóa không được hỗ trợ các chính sách huy động vốn đặc thù, không có hệ sinh thái cung cấp công cụ, dịch vụ từ bảo vệ tài sản trí tuệ đến sản xuất và phát hành… thì doanh nghiệp công nghiệp văn hóa của ta không có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.

Nghĩa là, thị trường 100 triệu dân sẽ được khai thác tận thu bởi doanh nghiệp nước ngoài.

Nếu muốn tháo gỡ nút thắt, trước tiên cần công nhận và bảo hộ các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, xây dụng cơ chế xác định giá trị tài sản trí tuệ.

Tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn với chính sách khuyến khích hoặc chính sách đầu tư cho những giá trị hình thành trong tương lai.

Có vậy thì đất nước ta mới có được các tập đoàn công nghiệp văn hóa lớn mạnh như CJ, Tencent, Walt Disney…

* Nhạc sĩ Huy Tuấn (tổng đạo diễn Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò Dô):

Âm nhạc là cốt lõi trong công nghiệp văn hóa

Nhạc sĩ Huy Tuấn (giữa)

Nhạc sĩ Huy Tuấn (giữa)

Tôi nghĩ âm nhạc Việt đang có những bước tiến để hòa nhập khá nhanh vào dòng chảy chung của những xu thế âm nhạc trên thế giới.

Ở đây tôi đang nói về khía cạnh âm nhạc đại chúng và những gì đại chúng thì thường sẽ là những yếu tố thu hút các nhà đầu tư, các nhà sản xuất cùng tham gia.

Đây đều là những thành phần rất quan trọng trong chuỗi sinh thái của công nghiệp văn hóa mà âm nhạc luôn là thành phần chính, cốt lõi, luôn đóng vai trò tiên phong do sự phổ biến cũng như là thứ tạo ra sự hứng khởi dễ dàng nhất.

Tất cả các thành phố nên có những thương hiệu văn hóa riêng, bởi chỉ có văn hóa mới mang lại những sự kết nối nhanh và hiệu quả tới vậy.

Lễ hội âm nhạc Hò Dô cũng bắt đầu từ một tầm nhìn như vậy và được sự đồng lòng của rất nhiều lớp lãnh đạo cũng như sự phối hợp công tư hiệu quả, một lòng vì thương hiệu văn hóa của thành phố.

* Aiden Nguyễn (CEO ST.319):

Nghệ sĩ là một phần của tổng thể

Aiden Nguyễn

Aiden Nguyễn

Khi nói "công nghiệp", tôi nghĩ nó thuộc về sản xuất hơn là sản phẩm, đội ngũ hơn là cá nhân.

Giới nghệ sĩ đang đóng góp vào công nghiệp văn hóa bằng cách vận hành từ khâu tuyển chọn - đào tạo - quản lý - sáng tạo - sản xuất - phát hành - truyền thông đến khán giả những sản phẩm chất lượng.

Những nghệ sĩ có tư duy văn minh, có sức ảnh hưởng tích cực đến không chỉ ngành giải trí nói riêng hay kinh tế nói chung, mà sâu hơn đến lối sống, tư duy của một bộ phận khán giả trẻ.

Nếu nghệ sĩ ý thức được mình là một phần của tổng thể, đó cũng là yếu tố tiên quyết để "công nghiệp hóa" đúng đắn, hiệu quả.

* Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM):

Thúc đẩy TP.HCM thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh

Với TP.HCM, ngành công nghiệp văn hóa có những đặc điểm chung về văn hóa của Việt Nam và những điểm đặc thù của một đô thị đặc biệt, có quy mô dân số lớn nhất cả nước, kinh tế - xã hội có tốc độ phát triển nhanh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy

Ngành văn hóa và thể thao thành phố đề ra một số giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở TP.HCM đến năm 2030 gồm:

- Gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tuyến để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển.

- Nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch phát triển thành phố các khu công nghiệp văn hóa. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại như phim trường, trung tâm phức hợp chiếu phim kết hợp biểu diễn đa năng, nhà triển lãm, khu liên hợp thể thao… nhằm đáp ứng được các sự kiện quốc tế.

- Nâng cao chất lượng và nâng cấp cơ sở vật chất để đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

- Tổ chức tốt các sự kiện văn hóa lớn mang tính thường niên như Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF), Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ, Ngày hội du lịch TP.HCM, Lễ hội áo dài thành phố…

Phát triển các con đường di sản - nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa đặc trưng của thành phố.

- Thành lập một số quỹ hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về chính sách bảo hộ trên lĩnh vực điện ảnh: chính sách bảo hộ phim Việt, ưu tiên chiếu phim Việt Nam; thu thuế ở mức thấp đối với phim Việt, lãi suất ưu đãi cho những nhà làm phim trong nước vay vốn…

Đồng thời, tích cực thúc đẩy xây dựng TP.HCM trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt NamThủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Sáng 22-12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tuổi Trẻ Online cập nhật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên