22/12/2023 09:24 GMT+7

Hội nghị công nghiệp văn hóa: Bàn tháo gỡ điểm nghẽn phát triển

Hội nghị phát triển công nghiệp văn hóa ngày 22-12 lần đầu tiên tổ chức với quy mô toàn quốc có sự điều hành của Thủ tướng, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các "nút thắt" về cơ chế, chính sách của lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy - Ảnh: TRẦN HUẤN

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy - Ảnh: TRẦN HUẤN

Thứ trưởng Bộ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thông tin với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện này.

* Bà đánh giá sao về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay, tiềm năng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam?

- Tại quyết định số 1755 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được giao:

"Chủ trì, phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai thực hiện chiến lược". Trên cơ sở tổng hợp báo cáo, có thể đánh giá được các ngành công nghiệp văn hóa đã có bước chuyển tích cực, đóng góp không nhỏ vào tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, mục tiêu đến năm 2020 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tuy nhiên đến năm 2018 các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng 3,61%, vượt mục tiêu đề ra.

Phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta phát triển chưa có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực chưa tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, chưa đạt được như mong muốn cũng như sự phát triển tổng thể của ngành công nghiệp văn hóa như yêu cầu, kỳ vọng đề ra.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, có lợi thế quốc gia thể hiện qua giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.

Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa có tỉ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa phát triển chưa đồng bộ. Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Một số lĩnh vực phát triển như điện ảnh với doanh thu phim chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4.100 tỉ đồng, phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1.150 tỉ đồng, đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra.

Hành lang pháp lý trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng hoàn thiện, cụ thể Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã giúp phim trong nước nhận được những ưu đãi, từ đó thu hút đầu tư.

Ngoài ra nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; phần mềm và trò chơi giải trí… cũng đang có những bước phát triển.

Các ngành công nghiệp văn hóa qua số liệu ước tính đến năm 2022 đã bắt đầu phục hồi sau COVID-19 và giá trị đóng góp tăng trưởng ước đạt 4,04%.

Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỉ đồng (số liệu từ kết quả phân tích của Tổng cục Thống kê).

* Vậy, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay đang gặp những khó khăn gì về chính sách?

- Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn.

Một số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chưa có luật để quản lý; chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa.

Đồng thời, thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về hỗ trợ thuế, thu hút nguồn vốn đầu tư, cơ chế đầu tư nhằm phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

* Bộ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xin bà cho biết hội nghị sẽ bàn gì, mục tiêu hướng đến là gì?

- Hội nghị này có thể coi như là hội nghị "Diên Hồng" về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhằm đưa ra các định hướng lớn và cơ chế, chính sách tháo gỡ các "rào cản, nút thắt" để phát huy các tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tại hội nghị, bộ sẽ báo cáo đánh giá Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận, xác định xu thế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đối với thị trường trong nước và quốc tế, từ đó lựa chọn một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế đầu tư phát triển trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.

Các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo sẽ có những nội dung tham gia từ góc độ người "sáng tạo" để nêu những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các tác phẩm, nội dung sáng tạo của mình, đặc biệt là các rào cản trong cơ chế, chính sách.

Từ đó các nhà quản lý, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, từng bước tháo gỡ các "nút thắt" về cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ và đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo tham gia trực tiếp vào từng lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt NamThủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Sáng 22-12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên