26/04/2023 08:11 GMT+7

Cần có tổ công tác gỡ vướng dự án chưa bàn giao hạ tầng ở TP.HCM

Theo thống kê sơ bộ, hiện TP.HCM có khoảng 291 dự án khu đô thị, khu dân cư đã xây dựng hạ tầng nhưng chưa bàn giao cho Nhà nước, trong đó TP Thủ Đức chiếm khoảng hơn 55% tổng số dự án.

Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Bách khoa TP.HCM xây dựng lởm chởm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Bách khoa TP.HCM xây dựng lởm chởm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Để thúc đẩy hoàn thiện cho các dự án này, có lẽ cần phải có một tổ công tác đủ chuyên môn, khả năng để giải quyết.

Những mảng "da beo" có nguyên nhân từ lỗ hổng pháp lý

Trong số các dự án chưa bàn giao hạ tầng, dang dở có nhiều dự án được giao, phê duyệt từ trước thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực (1-7-2004). 

Các dự án giai đoạn này thông thường được Nhà nước ban hành quyết định tạm giao đất để chủ đầu tư làm cơ sở bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Vì là quyết định tạm giao nên thường cũng không ghi nhận nghĩa vụ của chủ đầu tư về đầu tư hạ tầng tương ứng. Đến khi chủ đầu tư bồi thường thực tế được diện tích cụ thể thì Nhà nước sẽ phê duyệt đầu tư, ra quyết định giao đất chính thức cho dự án.

"Đây là một trong những lỗ hổng pháp lý làm phát sinh nhiều vướng mắc về hạ tầng, nhất là các dự án chủ đầu tư triển khai chậm, ì ạch. Các dự án thực hiện sau Luật đất đai 2003 và Luật đầu tư 2005 thì đã khắc phục lỗ hổng trên" - ông Nguyễn Hải Long, trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty luật TNHH AGL, nhận định.

Một nắp cống bị cạy vênh lên nằm ngay khúc cua trong khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức gây nguy hiểm cho người đi đường - Ảnh: LÊ PHAN

Một nắp cống bị cạy vênh lên nằm ngay khúc cua trong khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức gây nguy hiểm cho người đi đường - Ảnh: LÊ PHAN

Bổ sung thêm, TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết tồn tại pháp lý đó khiến nhiều dự án nhà ở, đô thị triển khai kéo dài, dang dở, tạo ra những mảng "da beo", ảnh hưởng hạ tầng của khu vực, bộ mặt đô thị nhếch nhác mà không rõ trách nhiệm chính (ngoài chủ đầu tư) của cơ quan quản lý nhà nước thì thuộc về địa chỉ nào.

Còn ông Ngô Anh Vũ, viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cho rằng các dự án kéo dài hàng chục năm chưa bàn giao hạ tầng, thậm chí chủ đầu tư đã giải thể, phá sản, không liên hệ... rõ ràng là thiếu sự đôn đốc, thường xuyên kiểm tra, xử lý chủ đầu tư từ cơ quan chức năng. 

Trong số các dự án, cũng có dự án hạ tầng cơ bản đã được xây dựng, thậm chí hoàn thành đến 90%, người dân vô ở nhiều nhưng do vướng mắc pháp lý về quy hoạch, nghiệm thu, việc bàn giao dây dưa khiến hạ tầng, đường sá xuống cấp, lún, ngập...

Cần lập tổ công tác xử lý

Phân tích về thực trạng xử lý các dự án chây ì thời gian qua, ông Vũ cho rằng chủ yếu các sở ngành, địa phương rà soát các dự án chưa hoặc chậm triển khai bồi thường, xây dựng theo các quyết định được phê duyệt và tham mưu cho TP ra quyết định thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác (thông qua đấu thầu) khá thuận lợi.

Tuy nhiên các dự án đã triển khai dang dở như các dự án chưa bàn giao hạ tầng thì rất khó để thu hồi vì trải qua nhiều giai đoạn chính sách pháp luật khác nhau. Thêm nữa, kể cả Nhà nước thu hồi được thì rất khó để tìm được chủ đầu tư khác chịu vào tiếp nhận để tiếp tục hoàn thiện dự án. 

"Đó là chưa kể các dự án do Thủ tướng giao hoặc dự án có nhiều chủ đầu tư gồm chủ đầu tư làm hạ tầng chính và các chủ đầu tư dự án thành phần. 

Từ đó có thể sinh ra những mâu thuẫn về đóng góp tài chính khiến việc thực hiện dự án kéo dài, hạ tầng dang dở, điển hình như dự án khu đô thị phát triển An Phú. Xử lý, thu hồi các dự án như vậy còn khó khăn hơn rất nhiều", ông Vũ phân tích.

Đường Nguyễn Hoàng, TP Thủ Đức bị bong tróc do mật độ xe cộ đông nhưng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên - Ảnh: LÊ PHAN

Đường Nguyễn Hoàng, TP Thủ Đức bị bong tróc do mật độ xe cộ đông nhưng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên - Ảnh: LÊ PHAN

Theo ông Vũ, để giải quyết 291 dự án chưa bàn giao hạ tầng trên địa bàn TP thì rất cần vai trò can thiệp, hỗ trợ của TP chứ không chỉ trông chờ vào chủ đầu tư. "Tôi nghĩ TP cần lập tổ công tác để gỡ vướng, xử lý các dự án này. 

Dự án nào lớn, trọng điểm, ảnh hưởng kết nối hạ tầng chung khu vực... thì ưu tiên giải quyết. Đồng thời cũng cần rà soát để cấm các chủ đầu tư không đủ năng lực, triển khai dự án ì ạch mà vẫn thay tên, lập thêm pháp nhân xin thực hiện dự án khác" - ông Vũ nói.

Rác chất đống bất chấp bảng cấm tại một tuyến đường trong khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức - Ảnh: LÊ PHAN

Rác chất đống bất chấp bảng cấm tại một tuyến đường trong khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức - Ảnh: LÊ PHAN

Theo các chuyên gia, để giải quyết các vướng mắc hiện tại, cần có sự tham gia của các sở, địa phương. Cụ thể:

* Sở Quy hoạch - Kiến trúc: tham mưu phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch dự án.

* Sở Tài nguyên - Môi trường: phối hợp cơ quan thuế tính và thu tiền sử dụng đất, kiểm tra việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao ranh đất dự án cho chủ đầu tư.

* Sở Xây dựng: thanh tra, kiểm tra việc xây dựng đúng quy hoạch được duyệt. Quản lý hạ tầng thoát nước, đèn điện chiếu sáng, công viên cây xanh, hạ tầng xã hội khác của dự án.

* Sở Giao thông vận tải: quản lý mặt đường và vỉa hè, kết nối giao thông của dự án.

* Chính quyền địa phương (UBND quận, huyện, TP Thủ Đức): chịu trách nhiệm chính kiểm tra, giám sát, quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, hạ tầng (gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) của dự án.

Hạ tầng bế tắc vì dự án chưa bàn giao: TP Thủ Đức phải chủ động xử lýHạ tầng bế tắc vì dự án chưa bàn giao: TP Thủ Đức phải chủ động xử lý

Giải pháp nào để gỡ khó cho vấn đề bế tắc về hạ tầng của TP Thủ Đức? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến chuyên gia và cư dân về chuyện này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên