23/06/2023 13:33 GMT+7

Chi phí logistics quá cao 'bóp' sức cạnh tranh nông sản Việt ra thế giới

Chi phí logistics cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu dù có nhiều lợi thế nhưng không cạnh tranh lại với các nước, đặc biệt là Thái Lan.

Chi phí logistics quá cao bóp sức cạnh tranh nông sản Việt ra thế giới - Ảnh 1.

Logistics "bóp" sức cạnh tranh nông sản Việt ra thế giới, khó cạnh tranh với nhiều nước, nhất là Thái Lan - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ngày 23-6, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức tọa đàm "Nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics". Mục đích để có giải pháp, chính sách thích hợp; hướng ra bền vững giữa các khâu trong chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch VINAFRUIT - cho biết mặc dù rau quả Việt Nam có sản lượng lớn, hơn 34,7 triệu tấn (trong đó, rau các loại hơn 16,1 triệu tấn; quả các loại 18,6 triệu tấn) nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp, nhiều loại sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Hạ tầng cơ sở vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch rất cao, khoảng 30-35%.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sử dụng phương tiện đường hàng không ngay từ đầu, ông Nguyễn Đình Tùng, giám đốc Công ty T&T Vina, cho rằng logistics chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp, đó là chưa kể các chi phí nhập trái cây, chiếu xạ… Vì thế, doanh nghiệp còn lời rất ít.

Ông Tùng dẫn thực trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phụ thuộc hãng hàng không nước ngoài, giá cả nâng hạ tùy phía các hãng. Còn vận chuyển đường sắt, đường bộ, đường thủy… trái cây rất dễ bị hư hỏng, sức cạnh tranh đã thấp lại càng thấp hơn.

"Do vậy, tôi nghĩ trước hết cần quan tâm đầu tư mạnh hơn cơ sở hạ tầng vận tải đến các vùng nguyên liệu để nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường.

Phải quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản: có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế để nâng chất lượng và ổn định giá thành", ông Tùng đề xuất giải pháp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Tú Uyên, giám đốc Công ty Logistics CMU, cũng thừa nhận những nghịch lý của nông sản Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhưng lại bất lợi, kém cạnh tranh với Thái Lan.

"So sánh với nước bạn trong khu vực, cụ thể như Thái Lan thì nông sản Việt lại gặp thách thức bởi Thái Lan có nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông… tần suất đều mỗi ngày. Các hãng tàu có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông. Giá cả vận tải của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với Hà Nội, TP.HCM từ 1 - 1,2 USD/kg", bà Uyên dẫn chứng.

Bà Uyên cũng nhắc đến những quan ngại của doanh nghiệp xuất khẩu khi thiếu các cơ sở logistics tại các vùng nguyên liệu.

Bà chỉ ra: "Chúng ta đang vào mùa vải, muốn xuất đi Mỹ thì chuyển vải từ tỉnh Bắc Giang lên sân bay Nội Bài, rồi về sân bay ở TP.HCM. Sau đó chở về nhà máy đóng gói, tiếp tục chuyển đến nhà máy chiếu xạ, rồi lại kéo ra cảng mới xuất đi. Quá nhiều công đoạn nên giá thành rất cao, chưa nói chất lượng không tươi mới như vừa hái ở vườn".

Bà Uyên đưa ra giải pháp tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng nông sản tập trung, chủ lực, như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối đường thủy, đường bộ, đường sắt để phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.

Các doanh nghiệp logistics nông sản cần xây dựng mô hình dịch vụ chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu, vận chuyển, xử lý kiểm dịch thực vật, chiếu xạ, chứng từ hải quan, đóng hàng…

Chỉ 20% nông sản Việt đủ tiêu chuẩn vươn tầm thế giớiChỉ 20% nông sản Việt đủ tiêu chuẩn vươn tầm thế giới

Số liệu được bà Hạ Thúy Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - chia sẻ tại chương trình 'Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch cho kênh bán sỉ' ngày 27-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên