22/02/2024 19:33 GMT+7

Choáng vì phí thuê mới, tiểu thương chợ Thủ Đức muốn đóng sạp

Kinh doanh tại chợ ế ẩm kéo dài nhưng giá thuê sạp bất ngờ tăng gấp 2-4 lần, thậm chí gấp 8 lần khiến hàng trăm tiểu thương chợ Thủ Đức (TP.HCM) không kịp trở tay, bức xúc.

Ngày 22-2, ế khách, bà Nguyễn Thị Khải Minh (bìa phải) chọn tám chuyện với các tiểu thương để giết thời gian - Ảnh: N.TRÍ

Ngày 22-2, ế khách, bà Nguyễn Thị Khải Minh (bìa phải) chọn tám chuyện với các tiểu thương để giết thời gian - Ảnh: N.TRÍ

Nhiều tiểu thương cho biết sẽ chọn nghỉ bán nếu TP Thủ Đức cho áp dụng tăng giá thuê sạp theo quyết định 14664/QĐ-UBND.

Giật mình với quy định giá thuê sạp mới

Sáng 22-2, đang phủi bụi, sắp xếp lại đống quần áo bị tồn vì ế ẩm kéo dài, bà Nguyễn Thị Khải Minh, tổ trưởng tổ quần áo may sẵn tại khu trung tâm thương mại thuộc chợ Thủ Đức, cho biết mấy hôm nay cả chợ cứ bàn tán, thậm chí bức xúc với thông tin giá thuê quầy sạp tăng mạnh.

Tiểu thương chợ Thủ Đức muốn đóng sạp vì giá thuê tăng gấp 2-4 lần

Cụ thể, theo bà Minh, với quy định mới vừa được UBND TP Thủ Đức ban hành, tiền thuê ki ốt của bà từ 43.000 đồng/m2 sẽ tăng lên 112.000 đồng/m2, thậm chí có quầy sạp tiếp giáp mặt tiền lối đi lớn lên mức 341.000 đồng/m2.

"Với 5 ki ốt hiện có, mỗi tháng tôi tốn 7,5 triệu đồng cho các chi phí cố định, trong đó tiền hoa chi (thuê diện tích bán hàng) hơn 840.000 đồng. Giờ nếu áp dụng quy định mới, tiền hoa chi tăng lên khoảng 2,5 lần, nghĩa là tốn hơn 2,1 triệu đồng/tháng", bà Minh nhẩm tính. Bà đánh giá mức tăng trên là bất hợp lý trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Ế ẩm kéo dài lại lo mức phí thuê sạp tăng mạnh, nhiều tiểu thương chợ Thủ Đức tính nghỉ bán. Trong ảnh: Chiều 22-2, tại khung trung tâm thương mại của chợ Thủ Đức, dù một dãy dài quần áo, giày dép nhưng không có được một người khách - Ảnh: N.TRÍ

Ế ẩm kéo dài lại lo mức phí thuê sạp tăng mạnh, nhiều tiểu thương chợ Thủ Đức tính nghỉ bán. Trong ảnh: Chiều 22-2, tại khung trung tâm thương mại của chợ Thủ Đức, dù một dãy dài quần áo, giày dép nhưng không có được một người khách - Ảnh: N.TRÍ

Tương tự, kinh doanh ngành hàng hóa mỹ phẩm tại chợ Thủ Đức, bà Lê Hồng Lộc cho biết với 5 ki ốt, mỗi tháng bà trả khoảng 8 triệu đồng cho các loại như tiền thuế, phí thuê quầy sạp, vệ sinh, điện, nước..., giờ nếu phải đóng phí thuê quầy sạp theo quy định mới thì sẽ thêm một khoản không nhỏ.

"Trong 24 năm kinh doanh tại đây, chợ có lần cho tăng phí thuế nhưng chưa có lúc nào mức tăng mạnh như hiện nay. Tăng gấp 3-4 lần là điều khó chấp nhận được", bà Lộc bức xúc.

Trong khi đó, tại chợ Thủ Đức A (khu chợ A), dù giá thuê quầy sạp thấp hơn nhưng mức tính lại nhiều nhất. Cụ thể, theo nhiều tiểu thương, giá thuê quầy sạp trung bình là hơn 30.000 đồng/m2, nhưng nếu áp dụng theo quy định mới, giá sẽ là 93.000 đồng, nghĩa là tăng hơn gấp 3 lần. Thậm chí sạp có vị trí đắc địa theo quy định mới là 134.000 đồng/m2.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 22-2, bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, xác nhận theo quyết định 14664/QĐ-UBND của UBND TP Thủ Đức "về việc ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ Thủ Đức", tùy vào vị trí, giá thuê ki ốt, sạp tại chợ (gồm khu trung tâm thương mại, khu chợ A, B) tăng phổ biến từ 2-4 lần, thậm chí có vị trí tăng gấp nhiều lần so với trước đó.

Dù nằm ở khu vực đắc địa với lối đi chính, nhiều quầy sạp tại chợ Thủ Đức hiện cũng khá ế ẩm - Ảnh: N.TRÍ

Dù nằm ở khu vực đắc địa với lối đi chính, nhiều quầy sạp tại chợ Thủ Đức hiện cũng khá ế ẩm - Ảnh: N.TRÍ

Theo tìm hiểu, nếu áp dụng quyết định này, giá thuê diện tích bán hàng thấp nhất tại chợ A từ 29.500 đồng/m2 trước đó sẽ lên 112.000 đồng/m2, chợ B từ 15.000 đồng lên 83.000 đồng/m2, và khu trung tâm thương mại từ 43.000 đồng lên đến 341.000 đồng/m2 (gấp gần 8 lần).

"Kiếm cơm còn khó, tiền đâu đóng thuế, phí"

Sáng 22-2, chỉ vào dãy sạp đóng cửa im lìm, bà Nguyễn Thị Khải Minh cho biết ngày càng nhiều tiểu thương chọn bỏ sạp, bởi nếu có hoạt động thì cũng chỉ "đuổi ruồi" vì quá ế ẩm. Theo bà Minh, doanh thu hầu hết các quầy sạp đều giảm phân nửa so với năm 2022, và chỉ bằng 20% so với thời điểm trước dịch COVID-19.

"Trước đó mỗi người một sạp, nhưng giờ nhiều người nghỉ nên nhượng lại, thậm chí cho bán không nên chúng tôi ráng thử ôm 5-6 sạp. Nhưng với tình hình hiện nay chắc phải trả lại sạp, chứ theo là đuối", bà Minh nói.

Trong khi đó, nhìn vào đống quần áo, hàng thời trang đang tồn, bà Nguyễn Thị Ngọc, tiểu thương chợ A, thở dài cho biết kỳ vọng mùa Tết ăn nên làm ra nhưng phải thất vọng. Giờ khó khăn chồng chất nên chưa trả hết nợ cho mối lái, thậm chí thiếu tiền thuế nhiều tháng nay.

Trải qua mùa Tết thất vọng với lượng khách èo uột, lượng hàng quần áo tồn đọng tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM hiện vẫn khá nhiều - Ảnh: N.TRÍ

Trải qua mùa Tết thất vọng với lượng khách èo uột, lượng hàng quần áo tồn đọng tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM hiện vẫn khá nhiều - Ảnh: N.TRÍ

"Nếu làm ăn ổn, chúng tôi sẵn sàng đóng thêm thuế, phí. Nhưng giờ kiếm cơm còn khó, lấy đâu ra đóng thêm. Nên giảm, nếu không thì giữ nguyên thuế phí, chứ tăng như quy định trên thì quá vô lý, và chắc tôi và nhiều người bán sẽ nghỉ", bà Ngọc quả quyết.

Theo đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, theo thiết kế, chợ có 936 ki ốt, quầy sạp, nhưng chính thức hoạt động hiện chỉ có 634, còn lại tạm ngưng hoặc bỏ hẳn. Trong đó có 232 ki ốt, quầy sạp bỏ hẳn nên chợ gặp khó trong việc truy thu các khoản phí liên quan.

"Là đơn vị quản lý, chúng tôi sẽ tuân theo các quy định của UBND TP, đồng thời giải thích, vận động tiểu thương. Tuy nhiên với tình hình khó khăn tại chợ hiện nay, thiết nghĩ cần tính toán để có mức phí hài hòa".

Ký duyệt 11-2023 nhưng hiện chưa áp dụng quyết định

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 22-2, lãnh đạo Phòng Kinh tế TP Thủ Đức cho biết hiện vẫn chưa áp dụng quyết định 14664/QĐ-UBND, và các phòng, ban liên quan đang xem xét, tham mưu thêm.

Theo tìm hiểu, quyết định này được lãnh đạo UBND TP Thủ Đức ký duyệt ngày 8-11-2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Như vậy, dù đã ban hành nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa áp dụng. Thời gian qua, TP đã nhiều lần tổ chức họp với tiểu thương để thông báo và trao đổi các nội dung liên quan về vấn đề trên.

Chợ Tết truyền thống đìu hiu, tiểu thương mỏi mòn đợi kháchChợ Tết truyền thống đìu hiu, tiểu thương mỏi mòn đợi khách

Trái ngược với cảnh mua sắm nhộn nhịp ở chợ Tết mọi năm, năm nay dù đã cận Tết, sức mua ở các chợ truyền thống èo uột, tiểu thương nóng lòng đợi khách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên