15/01/2015 08:03 GMT+7

​Chống nguy cơ khủng bố từ góc độ giáo dục

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Bài diễn văn dài 45 phút của Thủ tướng Pháp Manuel Valls lần đầu tiên được giới chính trị Pháp khen ngợi về tính mạnh mẽ, quyết liệt để giải quyết các vấn đề đang gây khủng hoảng niềm tin.

Trong lịch sử đương đại của Quốc hội Pháp, chúng ta chưa từng nghe thấy những ngôn từ mạnh mẽ đến thế, phù hợp với tình hình đến thế. Thủ tướng đã can đảm đứng ra thể hiện những giá trị Cộng hòa toàn cầu 
Nghị sĩ Yves Jégo (phó chủ tịch Đảng UDI, khen ngợi bài diễn văn của Thủ tướng Manuel Valls)

Bài diễn văn đọc trước Quốc hội và Chính phủ Pháp ngày 13-1 đã được cử tọa nhất loạt vỗ tay khen ngợi nhiều lần.

Vấn đề của nước Pháp, hay của bất cứ nước nào khác đang trải qua thách đố an ninh công cộng, chính là “mối đe dọa còn là từ bên trong”, mà để giải quyết dứt khoát các nhà nước phải “đáp ứng mạnh mẽ nhất, với sự cứng rắn không suy suyển đối với việc tôn trọng một nhà nước pháp quyền...” - ông Valls nói.

Sau rất nhiều vụ khủng bố lớn nhỏ, mà đắng cay nhất là vụ ngày 7-1, Nhà nước Pháp càng nhận ra nguy cơ của “việc một số thanh thiếu niên phạm pháp dễ dàng chuyển từ tội phạm hình sự qua các guồng máy cực đoan và khủng bố”.

Và Thủ tướng Valls đề ra biện pháp: “Phải kèm cặp, giúp đỡ, bước theo các thiếu niên đang bị nạn cực đoan này đe dọa (lây lan)... Hãy đi đến tận cùng của cuộc thảo luận là trận chiến giáo dục ở giới trẻ của chúng ta”.

Loại bỏ vấn đề tôn giáo ở Pháp, phần phổ quát trong thông điệp của ông Valls là: “Có một sự khác biệt cơ bản giữa sự tự do ngạo mạn... Có một khác biệt cơ bản giữa tự do và... sự phủ định tất cả; đó là tội ác, đó là tội phạm”.

Đến đây ông Valls đề cập một vấn đề chung của hầu hết các nước: “Tôi đã từng nhắc đến các thiếu thốn cùng những thất bại trong 30 năm thực hiện chính sách hội nhập. Quả thật, khi các khu ổ chuột mọc lên trong các thành thị thì nhà nước không còn hiện diện nữa”!

Ông Valls cũng nhắc đến một cái bẫy sập mà nước Pháp đã bị rơi vào, và nó đang rình rập bất cứ xã hội nào đang để mặc cho nở rộ các biểu hiện tôn giáo, tín ngưỡng, thậm chí mê tín dị đoan, “hướng ngoại” công khai ra xã hội.

Năm 1905, các lãnh đạo Pháp đã thức tỉnh mà ban hành đạo luật tách bạch đạo, đời, chấm dứt mọi biểu thị tôn giáo trong xã hội. Thế mà nay Thủ tướng Valls đã phải nhắc lại: “Tính thế tục, phải học từ trong nhà trường.

Ở đó, mọi trẻ em của Cộng hòa chúng ta, bất luận tín ngưỡng, nguồn gốc nào, tiếp cận sự giáo dục, kiến thức, nhận thức... Thế tục, chính là quả tim của nền cộng hòa và cũng là của nhà trường. Không thể có nền Cộng hòa mà không có nhà trường, và không thể có nhà trường mà không có nền Cộng hòa. Và như tôi đã từng nói, chúng ta đã phó mặc quá nhiều chuyện trong nhà trường”.

Hiện tượng sùng bái các ngẫu tượng, tượng con vật này con vật kia du nhập từ đâu đâu (nâng cấp thành “linh vật”), hiện tượng cúng bái đó đây mà công luận lên án là những dấu hiệu của sự phi thế tục hóa.

Thế tục không phải là vô thần, một xã hội thế tục không hề là một xã hội vô thần mà là “cất” các thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng vào trong nhà, trong các cơ sở tôn giáo. Đã có vô số di sản tôn giáo đặc quyền, đặc ân, đặc lợi như là bài học rồi. Đừng tự mình đào cái bẫy đó để tự rơi vào!

Charlie Hebdo in đến 5 triệu bản

 

Dòng người xếp hàng chờ mua tờ Charlie Hebdo ngày 14-1. Họ chờ từ sáng sớm dù cửa hiệu bán báo chưa mở cửa - Ảnh: Reuters

Giới bán báo khắp nước Pháp phải thốt lên mừng rỡ khi chưa bao giờ bán báo đắt đến thế. Từ 6g sáng, trước nhiều cửa hiệu báo đã có những dòng người kiên nhẫn xếp hàng chờ mua cho được số báo Charlie Hebdo của “những người sống sót”.

Hẳn nhiên trước sự kiện khủng bố ngày 7-1, chưa bao giờ người ta thể hiện sự lưu tâm như thế với tờ tuần báo biếm vốn mỗi tuần bán không hết 60.000 bản. Ngày hôm qua, cũng giống như ngày tuần hành khổng lồ 11-1, người Pháp muốn thể hiện sự phản ứng với nạn khủng bố cực đoan.

Ðiều đó cũng phản ánh đúng như những gì Hãng thăm dò Odoxa vừa công bố: 87% người Pháp nay “tự hào là người Pháp”. Và quyết thể hiện điều đó bằng cách đi mua báo ủng hộ Charlie Hebdo dù hàng ngàn người trước đó đã mở hầu bao góp tiền qua tài khoản cho hoạt động của tòa báo biếm. Số tiền thu về trong thời gian ngắn đã lên gần 1 triệu euro - con số lâu nay ban lãnh đạo tờ báo luôn mơ ước để duy trì hoạt động.

Trước nhu cầu của quá đông người đọc, bên phát hành cùng ban lãnh đạo Charlie Hebdo đã quyết định nâng số ấn bản lên 5 triệu. Báo được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ả Rập, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ để bán ra ở hàng chục nước có nhu cầu đặt hàng.

Phản ứng chung của công luận là thế nhưng cũng có một số nước Hồi giáo như Iran đã nhanh chóng lên án tờ báo tiếp tục “phỉ báng” bằng cách đăng ảnh đấng tiên tri Mohammed trên trang bìa.

Bà Marzieh Afkham, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, tuyên bố: “Chúng tôi lên án hành động khủng bố trên khắp thế giới (...) nhưng chúng tôi đồng thời cũng lên án hành động phỉ báng của tờ tuần báo. Hình biếm họa xúc phạm đến tình cảm của người Hồi giáo và có thể gây ra cái vòng luẩn quẩn khủng bố”.

Thông qua Ðài phát thanh Al Bayane, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng lên án việc đăng tranh biếm là “hành động cực kỳ ngu xuẩn”. Trong khi đó, thông qua một video đăng tải trên mạng, tổ chức Al Qaeda ở Yemen xác nhận mình chủ mưu vụ tấn công ở Paris.

 N.QUÂN

 

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên