Dân thiên

HỒ VIÊN 10/02/2012 03:02 GMT+7

TTCT - Quanh quẩn lòng vòng, bạn sẽ gặp một quán mì vịt tiềm ở khu Tân Định hay vài tiệm ăn khác trong khu Chợ Lớn treo biển hiệu “Dân Thiên”. “Dân” với nghĩa “người dân” và “Thiên” với nghĩa “trời”.

Mấy vị chủ quán treo biển hiệu Dân Thiên đã dùng điển mà không dùng mỹ danh hay nhân danh hoặc địa danh như số đông. Người quân tử theo kiểu mẫu Nho gia xưa thường tránh nói đến miếng ăn, sợ bị cho là khiếm nhã, nhưng mấy ông quán thì mạnh miệng nói thẳng: dân coi miếng ăn lớn bằng trời.

Minh họa: Lê Thiết Cương

Bộ sử thời Tây Hán là sách Hán Thư chép rằng văn thần Lịch Thực Kỳ trong cuộc đối đáp với Lưu Bang Hán Cao Tổ về kế sách an dân đã tâu: “Vua coi dân là trời, mà dân thì coi cái ăn là trời/ Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên”. Câu “Dân dĩ thực vi thiên” về sau trở thành thành ngữ, người phương Tây dịch là “People rank food heavenly high”, rồi nhiều năm sau nữa lại được rút gọn một cách khá bất ngờ là “dân thiên” bởi mấy ông quán máu me kinh sử.

Một nhân vật khác là Cốc Thủy nói thêm: “Vua lấy dân làm nền, dân lấy của làm gốc, của cạn thì dưới loạn, dưới loạn thì trên toi”, mấy tay con trời nghe đến đây mặt không xanh tái thì chắc bụng cũng phải co giật.

Lịch Thực Kỳ nói về miếng ăn của dân, còn Cốc Thủy - hình như trong hoàn cảnh dân sinh đã khấm khá - thì bàn về của cải của dân. Hai điều này xem ra cái nào cũng thuộc loại tối quan trọng. Họ nhắc người cai trị muốn yên dân thì phải đảm bảo được hai điều này. Về sau, trong thời Hậu Hán, Lưu Đào lại cân nhắc thứ tự và nói: “Dân có thể một trăm năm không có của cải hàng hóa, nhưng không thể một buổi chịu đói”.

Mấy tỉnh phía nam Trung Quốc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2009 đã lấy câu thành ngữ “Dân dĩ thực vi thiên” làm đầu đề cho môn văn. Đáp án của đề thi này đã buộc thí sinh hiểu và phân tích vấn đề theo hướng an ninh lương thực và chính sách vận động người dân tiết kiệm.

Câu thành ngữ được hiểu đại khái rằng “Lương thực đối với con người là quan trọng hàng đầu, người dân phải thực hành tiết kiệm thông qua việc điều độ lương thực để duy trì cuộc sống no đủ”. Cách lèo lái vấn đề theo đường lối này đã làm mất đi ý nghĩa ban đầu mà mấy tay văn thần mưu sĩ thời Hán đã nói rất rõ: “Miếng ăn và của cải riêng tư là đầu mối của trị và loạn”.

Thành bang La Mã giai đoạn mới thành lập còn để lại một trang sử không mấy vẻ vang. Sử chép rằng khi người Sabins đến đánh thành La Mã, nguy cơ mất thành hiển hiện mà thứ dân lại kéo nhau bỏ đi hết, không cùng giới quý tộc chống giặc. Đó là lớp thứ dân ngày thường vốn bị tranh ăn, bị đoạt của, bị luật lệ gài bẫy đến cùng túng cạn kiệt.

Đã mấy lần trước đây khi giặc ngoài kéo đến, bọn quý tộc đã cong lưỡi vận động, hứa hẹn xóa nợ, trừ thuế, trợ cấp để người dân ra sức chống giặc; khi giặc yên lại đưa đẩy nuốt lời. Đến lần không chịu nổi nữa, hạng thứ dân nói với nhau “phen này để cho đám quý tộc ra mà chống giặc, chúng ta đánh hay không đánh đều túng đói, dẫu liều thân đánh thắng thì cũng bị bọn quý tộc hưởng cả”, rồi lũ lượt bỏ thành vào rừng, bàn nhau tìm đất khác để ở.

Lâm vào tình thế này thì có thể hình dung được sự hoảng loạn của giới quý tộc và những người cai trị. Tình hình được cứu vãn khi hội đồng thành bang cử một ủy viên là ông Ménénius Agrippa giỏi nghề ăn nói đến gặp đám thứ dân để điều đình, lần này ngoài những yêu cầu về miếng ăn và chia chác của cải, văn bản giao ước còn thêm điều kiện là lớp thứ dân phải được vĩnh viễn hằng năm đề cử vào ủy viên hội đồng thành bang năm đại biểu, nhằm giám sát và lo cho quyền lợi của họ.

Cho nên, dù là sử Tàu hay sử Tây chép lại, dường như cũng đã gặp được nhau trong cảnh giới phàm tục, cùng gửi cho hậu thế một thông điệp không bao giờ cũ. Rằng điều tối kỵ của nhà cai trị là tranh mối lợi với thứ dân và để được vào lạc cảnh quốc thái dân an, việc đầu tiên của nhà cai trị là đem đến cuộc sống no đủ cho số đông dân chúng. Lẽ ấy giản đơn mà trọng đại, muôn đời nay vẫn không bao giờ sai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận