30/11/2023 11:38 GMT+7

Đề xuất nâng cao chế tài xử lý tín dụng đen

Tín dụng đen để lại nhiều hậu quả cho người vay và xã hội nhưng khung pháp lý xử lý các hành vi này chưa đủ sức răn đe. Hậu quả là người vay rủi ro trong khi công ty cho vay tiêu dùng hợp pháp cũng gặp khó trong kinh doanh.

Vấn đề này được các diễn giả và khách mời đưa ra tại phiên tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại khách sạn REX sáng 30-11.

Doanh nghiệp cho vay gặp khó đủ đường

Ông Marcin Figlus - giám đốc khối quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - thừa nhận đơn vị này đang gặp phải những khó khăn trong hoạt động cho vay tín dụng như: người vay không thể chi trả, đối tượng cho vay không đúng luật pháp, đối tượng bùng nợ vay…

Ông Marcin Figlus - giám đốc khối quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC

Ông Marcin Figlus - giám đốc khối quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC

“Tôi tin rằng các tổ chức tài chính khác cũng đồng ý với tôi về việc không muốn đưa lãi suất cho vay lên quá cao, bởi các doanh nghiệp đều cần khách hàng, giữ chân khách hàng và ngày càng thêm nhiều khách hàng càng tốt”, ông Marcin Figlus nói.

Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay đang đẩy những tổ chức tài chính tiêu dùng đối diện với nhiều thách thức. Chẳng hạn, các công ty không có cơ chế để thu hồi nợ với những người không trả tiền vay, trong khi chi phí đòi nợ ngày càng tăng cao. Điều đó dẫn đến không thể giảm lãi suất, đồng thời siết các tiêu chí cho vay tiêu dùng. Những điều này lại dẫn đến việc kinh doanh không hiệu quả.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý - ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý - ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý - ĐH Fulbright Việt Nam, nhận xét hiện tượng bùng nợ khiến người dùng bị mất niềm tin vào các tổ chức tài chính. Nó vừa khiến lượng người bùng nợ có thể ngày càng tăng, đồng thời làm suy giảm uy tín của các tổ chức tài chính cũng như hoạt động tín dụng.

Nhân viên thu hồi nợ chính thống bị người vay tấn công

Liên quan đến vấn đề thu hồi nợ, ông Marcin Figlus - giám đốc khối quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - không khỏi bức xúc về tình trạng nhân viên thu hồi nợ của doanh nghiệp thường bị hiểu lầm đến từ những công ty bất chính.

Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Trong khi các tổ chức tín dụng đen sử dụng chiêu thức bất hợp pháp để tấn công người vay, thì nhân viên của công ty chính thống lại bị tấn công từ chính người vay, bị đưa thông tin lên Facebook và các phương tiện truyền thông khác. Đáng tiếc khi các nhân viên thu hồi nợ chính thống không được cư xử đúng pháp luật, từ chính người vay nợ, trong bối cảnh hoạt động bùng nợ bị dấy lên”, ông Marcin Figlus.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, doanh nghiệp này ghi nhận 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị tấn công bởi người vay. Tuy nhiên, từ tháng 1-2022 đến nay, doanh nghiệp có tới 24 nhân viên bị tấn công.

“Mâu thuẫn về trách nhiệm và quyền lợi giữa bên vay và bên cho vay. Cần xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa hai bên để hỗ trợ lẫn nhau”, phía SMBC chia sẻ.

Chế tài với tội cho vay lãi nặng còn quá nhẹ

Chia sẻ thực tế về các vụ việc liên quan đến xử lý tín dụng đen, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng việc vay vốn tín dụng đen rất dễ dàng, chỉ cần có quyền truy cập vào danh bạ của người vay là được giải ngân.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Sáng nay trên đường đến dự hội thảo này, tôi còn nhìn thấy trên nhiều bảng hiệu, cột điện có dán quảng cáo cho vay không cần giấy tờ, thậm chí tặng 10% cho người môi giới”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết.

Do đó, giải pháp căn cơ xóa sổ tín dụng đen là điều kiện vay thuận lợi để người dân tiếp cận được tín dụng tiêu dùng chính thức, bên cạnh việc tuyên truyền các chiêu trò, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm tín dụng đen.

Thượng tá Lê Duy Sâm - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cũng cho rằng việc cho vay lãi nặng tạo ra nhiều hệ lụy khác, như các tổ chức cho vay đi đòi nợ không đúng pháp luật, thậm chí có thể gây thương tích cho người vay… Do đó, việc tuyên truyền cho người dân về những hệ lụy của tín dụng đen là rất quan trọng, giúp người dân nâng cao nhận thức trong hoạt động đi vay.

Thượng tá Lê Duy Sâm - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cho rằng cần nâng cao chế tài với các hoạt động tín dụng đen - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thượng tá Lê Duy Sâm - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cho rằng cần nâng cao chế tài với các hoạt động tín dụng đen - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quan trọng không kém là việc tuyên truyền cho các doanh nghiệp về hành vi đi đòi nợ không đúng pháp luật, chẳng hạn như cắt, ghép hình ảnh người vay và bôi xấu lên mạng xã hội… “Sắp tới Công an TP sẽ tăng cường xử lý mạnh tín dụng đen để tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động này trên địa bàn TP”, ông Sâm cho biết.

Để xử lý triệt để tín dụng đen, thời gian qua Công an TP.HCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền thông qua báo chí, chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự, công an các quận, huyện để xử lý.

“Người dân phải nghiên cứu kỹ quy định và không nên đồng ý cung cấp các thông tin cá nhân để vay vốn tại các tổ chức cho vay này vì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề sau này. Chưa kể có khi vô tình tiếp tay cho tín dụng đen”, thượng tá Lê Duy Sâm khuyến cáo.

Thượng tá Lê Duy Sâm cũng cho rằng hiện nay quy chế chế tài với tội cho vay lãi nặng còn quá nhẹ, nhất là chỉ quy định hai khung: thu lợi bất chính từ 30 - 100 triệu và khung trên 100 triệu đồng.

Như vậy người thu nợ bất chính 100 triệu đồng nếu xử kịch khung thì cũng chỉ bị tối đa 3 năm tù, trong khi người thu nợ bất chính hàng chục tỉ hay trăm tỉ thì cũng chỉ bị tối đa 3 năm tù. “Do vậy cần nâng cao mức xử phạt để đủ sức răn đe với loại tội phạm này”, ông Sâm đề xuất.

Theo thượng tá Lê Duy Sâm, trong thời gian vừa qua, Công an TP.HCM đã tập trung xử lý rất nhiều vụ cho vay lãi nặng hay còn gọi là tín dụng đen. Trong số 500 vụ án đã bị triệt phá trên cả nước thì TP.HCM xử lý 219 vụ, khởi tố 105 vụ án, hơn 200 bị can.

Hiện nay các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng rất nhiều phương thức thủ đoạn như núp bóng công ty tài chính hay dưới các hợp đồng giả cách. Trong hợp đồng sẽ không đề cập đến lãi suất để tránh bị xử lý hình sự.

Chưa kể trong các vụ việc này nạn nhân thường ít chịu hợp tác với công an vì nhiều lý do, trong đó có việc một số người vay vì mục đích chính đáng, nhưng một số lại vay để phục vụ cho các hoạt động phi pháp như đánh bạc…

Bàn giải pháp xóa sổ tín dụng đenBàn giải pháp xóa sổ tín dụng đen

Sáng nay báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp); Ngân hàng Nhà nước; luật sư, chuyên gia kinh tế...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên