15/03/2019 09:36 GMT+7

Dịch tả heo châu Phi lan nhanh, các tỉnh phía Nam chủ động ứng phó

ĐỨC TRONG - A LỘC - BÙI LIÊM
ĐỨC TRONG - A LỘC - BÙI LIÊM

TTO - Trước nguy cơ dịch tả heo châu Phi lan rộng đến cả 3 vùng trọng điểm, các tỉnh phía Nam - khu vực nhiều sông nước, giao thương tấp nập, "xảy ra dịch là mất tất" - đã triển khai nhiều biện pháp để chặn dịch.

Dịch tả heo châu Phi lan nhanh, các tỉnh phía Nam chủ động ứng phó - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1 (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo - Ảnh: A LỘC

Bình Thuận: chốt chặn các cửa ngõ ra vào toàn tỉnh

Tại Bình Thuận, hiện tất cả các cửa ngõ ra vào địa phương từ quốc lộ đến tỉnh lộ đều được lập chốt kiểm dịch, kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động vận chuyển gia súc gia cầm. 

Cụ thể, tuyến quốc lộ 1 có hai chốt kiểm dịch tạm thời, hoạt động được một tuần qua ở hai đầu cửa ngõ thuộc huyện Tuy Phong và Hàm Tân. Tại các chốt này, đội liên ngành gồm CSGT, thanh tra giao thông, thú y, cán bộ địa phương... túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát.

Không chỉ trên tuyến quốc lộ 1, những tuyến tỉnh lộ kết nối giữa các địa phương lân cận với Bình Thuận và từ trung tâm tỉnh đến huyện vùng ven của tỉnh đều thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời.

Tỉnh Bình Thuận cũng lập đường dây nóng (0252.3819192) để tiếp nhận thông tin tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

Đồng Nai: xe chở heo từ miền Bắc qua địa bàn giảm mạnh

Ngày 14-3, ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai - cho hay sau 2 tuần thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời, lượng xe vận chuyển heo từ các tỉnh phía Bắc vào Nam đã giảm mạnh.

Cụ thể, tại chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1 đoạn thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (giáp với tỉnh Bình Thuận), mỗi ngày chỉ có khoảng 25-30 xe vận chuyển heo qua trạm, giảm khoảng 20% so với trước khi phát hiện dịch tả heo châu Phi. 

Trong đó, đa số là heo xuất phát từ các tỉnh miền Trung, còn xe từ các tỉnh thành phía Bắc giảm đến 80% so với trước đó.

Bình Phước: chặn từ cửa khẩu

Bình Phước là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp Campuchia với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở và là cửa ngõ giao thương tiếp nối giữa các tỉnh Đông Nam Bộ với Tây Nguyên nằm trên 2 tuyến quốc lộ 13, 14. Do đó, nguy cơ dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo là rất cao.

Tuy Bình Phước chưa phát hiện dịch nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, Sở NN&PTNT đã xây dựng kịch bản ứng phó nhanh. Trong đó, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc qua biên giới. 

Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp địa phương và xây dựng 3 trạm kiểm dịch tại các huyện Đồng Phú, Chơn Thành và Bù Đăng.

"Thủ phủ heo" lo tìm cách bảo vệ đàn heo lớn nhất nước

Chiều 14-3, tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp với Chi cục Thú y vùng VI và các địa phương nhằm tìm các biện pháp bảo vệ đàn heo lớn nhất nước với 2,5 triệu con của tỉnh này.

Ông Huỳnh Thành Vinh - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết Đồng Nai là cửa ngõ đi vào các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, và là điểm trung chuyển heo đi nhiều nơi. Nếu không kiểm soát đồng bộ, chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến đàn heo lớn nhất cả nước, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Đại diện Chi cục Thú y vùng VI nhắc đi nhắc lại: "Đến nay, kiểm tra 633 mẫu ở các tỉnh phía Nam mà chi cục phụ trách thì kết quả đều âm tính". Tuy nhiên, Chi cục Thú y vùng VI cũng lưu ý bài học rút ra từ các tỉnh phía Bắc là việc nắm bắt tình hình dịch bệnh ở địa bàn cơ sở chưa kịp thời; khi tiêu hủy bệnh không khử độc, tiêu trùng kỹ lưỡng.

"Đồng Nai là thủ phủ heo với 2,5 triệu con nên phải có hành động ứng phó khẩn cấp" - đại diện Chi cục Thú y vùng VI nói.

Ông Nguyễn Phú Cường - bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - yêu cầu UBND tỉnh thành lập ngay ban chỉ đạo phòng chống dịch, đồng thời lập thêm chốt kiểm soát trên quốc lộ 20, quốc lộ 1, quốc lộ 56 và quốc lộ 51.

Ông Cường nói: "Vì lợi ích chung nên phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ. Làm đồng bộ trong việc kiểm soát từ vận chuyển chăn nuôi, trung chuyển, giết mổ và các chợ. Phát hiện lò mổ nào không phép dứt khoát phải dẹp. Kiểm soát hết sức gắt gao, nếu chống đối thì phải xử lý theo đúng quy định pháp luật".

Theo ông Cường, nếu dịch xảy ra sẽ thiệt hại cho tỉnh rất lớn và không chỉ cho tỉnh Đồng Nai, nên khẩn trương tính toán trang thiết bị, thuốc... để phòng dịch.

Đồng thời kiến nghị trung ương yêu cầu các tỉnh đồng loạt lập thêm chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển heo từ các tỉnh phía Bắc, chứ không thể để heo bệnh qua các tỉnh rồi đến Đồng Nai mới phát hiện.

HÀ MI

Dịch tả heo châu Phi: Đe dọa ba vùng trọng điểm Dịch tả heo châu Phi: Đe dọa ba vùng trọng điểm

TTO - Đến ngày 14-3, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, TP với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 23.442 con và có nguy cơ lan rộng đến cả 3 vùng trọng điểm.

ĐỨC TRONG - A LỘC - BÙI LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên