15/01/2024 08:02 GMT+7

Người chăn nuôi khổ vì dịch tả heo châu Phi

Bệnh dịch tả heo châu Phi đang xuất hiện tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ những tháng cuối năm 2023. Trong khi đó giá thức ăn lại tăng làm người nuôi heo thua lỗ nặng.

Người chăn nuôi heo ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long điêu đứng vì bệnh dịch tả heo châu Phi - Ảnh: CHÍ HẠNH

Người chăn nuôi heo ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long điêu đứng vì bệnh dịch tả heo châu Phi - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ngậm ngùi nhìn đàn heo được đem tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, bà Nguyễn Thị Sang (ngụ xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) kể gia đình bà nuôi heo gần 20 năm nhưng chưa bao giờ gánh chịu thiệt hại nặng như hiện nay.

Đàn heo của tôi trị giá trên 170 triệu đồng nhưng đã bị tiêu hủy. Chính quyền nói sẽ hỗ trợ bà con nhưng cả tháng nay vẫn chưa thấy hỗ trợ. Giá heo hơi ngày càng giảm nhưng giá thức ăn lại tăng vèo vèo nên bà con nuôi heo thua lỗ nặng lắm, khó khăn chồng chất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Sang (xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang)

Dịch bệnh ám ảnh người nuôi heo

Gần cuối năm 2023, gia đình bà Sang phải tiêu hủy cả đàn heo hơn chục con loại 80-100kg/con do bị dịch tả heo châu Phi. Hiện nay giá heo hơi chỉ 4,9 - 5 triệu đồng/con (loại 100kg/con). Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá heo giảm hơn 400.000 đồng/con.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Xuyên - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang - cho biết trong năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 12 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại năm huyện, buộc tiêu hủy 168 con để chống dịch. Theo ông Xuyên, hiện nay các ổ dịch ở tỉnh đã qua 21 ngày nên không ảnh hưởng đến nguồn cung.

"Dịch bệnh heo diễn ra nhỏ lẻ nhưng trải đều từ đầu năm đến cuối năm 2023. Tuy nhiên chi phí nuôi heo và giá bán thịt heo gần bằng nhau ở mức 4,8 - 5 triệu đồng/con 100kg nên người nuôi heo nhỏ lẻ không có lợi nhuận hoặc thua lỗ. Tuy nhiên đối với nuôi heo theo quy mô trang trại sẽ có lợi nhuận hơn vì các đơn vị này nuôi với chi phí rất thấp", ông Xuyên nói.

Tương tự, đàn heo của nhà bà Nguyễn Thị Nga (ngụ xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng dính dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo đến thời điểm bị nhiễm bệnh, đã chết và tiêu hủy là 63 con. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Tính đến hiện tại Vĩnh Long đã có bảy ổ dịch.

Theo bà Nga, ban đầu thấy đàn heo có dấu hiệu bỏ ăn nên bà chích thuốc điều trị ba ngày nhưng không hết bệnh. Sau khi báo thú y địa phương đến lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đàn heo bị bệnh dịch nên bà chấp nhận tiêu hủy.

Ông Lâm Minh Hoàng - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết năm 2023, toàn tỉnh xảy ra tám ổ dịch tả heo châu Phi tại ba huyện, thị xã, TP với số heo chết và tiêu hủy 317 con, giảm 14 ổ dịch so với cùng kỳ năm rồi. Dịch bệnh chỉ xảy ra diện hẹp, được kịp thời phát hiện, khoanh vùng xử lý, không lây lan diện rộng, chặt chẽ giám sát.

Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi heo cả nước với tổng đàn gần 2,3 triệu con, dịch tả heo châu Phi vẫn xuất hiện với quy mô nhỏ lẻ ở một số địa phương. Trong đó tập trung ở quy mô chăn nuôi nông hộ và trang trại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết so với trước đây số lượng chăn nuôi nông hộ có dịch tả heo châu Phi chiếm số lượng lớn, song năm nay ghi nhận quy mô trang trại cũng xuất hiện dịch bệnh này. Dù vậy ngay khi phát hiện dịch, trang trại chăn nuôi nhanh chóng khoanh vùng xử lý nên dịch không lây lan rộng.

Dù đã sản xuất được vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù đã sản xuất được vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm vắc xin

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2023 cả nước đã xảy ra 714 ổ dịch tả heo châu Phi tại 45 tỉnh, TP, buộc tiêu hủy khoảng 34.500 con. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch và số heo bị tiêu hủy giảm một nửa.

Theo Cục Thú y, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh lây lan, dây dưa, kéo dài trong thời gian vừa qua là do việc chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, không đảm bảo về khoảng cách, điều kiện an toàn sinh học, chủ vật nuôi không chủ động khai báo hoạt động chăn nuôi đến chính quyền địa phương.

Một số địa phương chưa tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng như không đặt biển báo, đặt trạm/chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, phun thuốc, sát trùng, vận chuyển, xử lý tiêu hủy heo bệnh, thực hiện công bố dịch rất muộn...

Cục Thú y cảnh báo nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới rất cao.

"Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7-2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế do một số địa phương, người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại, lo lắng về hiệu quả của vắc xin nên chưa tiêm phòng cho đàn heo" - Cục Thú y nhấn mạnh.

Đảm bảo nguồn cung thịt heo Tết

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết giá heo trung bình trong tháng 12-2023 là 49.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2022. Trong khi giá thành sản xuất 1kg heo hơi dao động từ 45.000 - 52.000 đồng/kg, với mức giá này mỗi kg thịt heo hơi xuất chuồng, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, hiện tượng giá heo hơi giảm ngang hoặc dưới giá thành sản xuất trong thời gian gần đây là do sức mua thực phẩm của người dân nhìn chung giảm nhẹ so với trước đây. Nguồn cung heo thịt trong nước tăng vào các tháng 9, 10, 11-2023 do tình hình chăn nuôi heo của các doanh nghiệp và trang trại vẫn duy trì ở mức khá cao.

Tâm lý của người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi. Lượng thịt heo nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023. Một điểm nữa đó là chưa có cơ chế đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt heo, mặc dù giá heo hơi tại cổng trại giảm nhưng giá thịt tại các siêu thị, các cơ sở/điểm bán lẻ gần như không giảm.

"Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Với tỉ lệ đàn heo hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo của thị trường từ nay đến Tết Giáp Thìn" - ông Tuyển nhận định.

Dịch tả heo châu Phi lan rộng 8/11 huyện, thị của Tiền GiangDịch tả heo châu Phi lan rộng 8/11 huyện, thị của Tiền Giang

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Tiền Giang có 53 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 2.127 con ở 12 xã của 8/11 huyện, thị và thành phố bị nhiễm dịch tả heo châu Phi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên