16/11/2022 14:15 GMT+7

Đồng hành cùng thầy cô để hạn chế nghỉ việc, được không?

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Đó là nguyện vọng của người thầy, cũng là nỗi lòng của rất nhiều thầy cô giáo trên khắp cả nước gửi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng hành cùng thầy cô để hạn chế nghỉ việc, được không? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Ảnh: HÀ THANH

Ngày 16-11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Anh Nguyễn Minh Triết - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam - dự chương trình.

Dịp này, các thầy cô giáo tiêu biểu trên khắp cả nước được thẳng thắn trao đổi, gửi tâm tư, nguyện vọng đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều năm gắn bó với con em dân tộc Khmer, một thầy giáo đến từ tỉnh Trà Vinh chia sẻ về những khó khăn trong công tác dạy và học ở vùng sâu vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trong đó, sau dịp lễ Tết dân tộc, có tình trạng con em bỏ học lên thành phố đi làm cùng các anh chị.

Trước khó khăn đó, thầy gửi đến ba nguyện vọng chính đáng. Trước hết, cải thiện phòng học, bàn ghế trường học. Đồng thời, có thêm nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ chi phí học tập cho con em dân tộc thiểu số để tập trung học hành.

Đồng hành cùng thầy cô để hạn chế nghỉ việc, được không? - Ảnh 2.

Trao bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các thầy cô giáo tiêu biểu - Ảnh: HÀ THANH

Nguyện vọng thứ ba, người thầy bộc bạch mức lương giáo viên trẻ hiện tại chỉ đáp ứng được cuộc sống của bản thân, rất khó khăn để nuôi sống được gia đình. Thầy mong mỏi cần có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho các giáo viên đang công tác tại vùng sâu vùng xa hơn nữa.

"Tôi cũng không mong mỏi được tăng lương đâu, nhưng chỉ mong có chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng thầy cô để an tâm giảng dạy, hạn chế thầy cô xin nghỉ việc vì không đảm bảo điều kiện kinh tế" - thầy giáo nêu quan điểm.

Một số ý kiến của thầy cô giáo gửi đến về việc quan tâm hơn nữa đến vấn đề bình đẳng giới, có chính sách riêng đối với học sinh nữ, số hóa trong giảng dạy…

Lắng nghe ý kiến của thầy cô, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết rất thấu hiểu và chia sẻ với các thầy cô giáo, đặc biệt với các thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thứ trưởng cho biết ngành giáo dục tác động đến từng gia đình, đến mọi thành phần trong xã hội, vì vậy kỳ vọng của xã hội, của người dân, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng lớn. Trong khi ngành giáo dục phải gánh vác trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới, đổi mới chương trình, đặc biệt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhưng đang thiếu rất nhiều về đội ngũ, cơ sở vật chất, chế độ, phương pháp giảng dạy, công nghệ, kỹ năng áp dụng…

"Đổi mới thì rất khó khăn, đổi mới ngành giáo dục càng khó khăn hơn nữa, đổi mới ngành giáo dục trong lúc các nguồn lực hạn hẹp như vậy càng đặc biệt khó khăn" - ông nói.

Thứ trưởng cho biết, không phải đến bây giờ Đảng, Nhà nước hay Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra giải pháp, mà chế độ chính sách đã có nhiều tuy nhiên đâu đó vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn chưa đáp ứng được hết.

Ngành giáo dục luôn phấn đấu đề ra, đề xuất những cơ chế, chính sách về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của các trường ở địa phương. Cùng với đó là chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo.

"Vừa rồi chúng ta đã đọc báo biết tin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã rất nhiều lần có ý kiến về việc này và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ. Chắc chắn đợt tới, đặc biệt với giáo viên mầm non, tiểu học sẽ có những thay đổi, theo hướng tăng mức lương cơ bản chung của toàn quốc, đây là nỗ lực lớn của ngành" - ông nói.

Bên cạnh đó, thứ trưởng cho biết liên quan đến chế độ khen thưởng sẽ linh hoạt theo từng địa phương, quan tâm đặc biệt đến tiêu chí thi đua phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản; quan tâm đến chuyển đổi số là trọng tâm của ngành giáo dục.

Đổi mới chính mình, nâng cao chất lượng dạy học

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá cao sáng kiến chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức đã chia sẻ với những khó khăn, vất vả, khuyến khích, động viên, tôn vinh các thầy cô giáo.

Trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc dạy và học, yêu cầu hội nhập quốc tế trong ngành giáo dục ngày càng cao, thứ trưởng mong muốn mỗi thầy cô giáo không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, tinh thần tận tụy với nghề, mà còn phải là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới chính mình để nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục.

Phản hồi 14-11: Giáo viên nghỉ việc vì giá trị người thầy bị xem thường? Phản hồi 14-11: Giáo viên nghỉ việc vì giá trị người thầy bị xem thường?

TTO - Nhiều giáo viên nghỉ việc vì giá trị người thầy bị xem thường? Giá đất Việt Nam ngang với Mỹ là điều vô lý; Xe nhỏ rước khách khắp phố: Không thể để tình trạng núp bóng "xe hợp đồng" kéo dài... là những phản hồi đáng chú ý trong ngày 14-11.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên