11/11/2023 13:41 GMT+7

Giải pháp nào để xoay chuyển tình hình Biển Đông?

Biển Đông luôn "dậy sóng", không chỉ bởi những tranh chấp chủ quyền giữa các bên, mà còn bởi sự tận diệt của con người, cùng với tác động của biến đổi khí hậu đang làm suy thoái nghiêm trọng môi trường biển nơi đây.

Giải pháp nào để xoay chuyển tình hình Biển Đông? - Ảnh 1.

"Xoay chuyển tình hình Biển Đông - Vì một tương lai bền vững" của James Borton, một nhà báo, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Đông Nam Á, đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng xuống cấp môi trường sinh thái, một sự hủy diệt Biển Đông có thể xảy ra và những hệ quả kéo theo mà chúng ta không thể không lưu tâm.

Nó chỉ thẳng hành vi, trách nhiệm của Trung Quốc với vùng biển này. Nó cũng chứa đựng nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, những tình cảm sâu nặng của tác giả với môi trường biển, với cuộc sống con người.

Đặc biệt là những tình cảm, sự am hiểu của tác giả đối với con người, đất nước Việt Nam.

Vết xước trong lòng những người nổi trôi cùng biển

Những câu chuyện buồn bắt đầu với lời kể của Đặng Văn Nhân, một thuyền trưởng tàu cá thế hệ thứ ba tại Đà Nẵng, "người đã quăng những tấm lưới dài của mình trên Biển Đông dậy sóng gió suốt hai thập niên qua".

Tác giả dẫn lời kể của Đặng Văn Nhân về sự kiện ngày 26-5-2014, chiếc tàu gỗ 15m đã bạt đi vì sương gió của ông bị một tàu hải quân Trung Quốc đánh chìm.

Trường hợp ông Nhân chỉ là một trong nhiều câu chuyện thực địa của tác giả về những ngư dân gắn cuộc đời, sinh mệnh của mình và của cả gia đình mình với biển. Những câu chuyện không chỉ là "vết xước" trên thân tàu mà còn là "vết xước" trong lòng những người nổi trôi cùng biển cả tìm sự sống.

James Borton đã khái quát vai trò, vị trí vô cùng quan trọng về kinh tế, quân sự và môi trường của vùng Biển Đông có diện tích hơn 3,6 triệu km vuông để người đọc hình dung rõ hơn "sức nóng" ở đây.

Đây là nơi diễn ra các hoạt động thương mại quốc tế có tổng giá trị hơn 5.300 tỉ đô la mỗi năm. Khu vực này giàu đa dạng sinh học hơn bất kỳ hệ sinh thái biển nào khác trên hành tinh. Nguồn thủy sản ở đây đang cung cấp thực phẩm cũng như mang lại việc làm cho hàng triệu người ở mười quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh…

Đáng buồn là, ngoài những tranh chấp, xung đột về chủ quyền, môi trường sinh thái biển ở Biển Đông đang bị xuống cấp nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người.

Tác giả dẫn chứng Trung Quốc hiện là một trong những cường quốc biển lớn nhất thế giới, có đội tàu đánh cá lớn nhất, thải ra lượng khí nhà kính nhiều nhất.

Ngoài ra, Trung Quốc còn thải ra 1/3 lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm các đại dương, sở hữu ngành nuôi trồng thủy sản quy mô lớn nhất, đánh bắt và tiêu thụ nhiều hải sản hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Chưa kể, trong cuộc tranh giành tài nguyên ở Biển Đông, Trung Quốc còn sử dụng các con tàu có kích thước lớn hơn rất nhiều so với các nước xung quanh, và trang bị nhiều thiết bị điện tử để tìm kiếm nguồn cá.

James Borton dẫn một thông tin từ New York Times cho rằng "Chính phủ Trung Quốc nói đội tàu đánh bắt xa bờ của họ khoảng 2.600 chiếc, nhưng các nguồn khác - trong đó có một nghiên cứu của Viện Phát triển hải ngoại của Anh - cho biết con số này là 17.000".

Có thể nói, "Xoay chuyển tình hình Biển Đông vì một tương lai bền vững" là một quyển sách chứa nhiều thực tiễn sinh động, kiến thức bổ ích, nóng hổi tính thời sự, với một cái nhìn thấu suốt, một quan điểm khoa học - phát triển bền vững, và một tấm lòng nhân văn đối với con người và môi trường sống của một nhà báo dạn dày kinh nghiệm.

Hợp tác và ngoại giao khoa học

Làm sao để các nước, trong quá trình giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, có thể ngồi cùng nhau bàn chuyện giải cứu Biển Đông trên tinh thần hợp tác hòa bình vì những lợi ích chung?

Theo James Borton, tại vùng biển nhiều cơ hội nhưng cũng đầy sự bất định và lắm mối đe dọa này, suy thoái môi trường vẫn là trung tâm của các cuộc đối thoại khoa học.

Chắc chắn những thách thức sinh thái này cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ có yêu sách cần có trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong việc đảm bảo không có hoạt động nào của họ gây tổn thương, hoặc tạo thêm thiệt hại lâu dài đối với một trong những hệ sinh thái biển đa dạng sinh học nhất hành tinh này.

Và điều cần thiết là các bên phải ngồi lại cùng nhau, trước hết ở lĩnh vực ngoại giao khoa học.

Tác giả cũng đề cập đến những hạn chế và con đường phía trước còn gian nan của giải pháp này. Tuy nhiên, với quan điểm "Biển Đông là một phần trong tài sản chung toàn cầu, và tất cả chúng ta phải bảo tồn cũng như bảo vệ và duy trì Biển Đông", James Borton cho rằng "ngoại giao khoa học - được nhiều hơn mất" và ngoại giao khoa học là một "sứ mệnh khả thi".

Với những lợi ích mà ngoại giao khoa học có thể mang lại, đường lối ngoại giao này cần được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc nghiêm túc trong lúc tìm kiếm một sáng kiến để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

James Borton

James Borton

James Borton là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế nâng cao Paul H. Nitze (SAIS) của Đại học Johns Hopkins, nơi ông nghiên cứu về an ninh môi trường ở Biển Đông và "khoa học công dân" (citizen science) ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông từng dạy các khóa học viết tại Đại học Duyên hải Carolina, cũng như từng là giảng viên tại Đại học Nam Carolina.

Bên cạnh đó, James Borton còn là nhà báo với hơn hai thập niên kinh nghiệm đưa tin từ nước ngoài và làm cộng tác viên của Geopolitical Monitor, World Politics Review, South China Morning PostNikkei Asia.

Ông đã lăn lộn khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Đồng thời, James cũng nhiều lần tường thuật và đóng góp các bài viết quan điểm về châu Á - Thái Bình Dương cho The Washington Times.

Trước khi cho ra đời cuốn sách này, ông đã tham gia biên tập "Biển Đông: Thách thức và hứa hẹn" (The South China Sea: Challenges and Promises) và "Đảo, đá ở Biển Đông: Sau phán quyết The Hague" (Islands and Rocks in the South China Sea: Post Hague Ruling).

Mỹ-Trung thảo luận về Biển Đông tại Bắc KinhMỹ-Trung thảo luận về Biển Đông tại Bắc Kinh

Các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau tại Trung Quốc để thảo luận về tình hình Biển Đông, một phần trong chuỗi hoạt động chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên