31/07/2023 09:17 GMT+7

Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023: Được thi đấu là niềm vui lớn

Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc do Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức được phát động hôm 28-7 kéo theo không khí hân hoan chờ đợi.

Các giải đấu công nhân luôn có sức hút lớn nhưng lại chưa thực sự quy mô - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Các giải đấu công nhân luôn có sức hút lớn nhưng lại chưa thực sự quy mô - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Theo thông tin từ Cung văn hóa Lao động TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài số lượng công nhân lao động đến tham gia tập luyện hằng ngày (từ 5h30 sáng đến 22h), đơn vị này còn có kế hoạch phối hợp với các đơn vị công đoàn cơ sở tổ chức 12 lần hội thao thu hút hơn 3.000 công nhân lao động tham gia.

Nỗ lực tạo niềm vui cho công nhân

Theo kế hoạch, dự kiến từ nay đến hết năm 2023 sẽ có khoảng hơn 20 đơn vị chi đoàn cơ sở sẽ tổ chức hội thao với số lượng người tham gia khoảng 7.000 người.

Điều đó cho thấy các công ty và doanh nghiệp rất chú trọng đến các phong trào thể thao dành cho công nhân. Mục đích chủ yếu là để nâng cao sức khỏe và giao lưu gắn kết giữa các thành viên cùng đơn vị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Anh Tuy, trưởng phòng thể dục thể thao Cung văn hóa Lao động TPHCM, cho biết:

"Dù phải làm việc theo ca kíp nhưng nhiều công nhân vẫn dành thời gian đến tập luyện các môn như bơi lội, bóng bàn, cầu lông, bóng đá... ở Cung văn hóa Lao động. Vì vậy, từ 5h30 sáng, các phòng tập bóng bàn và cầu lông đã rộn ràng người tập. Phần lớn họ đều tự bỏ tiền thuê bàn, thuê sân để tập luyện.

Là cơ sở phục vụ thể thao cho công nhân lao động thành phố, giá thuê của chúng tôi thuộc vào loại thấp nhất ở TP.HCM để những người lao động có thể đến đây tập luyện".

Khát khao được thi đấu

Về các hội thao và giải đấu thể thao của các cơ sở, ông Tuy cho biết: "Nỗ lực của các đơn vị là rất quý. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, nhiều đơn vị vẫn cố gắng tổ chức hội thao để đem lại niềm vui giúp công nhân lao động ở đơn vị mình giải tỏa những âu lo trong cuộc sống.

Các đơn vị có đông lao động tổ chức thi đấu bài bản từ vòng loại cho đến chung kết. Điều này giúp người lao động có thời gian tập luyện. Nó giúp phong trào tập luyện phát triển rộng khắp không chỉ từ những người thi đấu mà còn ở rất đông khán giả là công nhân, người lao động ở đơn vị đi theo cổ vũ.

Nhiều năm gắn bó với các hội thao, giải đấu của công nhân lao động, theo tôi, điều đáng quý và cũng đáng mừng nhất là tinh thần của những công nhân lao động trực tiếp thi đấu. Ở những đơn vị không có tiềm lực tài chính, người lao động tự bỏ tiền để thuê sân tập luyện mà không hề phàn nàn điều gì. Với họ, việc được thi đấu đã là niềm vui lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc ngày 28-7 tại Tòa nhà Quốc hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc ngày 28-7 tại Tòa nhà Quốc hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Anh Nguyễn Minh Quân, công nhân của Khu chế xuất Linh Trung 1, cho biết cảm thấy rất vui khi nghe có thông tin về giải đấu công nhân toàn quốc. Chúng tôi làm việc và có khi phải tăng ca nên thời gian dành cho các hoạt động thể thao khá ít.

Mỗi khi đến giải chúng tôi cũng rất háo hức mong muốn được tham dự để rèn luyện sức khỏe và giao lưu học hỏi. Nhưng rất khó tìm ra một giải đấu quy mô như vậy. Tôi hy vọng giải đấu sẽ trở thành sân chơi thường xuyên cho anh em công nhân.

Thiếu sân chơi đẳng cấp

Tuy vậy, các hội thao vẫn dừng ở mức phong trào chứ chưa có một giải đấu nào thực sự đẳng cấp và có quy tụ được một lượng lớn công nhân lao động tham gia.

Anh Nguyễn Huỳnh Bình An, một trọng tài thường xuyên được mời bắt chính các giải đấu bóng đá phong trào, nói:

"Một năm tôi điều hành không biết bao nhiêu giải đấu phong trào do các công ty và đơn vị đứng ra tổ chức. Tuy nhiên lại chưa có một giải đấu bóng đá nào có quy mô lớn được tổ chức.

Sân chơi bóng đá dành cho công nhân vẫn rất tự phát và chưa phát triển đúng với tiềm năng từ số lượng công nhân đông đảo trong cả nước".

Anh Dương Trung Pháp, hiện đang là ông bầu của một đội bóng đá phong trào tại TP.HCM, cho biết thêm: "Anh cũng không ít lần dự các giải đấu dành cho công nhân lao động. Về cơ bản, giải thì không ít nhưng chất lượng và quy mô thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nghe tin có giải bóng đá dành cho công nhân thì thực sự rất phấn khởi. Năm nay có thể do lần đầu tổ chức nên số lượng các đội ở khu vực khá ít (8 đội). Hy vọng năm sau sẽ có nhiều đội hơn, qua đó tăng số cầu thủ tham gia".

Bóng đá cho công nhân: Ra sân tập, tránh được cái xấuBóng đá cho công nhân: Ra sân tập, tránh được cái xấu

Những năm qua, dù sân chơi thể thao dành cho công nhân ngày càng được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên