26/03/2024 11:25 GMT+7

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ cuối: Để tránh đầu tư rủi ro, thất bại hãy luôn đặt câu hỏi

Thực tế cuộc sống biến động có cả rủi ro, cơ hội thành công và làm giàu. Nhưng có một quy luật chung "bạo phát bạo tàn, nhanh có nhanh mất". Để tránh rủi ro ta cần luôn đặt các câu hỏi.

Ông Lý Trường Chiến

Ông Lý Trường Chiến

Trước thực tế đầu tư thất bại, rơi vào vòng xoáy nợ nần trong một thị trường biến động, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến - chủ tịch TriTri.world - chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc trang bị khả năng nhìn nhận, sức đề kháng dành cho những người có vốn nhỏ, đặc biệt là trước những cơ hội không mời mà đến.

Nhanh có, dễ nhanh mất

* Ông nhìn nhận thế nào về việc người thu nhập trung bình, số vốn nhỏ... chi tiền, vay ngân hàng để đầu tư sinh lời trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Họ có thể gặp phải rủi ro gì?

- Bất hạnh của con người là khi nhu cầu vượt quá khả năng và giá trị mình tạo ra. Nên quan trọng nhất là biết cân đối nhu cầu và khả năng từ ngắn đến trung và dài hạn. Trong thế giới biến động ngày càng nhanh, nhiều, nhộn nhịp, nhiễu nhương mà chúng ta đang sống, mỗi cá nhân cần hết sức tỉnh thức.

Một quy luật chung là mọi đầu tư đều có rủi ro. Rủi ro càng cao thì lợi ích càng lớn. Với những chủ dự án đầu tư có nhân cách tốt, trách nhiệm cao, họ sẽ làm rõ nội dung, điều khoản, điều kiện, quyền lợi, trách nhiệm... các thành viên tham gia dự án.

Trường hợp xấu xảy ra, họ sẽ lắng nghe, xác định giải pháp tốt nhất có thể. Họ ưu tiên giải quyết khó khăn cho các thành viên khác và xem xét đến mình sau cùng. Ngược lại hay khác đi, rủi ro sẽ gia tăng từ việc thua lỗ, mất một phần đến toàn phần. Điều này ảnh hưởng đến người góp vốn, đặc biệt khi góp cầu may mà không hiểu biết tường tận dự án, chủ dự án và các thành viên khác...

* Tâm lý con người thường muốn làm giàu và làm giàu nhanh. Làm thế nào để tỉnh táo trước những lời mời gọi đầu tư hấp dẫn như chơi tiền ảo, mua bất động sản ở nơi sốt đất, thưa ông?

- Thực tế cuộc sống biến động có cả rủi ro, cơ hội thành công và làm giàu. Nhưng có một quy luật chung "bạo phát bạo tàn, nhanh có nhanh mất". Để tránh rủi ro ta cần luôn đặt các câu hỏi:

. Việc này có hợp pháp không? Nếu không hợp pháp nhất định không tham gia.

. Nếu hợp pháp, tiếp tục với các câu hỏi: Nếu mất hết số tiền này ta sẽ như thế nào? Sống ra sao? Sẽ làm gì? Trong bao lâu? Những người thân yêu trong gia đình sẽ sống thế nào?

. Ta biết gì về lĩnh vực này để giảm thiểu rủi ro, gia tăng cơ hội? Ta cần học hỏi, bổ sung kiến thức, năng lực, quan hệ, hiểu biết gì? Như thế nào? Ở đâu? Trong bao lâu?...

Tất cả nhằm đảm bảo mức độ hiểu biết và năng lực tối thiểu, có thể tự tin trước khi dấn thân lĩnh vực, ngành nghề mới lạ. Ta học cùng thời gian, từ thực tế của mình và của người khác để đi tiếp, dừng lại hay chuyển hướng, quay đầu.

Tìm lời khuyên và sự hỗ trợ

* Thực tế khi không thể vay ngân hàng vì nhiều lý do, phải vay mượn tín dụng đen, nhiều người vỡ nợ, liên lụy người thân, để lại nhiều hệ lụy. Ông có lời cảnh báo nào trong những trường hợp này...

- Không nên dấn thân vào các lĩnh vực mình không biết, không tự tin trả lời được các câu hỏi đã nêu ở phần trên bài viết vì rủi ro sẽ rất cao.

Còn trong cuộc sống, khi cần nguồn tiền đột xuất chi trả như người thân bị tai nạn hay bệnh hiểm nghèo, chúng ta nên tìm đến các tổ chức, hội đoàn, bệnh viện, quỹ tình thương... trình bày hoàn cảnh để tìm nguồn và giải pháp hỗ trợ tài chính, phi tài chính... phù hợp để vượt qua. Sau đó, ta có thể hoàn trả bằng những hình thức phù hợp.

* Khi lỡ đầu tư thất bại hoặc vướng vòng xoáy nợ nần, theo ông làm cách nào để thoát ra mà hậu quả thấp nhất có thể?

- Tâm lý chung khi thất bại hay vướng nợ nần, người trong cuộc thường e ngại chia sẻ cùng người thân. Đôi khi họ có uẩn khúc không thể giãi bày hoặc người thân không có giải pháp. Bên cạnh việc nhờ người thân giúp đỡ, ta có thể nghĩ đến những mối quan hệ tin cậy và hiểu biết để có lời khuyên và sự hỗ trợ.

Chúng ta cũng có thể tìm đến các cơ quan, hội đoàn, tổ chức tại địa phương, các nhóm xã hội để có sự trợ giúp và thêm thông tin, tìm ra giải pháp tốt hơn. Điều này đòi hỏi các cơ quan hội đoàn cần được đánh thức vai trò tác động tích cực cho xã hội, nhất là qua các phương tiện truyền thông.

* Theo dự báo của ông, tương lai gần những lĩnh vực nào nếu đầu tư sẽ khả quan và an toàn?

- Từ góc độ quan sát cá nhân, các lĩnh vực có cơ hội có thể là:

- Sản xuất chế biến lương thực thực phẩm an toàn. Đặc biệt là các giải pháp tự cung tự tiêu quy mô nhỏ cho gia đình.

- Giải pháp và dịch vụ y tế, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

- Giải pháp và thiết bị công nghệ có khả năng ứng dụng ngay để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và đa năng, lưỡng dụng.

- Các lĩnh vực ngành nghề có thể sớm tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới đang hình thành và phát triển, sau và trong biến động rộng lớn sâu sắc bởi dịch bệnh, chiến tranh và chính trị xã hội phạm vi khu vực và toàn cầu.

Không nóng vội mở rộng sản xuất bằng cách vay nợ

Một trong những khía cạnh quan trọng của việc đầu tư kinh doanh là nguồn vốn. Theo anh Vũ Trần Vĩnh Thụy, giám đốc đầu tư Công ty tài chính Việt Long, việc kinh doanh sẽ trải qua từng giai đoạn, giai đoạn đầu (chúng ta hay gọi là khởi nghiệp) thì nguồn vốn từ cá nhân, gia đình và bạn bè.

Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu phát triển, có sản phẩm và doanh thu, việc huy động vốn sẽ đến từ nhà đầu tư. Khi công ty phát triển cần mở rộng quy mô, có thể tính đến phương án vay vốn ngân hàng.

Anh Vũ Trần Vĩnh Thụy

Anh Vũ Trần Vĩnh Thụy

Việc vay vốn cần thận trọng vì nguồn vốn vay là nợ. Chủ doanh nghiệp và công ty có trách nhiệm trả khoản nợ vay này trong mọi điều kiện hoạt động của công ty. Nếu công ty không trả được sẽ bị phát mãi tài sản và dẫn đến phá sản.

Do đó, việc vay vợ phải căn cứ vào tình hình kinh doanh. Từ đó, chủ doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng nợ hợp lý để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉ lệ chung là tỉ lệ vay nợ không nên quá 100% vốn tự có của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, tự dòng tiền, tự hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đủ để tài trợ vốn lưu động và cho hoạt động tái đầu tư. Nói cách khác, việc nóng vội đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh bằng vay nợ trong điều kiện thuận lợi mà không tính toán đến những thay đổi bất lợi về nền kinh tế vĩ mô, lãi suất, thị trường, pháp lý... sẽ có thể đẩy doanh nghiệp vào tình huống khó khăn. Mà ở đây lỗi chính là do chủ doanh nghiệp đã vội vàng trong quá trình ra quyết định.

Theo anh Vĩnh Thụy, người đầu tư kinh doanh cần có tầm nhìn dài hạn về việc kinh doanh, nhưng phải thật linh hoạt trong quá trình kinh doanh hằng ngày. "Tầm nhìn dài hạn giúp doanh nghiệp vững vàng trong hoạt động hằng ngày, không bị chệch hướng kinh doanh, đầu tư dài trải... Còn sự linh hoạt trong ngắn hạn giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định dựa vào tình hình thị trường thực tế", anh cho biết.

Để cập nhật kiến thức, thông tin thị trường một cách hiệu quả, người trong cuộc nên nghiên cứu các doanh nghiệp đã thành công trong ngành nghề của mình và doanh nghiệp nói chung để có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Hiện có rất nhiều đầu sách viết về các doanh nghiệp thành công. Bên cạnh đó, chúng ta có thể cập nhật từ các kênh báo chí và mạng xã hội để nắm bắt xu thế chung, công nghệ mới...

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 5: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nầnGượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 5: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nần

Sau vỡ nợ - chuyện nợ nần như bản án xử chậm, nhiều người kiên trì vượt qua sóng gió, chấp nhận cảnh đắp đổi qua ngày, làm những nghề trái tay vất vả và cuộc sống không còn sĩ diện như hồi trên đà "vinh quang".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên