27/04/2024 08:49 GMT+7

Ngày trở về linh thiêng của bức hình hai nữ liệt sĩ

Gần 50 năm, gia đình hai nữ liệt sĩ quê Quảng Nam Trần Thị Mường và Nguyễn Thị Kim Liên (huyện Thăng Bình) phải lập bàn thờ mà không có di ảnh. Nét mặt các liệt sĩ chỉ nằm trong ký ức nhớ thương của người ở lại.

Vợ chồng ông Thành xúc động khi có được bức di ảnh để thờ phụng liệt sĩ Trần Thị Mường - Ảnh: B.D.

Vợ chồng ông Thành xúc động khi có được bức di ảnh để thờ phụng liệt sĩ Trần Thị Mường - Ảnh: B.D.

Tình cờ một ngày, người lính từng được hai nữ liệt sĩ chăm sóc dưới chiến hào đã trở về và mang theo tấm ảnh vô giá.

Trong ảnh, Mường và Liên vẫn đẹp vẹn nguyên như ngày nào. Tôi vẫn nhớ như in nụ cười hiền lành của hai em mỗi khi đi tìm rau muống nấu cháo rau cho bộ đội.

Ông ĐOÀN VĂN PHÚC

"Mường ơi, anh đưa em về đây với quê mẹ"

Bức ảnh đen trắng của liệt sĩ Trần Thị Mường vừa được ông Đoàn Văn Phúc, hiện sống tại TP.HCM, tự tay in, đóng khung và đón xe cùng vợ con về tận quê nhà của nữ liệt sĩ để trao tặng.

Ông Phúc từng là trung đội trưởng thông tin, Tiểu đoàn 74, Tỉnh đội Quảng Nam. Năm 1972, ông bị thương và được chính tay liệt sĩ Mường chăm sóc.

Những ngày này, gian nhà của ông Trần Công Thành, người thân liệt sĩ Trần Thị Mường (thôn Tân An, xã Bình Minh), như ấm cúng và đủ đầy hơn. Kế bên gian thờ những người thân, phần thờ liệt sĩ Mường nay đã có đầy đủ bát hương và di ảnh của cô.

Ông Thành là em con chú ruột của liệt sĩ Mường. Do anh em ruột và ba mẹ liệt sĩ đa phần đã qua đời nên lâu nay ông đảm nhận thờ phụng người chị họ của mình. Ông Thành cho biết những năm 1972, vùng Bình Đào (nay là xã Bình Minh) trong vùng khói lửa. Dân bị dồn lại lập ấp nhưng không ngăn được người dân tiếp tế hỗ trợ cho cách mạng.

Một ngày vào tháng 4-1972, trận mưa bom trút xuống giết chết 100 người vùng lõm Thăng Bình. Trong số này có tên liệt sĩ Mường.

"Lúc nhận tin chị mất, mọi người trong nhà đều vô cùng đau buồn vì chị trẻ quá, mới đâu 18 - 20 gì đó, trạc tuổi tui", ông Thành xúc động nhớ lại.

Ông nhớ lại sau ngày đất nước thống nhất, người dân về lại vùng Bình Minh gầy dựng lại làng mạc trên đống hoang tàn đổ nát. Hài cốt liệt sĩ Mường được đưa về mai táng, chôn cất và hương khói ở nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng điều đau lòng nhất là trước khi ngã xuống, người chị của ông không để lại bất cứ một bức hình nào.

Hằng năm, vào lễ giỗ, để con cháu hình dung ra người cô mình đã hy sinh thì ông Thành phải tự lục lại ký ức của mình rồi kể lại cho con cháu.

"Chị Mường cao tầm 1,6m, tóc rất dày và dài ngang giữa lưng. Tui nhớ miết chị vì hồi còn sống chị hay cho tui đồ. Có đợt đơn vị cấp cho một bàn chải và hộp kem đánh răng thì chị đem cho tui. Thứ đó xưa quý vô cùng, nhưng chị nhường tui", ông Thành kể.

Mấy năm gần đây, con cháu động viên ông Thành đi dựng hình ảnh phác họa về liệt sĩ Mường để in ra mà thờ phụng. Nhưng ông không muốn làm, vì sợ ảnh sẽ không thể hiện đúng nét mặt thật của người chị mà ông luôn nhớ thương.

"Gian thờ vẫn để trống bức ảnh. Lần nào thắp hương tui cũng khóc vì thương chị. Đau xót và dằn vặt lắm nhưng không thể làm gì khác", ông Thành nghèn nghẹn tâm sự.

Hành trình hồi hương kỳ lạ của hai di ảnh

Bức di ảnh duy nhất của liệt sĩ Liên được ông Phúc hồi tặng cho gia đình thân nhân - Ảnh: V.P.

Bức di ảnh duy nhất của liệt sĩ Liên được ông Phúc hồi tặng cho gia đình thân nhân - Ảnh: V.P.

Bức ảnh của nữ liệt sĩ Mường hiện đặt trang trọng trên bàn thờ gia đình ông Trần Công Thành được hồi hương trong một hành trình kỳ lạ, có phần linh thiêng khó lý giải.

Ông Thành cho biết người đã đem ảnh liệt sĩ Mường về đặt lên bàn thờ gia đình là một đồng đội cũ. Ông là Đoàn Văn Phúc (74 tuổi), hiện sống tại TP.HCM.

Ông Phúc là trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 74 pháo binh, Tỉnh đội Quảng Nam.

Năm 1972, ông bị thương trong một trận đánh ở vùng Bàu Bính (Thăng Bình) và được đội du kích quân, trong đó có liệt sĩ Trần Thị Mường, chăm sóc.

Ông Phúc kể rằng tháng 4-1972 vùng Bình Đào (nay là Bình Minh) vô cùng căng thẳng.

Bộ đội ngày rút lên núi cao, đêm lại xuống đồng bằng đánh thọc sâu. Trong một trận đánh không cân sức, ông Phúc bị thương nặng và được đưa tới căn cứ thuộc Bàu Bính, thôn 4, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình để điều trị.

Đây chính là những ngày thiêng liêng và tình nghĩa nhất trong đời lính của ông. Ông Phúc nói rằng hai cô du kích rất trẻ là Trần Thị Mường, Nguyễn Thị Kim Liên đã nhận chăm sóc ông mỗi ngày.

"Vùng chúng tôi chiến đấu nằm ngay trong lòng địch nhưng bà con rất dũng cảm, kiên cường bám trụ để nuôi giấu che chở bộ đội. Nếu không có tình yêu thương vô bờ ấy thì chúng tôi không thể sống để trở về đơn vị. Tôi cứ nhớ mãi lúc mình bị thương, cơm bộ đội không đủ nên anh em phải nhịn đói. Các cô cũng xanh xao nhưng cứ có gì ăn là nhường cho tôi.

Hằng ngày cô Mường, cô Liên ra bờ biển hái rau muống về nấu cháo. Chúng tôi trò chuyện và hẹn ngày đất nước hết chiến tranh, hòa bình trở lại thì nhất định sẽ tìm nhau. Nào ngờ cô Mường lẫn cô Liên đều hy sinh", ông Phúc khóc nghẹn.

Người cựu chiến binh thông tin kể rằng sau khi điều trị lành vết thương, ông được du kích Mường và Liên dẫn bộ luồn rừng vòng qua vùng Quế Sơn, Hiệp Đức rồi lên Phú Ninh, Tam Kỳ để trở về đơn vị. Trước lúc chia tay, các nữ du kích mỗi người gửi tặng anh bộ đội Phúc một tấm hình làm kỷ niệm. Tất cả ảnh đều in đen trắng, khổ bé nằm trong lòng bàn tay.

Nào ngờ những bức ảnh ấy về sau lại là kỷ vật thiêng liêng, giúp các gia đình có di ảnh để thờ phụng. Nhưng cũng phải mất hàng chục năm, bằng hành trình ân tình của người lính thì di ảnh mới về lại được gia đình.

Món quà thiêng liêng vô giá

Ông Phúc kể rằng sau khi được hai nữ du kích đưa về căn cứ an toàn, đúng một tuần sau thì ông nhận được tin Trần Thị Mường hy sinh trong một đợt giội mưa bom. Không lâu sau, tin dữ lại tiếp tục ập đến. Tháng 10-1972, nữ du kích Nguyễn Thị Kim Liên cũng nằm xuống trong một trận phục kích tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Phúc, điều rất linh thiêng là sau hàng chục năm, dù đã di chuyển nơi ở nhiều lần, xa nhất là từ Quảng Nam vào TP.HCM, nhưng bức ảnh của liệt sĩ Trần Thị Mường lẫn liệt sĩ Nguyễn Thị Kim Liên vẫn không thất lạc mà nằm yên vị trong cuốn nhật ký đời lính.

Mãi cho tới 2005 khi về lại Quảng Nam và lần dò tìm tới gia đình để thắp hương tạ ơn những nữ du kích đã cưu mang ông ngày nào thì ông mới biết cả Mường lẫn Liên đều không ai có di ảnh. Gia đình lâu nay chỉ thờ bàn thờ trống với bài vị và bát hương.

"Tôi sực nhớ kỷ niệm cũ. Khi về lại TP.HCM, tôi lục tung hết hành trang bao năm của mình. Tim thắt nghẹn khi thấy hai tấm hình đen trắng, mái tóc dài xõa bờ vai, nét mặt đoan trang tuổi đôi mươi của Mường cùng tấm hình của Liên nằm lần lượt ở hai trang giấy ố nhàu. Tôi cẩn thận đi sao chụp, in phóng, đóng khung và báo cho gia đình.

Tháng 8-2023, tôi cùng vợ và con ngược ra Quảng Nam tìm đến gia đình hai em rồi đặt lên bàn thờ. Chỉ khi đưa được các em về với gia đình, tôi mới thật sự an lòng, thanh thản. Trong ảnh, Mường và Liên vẫn đẹp vẹn nguyên như ngày nào. Tôi vẫn nhớ như in nụ cười hiền lành của hai em mỗi khi đi tìm rau muống nấu cháo rau cho bộ đội", ông Phúc nghẹn ngào kể kỷ niệm không quên.

Gần 50 năm kể từ ngày chia tay cô du kích trong trẻo hôm nào, ông Phúc vẫn xúc động nghẹn ngào khi trở về quê của hai người mà ông đã chịu ơn trong những ngày khói lửa.

"Tôi vẫn hay nói với bà xã mình rằng nếu cô Mường, cô Liên không hy sinh thì cũng chưa chắc người theo tôi tới hôm nay đã là bà. Vợ tôi cũng hiểu và ủng hộ tôi tìm bằng được di ảnh của cô Mường để cùng đưa về lại gia đình trao tặng", ông Phúc rưng rưng nói.

Những liệt sĩ Những liệt sĩ 'trở về' sau nửa thế kỷ lưu lạc

Ông Phan Đình Đều khóc khi nhận hồ sơ cuốn nhật ký của anh trai mình - liệt sĩ Phan Đình Điều. Bà Vũ Lưu Liên cũng rưng rưng khi gặp lại những nét chữ của chính mình và của người yêu trong cuốn nhật ký ghi chung của hai người sau 55 năm...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên