08/04/2021 11:37 GMT+7

Hành động, sáng tạo vì nhân dân

TIẾN LONG - NGỌC HIỂN - NGỌC AN - XUÂN LONG - H.HG ghi
TIẾN LONG - NGỌC HIỂN - NGỌC AN - XUÂN LONG - H.HG ghi

TTO - Đại biểu Quốc hội và người dân đòi hỏi các bộ trưởng phải hành động, hành động và hành động một cách sáng tạo để lo cuộc sống ấm no cho gần 100 triệu người dân Việt.

Hành động, sáng tạo vì nhân dân - Ảnh 1.

Hệ thống quản lý giáo dục phổ thông cần được cải tiến để giảm áp lực cho trường lớp, thầy trò và cả phụ huynh. Trong ảnh: học sinh lớp 1 Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới 2020-2021- Ảnh: NHƯ HÙNG

Đại biểu Lê Thanh Vân (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):

Tân bộ trưởng Bộ Nội vụ tránh vết xe "thiếu đột phá"

Tân bộ trưởng Bộ Nội vụ đối diện thách thức tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp bộ máy, hành chính nhà nước các cấp mà nhiều đời bộ trưởng chưa làm được. 

Thách thức lớn khác là đổi mới, nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của bộ máy nhà nước và chính sách trọng dụng nhân tài. Các thách thức này luôn là thách thức đối với các đời bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

Phải nói thật, những nhiệm kỳ gần đây không có bộ trưởng nào tạo ra được sự đột phá. Thậm chí những chính sách, chủ trương đưa ra có tư duy xưa cũ, không có tính chiến lược, thiếu đột phá, lớp lang.


Ví dụ việc thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách bộ máy hành chính gần như chưa có sự quyết liệt. Tôi nhiều lần kiến nghị, cải cách hành chính phải nhắm vào người đứng đầu bộ máy, trọng tâm là chính sách khoán biên chế, khoán tiền lương và trách nhiệm của người đứng đầu. 

Nếu khoán biên chế, khoán lương theo công việc buộc lãnh đạo đứng đầu phải chọn người có năng lực để tiết giảm được chi phí và cải cách được tiền lương. Đồng thời, tạo ra được chỉ số cạnh tranh về năng lực sắp xếp bộ máy giữa chủ tịch các tỉnh, bộ trưởng các bộ.


Một việc nữa là bộ tiêu chí về đánh giá năng lực cán bộ, hiện chúng ta đang dựa vào tiêu chí hình thức, dựa vào bằng cấp, chỉ số tín nhiệm… Những tiêu chí này rất dễ mua bán, "đi đêm". 

Trong khi nếu đưa ra bộ tiêu chí thực chứng, cụ thể bằng chỉ số năng lực, khả năng đề xuất giải pháp, gợi ý chính sách, năng suất lao động, khả năng chấp hành kỷ luật, thời hạn hoàn thành công việc… sẽ đánh giá được toàn diện chất lượng nguồn nhân lực. 

Ví dụ, hai nhiệm kỳ này có vị bộ trưởng hứa trước Quốc hội nhưng không làm được, tại sao không lấy việc này để đánh giá năng lực, thậm chí thay thế nhân sự?

Đại biểu Trần Thị Hiền (giám đốc Công ty cổ phần

Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam): Không chỉ lo cho phát triển mà còn tích cốc phòng cơ

Trong bối cảnh nguồn lực để đầu tư, phát triển còn nhiều hạn chế; thiên tai, dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế thì vai trò, trách nhiệm của tân bộ trưởng Bộ Tài chính sắp tới rất nặng nề. 

Chắc chắn với vai trò "tay hòm chìa khóa", bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ phải nắm bắt, rà soát, nghiên cứu, từ đó có sự tham mưu cho Chính phủ quản lý, phân bổ hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực. 

Trong đó phải có chủ trương, quyết sách để tiết kiệm nguồn lực, chuẩn bị các phương án dự phòng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. 

Mặt khác, bộ trưởng Bộ Tài chính cũng phải tham mưu cho Chính phủ để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là rà soát những dự án đang đầu tư để thẩm tra nghiêm túc về tiến độ giải ngân, tránh tình trạng một số tỉnh vừa qua có tiền nhưng không chi hết.

ThS Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):

Bớt "kềm kẹp" trường học

Tôi mong bộ trưởng mới quan tâm và ưu tiên cho việc cải tiến hệ thống quản lý giáo dục phổ thông bởi hiện nay hệ thống này đang rất nặng nề, giáo viên đang phải chịu quá nhiều áp lực từ các cấp quản lý. 

Các trường tiểu học nói riêng, trường phổ thông nói chung đang phải chịu nhiều "kềm kẹp" từ các cấp quản lý ngành dọc rồi lại ngành ngang. 

Ngay việc tuyển sinh lớp 1, lớp 6 hiệu trưởng các trường cũng không được tự quyết định mà phụ thuộc vào UBND quận, huyện từ tiêu chí tuyển sinh đến việc tuyển ai, bỏ ai... Điều này làm giảm sự sáng tạo, bứt phá của hiệu trưởng, giáo viên các trường.


Tôi cho rằng UBND các tỉnh, thành phố và UBND các quận, huyện chỉ nên lo về mặt chính sách, chế độ như xây dựng trường học, giảm sĩ số học sinh/lớp, nâng chất lượng bữa ăn bán trú, giải tỏa kẹt xe ở các cổng trường phổ thông chứ không nên can thiệp quá sâu vào chuyên môn của ngành GD-ĐT. 

Công tác chọn sách giáo khoa, công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp... nên để ngành GD-ĐT được chủ động quyết định phương pháp thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định đó.


Ngoài ra, tôi cũng mong tân bộ trưởng có những quyết định đúng đắn về lực lượng bảo mẫu và giám thị trong trường phổ thông hiện nay. Khi xã hội phát triển, nhu cầu cho con học 2 buổi/ngày, học bán trú, nội trú... của phụ huynh ngày càng tăng thì lực lượng bảo mẫu và giám thị rất cần được đào tạo chính quy và có ngạch trong biên chế. 

Hành động, sáng tạo vì nhân dân - Ảnh 5.

Cần sửa Luật đất đai 2013 để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được quản lý tốt hơn. Trong ảnh: một dự án có nhiều căn hộ codotel tại TP Đà Nẵng - Ảnh: T.T.D.

Ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT):

Không để nợ sửa Luật đất đai 2013

Trong nhiệm kỳ vừa qua, đã có tới 4 lần đề cập đến sửa đổi Luật đất đai 2013 nhưng đến nay chưa sửa, có thể nói đây là dự án luật còn nợ, chậm sửa đổi, trong khi đúng ra phải sửa đổi từ năm 2016. 

Những vấn đề then chốt cần đặt ra khi sửa đổi Luật đất đai 2013 là phải lấp khoảng trống pháp luật về đất đai hiện nay, vì hiện nay thị trường phát triển rất mạnh, Luật đất đai "chạy theo" nhưng theo không kịp.


Ví dụ, việc chậm sửa đổi Luật đất đai 2013 cũng có nguyên nhân trong việc làm giảm số dự án bất động sản được phê duyệt ở Hà Nội và TP.HCM trong những năm gần đây, tức là thiếu cung rồi gây ra tăng giá nhà ở và hiện nay đang sốt đất ở. 

Tiếp nữa, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang "tê liệt", không phát triển được do không có khung pháp lý.


Ngoài ra, Luật đất đai 2013 đến nay cũng đã có nhiều khoảng trống, có xung đột với các luật khác do Luật đầu tư và Luật xây dựng đã sửa, nhưng Luật đất đai vẫn chưa sửa.

TS Hoàng Dương Tùng (chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN):

Đặt mục tiêu giảm ô nhiễm ở đô thị, được không?

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), có những chính sách mới hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, bền vững, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, nâng cao chất lượng môi trường sống…, đây là những mục tiêu tích cực.

Vậy làm thế nào đưa luật vào cuộc sống khi Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2022? Tôi cho rằng phải có chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Thực trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều lĩnh vực, trong đó có những vấn đề rất nóng bỏng như ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, vậy giải pháp trong giai đoạn tới là phải rõ người, rõ trách nhiệm. 

Khi đã rõ thực trạng thì các bộ, ngành, địa phương phải xắn tay vào mà giải quyết, không để ô nhiễm không khí trôi qua hết mùa này đến mùa khác. Ngoài ra, phải đặt ra mục tiêu với các vấn đề về ô nhiễm môi trường để có cơ sở đánh giá hiệu quả, đánh giá trách nhiệm thực thi.


Chẳng hạn với ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, Bộ TN-MT phải đưa ra thông tin ô nhiễm, cảnh báo về mức độ ô nhiễm, xác định được các nguồn gây ô nhiễm không khí - ví dụ như khói bụi từ xe, từ đốt rơm rạ… rồi cùng các bộ, địa phương khác giải quyết. 

Nhìn lại thời gian qua, cơ chế phối hợp, trách nhiệm phối hợp trong giải quyết những vấn đề về môi trường là chưa tốt, chưa đánh giá được hiệu quả của các giải pháp, mức độ cải thiện.


Đặc biệt, nhiệm kỳ này là giai đoạn về chuyển đổi số, vậy hãy bắt đầu một cách mạnh mẽ trong xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường dạng số, đầu tư mạnh mẽ về hệ thống quan trắc, số hóa hệ thống quan trắc để có thông tin khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng môi trường, chất lượng không khí ngay lập tức.

Trả món nợ "thuế phải trị được đầu cơ bất động sản"

nha dat

Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng ngoài góp vào ngân sách, chính sách thuế phải đạt được mục tiêu là điều tiết, định hướng tiêu dùng và chống đầu cơ nhưng với cách thu như hiện nay, thuế chuyển nhượng bất động sản chưa đạt được mục tiêu này.

Theo ông Tú, bản chất của thuế chuyển nhượng bất động sản là thuế trực thu và phải thu trên "chênh lệch địa tô", tức lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được. Tuy nhiên, hiện nay cách thu của cơ quan thuế là "khoán thuế", cứ thu 2% trên giá chuyển nhượng, lãi lỗ gì cũng phải nộp thuế. Cách thu này dễ cho cơ quan thuế nhưng lại làm méo mó chính sách.

Hơn 10 năm trước khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân, công nghệ thông tin còn chưa phát triển, việc thu thuế bất động sản theo cách khoán thế này còn chấp nhận được.

Hiện ngành thuế đã được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, không có lý gì lại vẫn thu thuế khoán, khoán thuế với hộ kinh doanh rồi khoán thuế với cả kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Không chỉ thuế với bất động sản mà thuế chứng khoán cũng đánh đồng 0,1% trên giá bán bất kể lời hay lỗ. Giai đoạn COVID-19 hay khi thị trường diễn biến xấu nhà đầu tư bán cắt lỗ cũng bị đè ra thu 0,1%, như vậy là lạm thu.

"Trong khi mục tiêu là công cụ điều tiết thì không đạt được. Do vậy Bộ Tài chính phải sửa đổi ngay chính sách này" - ông Tú nói.

Nhưng sửa đổi theo cách nào? Ông Nguyễn Đức Nghĩa - giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho rằng chính sách thuế chuyển nhượng bất động sản phải chi tiết hơn nữa theo hướng không khuyến khích đầu cơ.

Không nên chỉ có một loại thuế chuyển nhượng mà nên theo hướng đánh thuế tài sản. Nếu người nộp thuế chỉ có 1 căn nhà khi chuyển nhượng thì miễn thuế như hiện nay, nhưng khi chuyển nhượng căn nhà thứ 2, thứ 3, thứ 4 tức đầu cơ thì khi đó sẽ áp dụng mức thuế khác.

Chưa kể hiện còn lỗ hổng mà người nộp thuế có thể vận dụng là giá kê khai không thấp hơn bảng giá đất mà địa phương công bố, do vậy người dân cũng tìm cách kê khai giá thấp để lách thuế.

"Theo tôi, cần chính sách thuế với chuyển nhượng bất động sản hợp lý hơn theo hướng trị nạn đầu cơ và chỉ khuyến khích nhu cầu an cư lạc nghiệp.

Nhà nước cũng cần sòng phẳng với người dân, xây dựng bảng giá đất theo hướng tiến đến gần với giá thị trường hơn để cả hai bên cùng có lợi vì Nhà nước có thể động viên ngân sách cao hơn mà người dân cũng có lợi khi đền bù giải tỏa" - ông Nghĩa đề nghị.

ÁNH HỒNG

Bịt ngay kẽ hở để lọt xăng giả, xăng lậu

Trong những ngày diễn ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, một đề án được không ít nhà đầu tư, chuyên gia trong ngành hết sức quan tâm đó là dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Dù hội đồng thẩm định đã nhất trí 100% thông qua đề án trình Chính phủ ký, song vẫn có không ít chuyên gia băn khoăn về tính khả thi và nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng. Đó là dự báo, cân đối cung cầu điện liệu đã sát hay chưa, khả năng triển khai nguồn và lưới điện lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm sẽ thế nào?

Với xăng dầu, khi thị trường có nhiều thay đổi, nguồn cung trong nước tăng lên, nhiều thương nhân đầu mối, phân phối tham gia và hiện Bộ Công thương cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu nhưng sau nhiều lần lấy ý kiến trình Chính phủ, vẫn còn không ít quan điểm trái chiều cần bộ trưởng mới đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo hơn, đảm bảo lợi ích các bên.

Với sản xuất công nghiệp và thương mại - những lĩnh vực cốt lõi tạo ra tới 60 - 70% GDP của cả nước, PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia có gần 30 năm gắn bó với ngành công thương - cho rằng chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế rất tốt, nhưng để tận dụng được hết cơ hội, hội nhập trong nội bộ nền kinh tế vẫn còn chậm.

Dẫn tới tính liên kết giữa doanh nghiệp nội địa với FDI còn lỏng lẻo, việc tận dụng FTA hạn chế, quy mô nhỏ với sức cạnh tranh của doanh nghiệp có hạn.

Riêng với lĩnh vực công nghiệp, để đạt mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, ông Thắng cho rằng kể từ năm 2021 khi bộ trưởng mới đảm nhiệm, cần phải giải quyết dứt điểm các dự án "khủng" kém hiệu quả, đang để lại hệ quả lớn, làm hao mòn tài lực đất nước như 12 dự án thua lỗ, yếu kém và một số dự án khác.

Định hướng phát triển công nghiệp cũng cần phải "sáng suốt hơn", không vì lợi ích một vài tập đoàn, đi ngược lại xu thế của thế giới, nhưng cũng phải có chiến lược nuôi dưỡng, hỗ trợ một số doanh nghiệp đủ tâm, đủ tầm, trí tuệ làm hạt nhân phát triển cho một số khu vực, lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế tạo, điện tử, vật liệu mới... để tạo tính lan tỏa.

Đặc biệt, cần phải có chính sách để thực sự giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với những nguồn lực trọng tâm và xem đây là động lực cho sự phát triển nền kinh tế.

Thử thách nào cho Quốc hội khóa mới? Thử thách nào cho Quốc hội khóa mới?

TTO - Đại biểu Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI) mong Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ đồng hành với Chính phủ tiếp tục thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ mà trước đó ông Huệ đã từng tham gia kiến tạo khi làm phó thủ tướng.

TIẾN LONG - NGỌC HIỂN - NGỌC AN - XUÂN LONG - H.HG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên