30/10/2022 09:45 GMT+7

Hơi ấm người dưng - Kỳ 7: Ông 'gàn' cưu mang người điên

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Ông Nhẫn buộc phải ngưng "gàn" vì bác sĩ báo ông đã mắc ung thư hầu mũi, cần giữ gìn sức khỏe. Vậy mà ông vẫn tự nhủ sẽ cố khỏe lại để tiếp tục "nhặt" người không may bị bệnh thần kinh về nuôi như ông đã làm 40 năm qua.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 7: Ông gàn cưu mang người điên - Ảnh 1.

Ông Nhẫn hằng ngày thanh thản, vui vẻ với cháu nội - Ảnh: TÂM LÊ


Nghe tin ông Phạm Văn Nhẫn (còn gọi Nhẫn "gàn") mắc ung thư, ai cũng ngạc nhiên và thương ông già cả đời làm phúc mà lại gặp họa. Nhưng ông thì không buồn và cô đơn. Ngày ông nằm viện, các con đều ở bên, cả những người con không hề cùng huyết thống.

- Bị từ tháng 8 năm ngoái, xạ trị mấy lần rồi. Nhờ trời, tôi đang thấy khỏe lại.

- Những người tâm thần được ông đưa về đâu cả rồi?

- Trước khi đi viện, tôi đã liên hệ được về gia đình, cũng may ổn cả nên mình yên tâm.

Thương người tâm thần cô đơn

Ông Nhẫn trông gầy xọp đi hẳn so với mấy năm trước, giọng nói yếu hơn nhưng vẫn thuyết phục lòng người. Hằng ngày ông bế cháu nội rong chơi, chăm lo đàn gà, quét dọn, làm việc nhẹ như bác sĩ yêu cầu. Sang tháng, ông lại đi viện K ở Hà Nội tái khám và theo dõi bệnh định kỳ.

Ngôi nhà gia đình ông Nhẫn ở thôn Tri Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) bao năm chẳng có gì thay đổi, dù nhiều nhà hàng xóm đã xây mới to đẹp. Với thu nhập ở làng quê, việc chăm lo bốn người con đẻ và cả trăm người "lạ" thì kinh tế khó mà dư dả. Nhưng đó là ngôi nhà "Vì bạn xứng đáng" đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhờ số tiền của một ca sĩ tham gia chương trình "Vì bạn xứng đáng" gửi tặng vì nghĩa cử cao đẹp của ông đi "nhặt" người điên về nuôi. Ông chưa bao giờ thấy buồn vì sự kém sang của ngôi nhà, bởi nếu sang thì bát cơm của mỗi người sẽ phải vơi bớt.

Dẫn chúng tôi vào gian phòng thờ, cũng chính là phòng ông xây riêng cho những người tâm thần được đưa về nuôi. Căn phòng nhỏ nhưng có đợt cao điểm phải kê giường cho hơn 10 người ngủ, bây giờ trống trơn, chăn màn đã được xếp gọn gàng.

"Ông Cường ở với chúng tôi mười mấy năm liền. Gặng hỏi, tìm thông tin mãi mới biết quê của Cường ở Bắc Giang. Ông Cường còn có em gái đang làm trong Sài Gòn, khi nghe tin đã về gặp nhưng xin gửi anh trai lại vì gia đình cô không đủ khả năng chăm sóc.

Ông Cường cũng bất ngờ mắc ung thư phổi. Tôi nói vui ông và tôi mắc cùng căn bệnh, có chết cũng sẽ chết cùng nhau. Ai ngờ, chỉ mới một tuần phát bệnh, ông ấy đã ra đi mãi mãi", ông Nhẫn buồn rầu thắp nén nhang cho ông Cường - người tâm thần được ông đưa về chăm sóc như ruột thịt.

Liên hệ với em gái ông Cường, đầu dây bên kia giọng pha tiếng miền Nam nhỏ nhẹ: "Dạ, nhờ có bác Nhẫn tôi mới được gặp lại người anh duy nhất mà cả nhà ai cũng nghĩ đã mất từ lâu. Với tôi, bác Nhẫn chẳng khác nào cha đẻ. Tôi ra thăm anh trai một lần, lần thứ hai ra lại là đưa tang anh. Tôi chỉ đủ tiền mua vé, bác Nhẫn không đòi hỏi thêm. 

Từ nhỏ, hai anh em đã mồ côi. Bố mẹ ly hôn, mẹ mất, bố lấy vợ khác. Tôi phiêu bạt vào Nam làm ăn, cuộc sống cũng chẳng dễ dàng. Chồng và mẹ chồng đều đang bị bệnh nặng, hai con thì còn nhỏ, một mình tôi xoay xở không nổi. Nếu đón thêm anh trai vào, tôi không đủ sức để chăm sóc được cho anh. Bác Nhẫn tốt hơn cả một số người thân trong gia đình, nghe tin bác mắc bệnh tôi thấy đau lòng lắm", chị Hạnh khóc nghẹn.

Mỗi người tâm thần lang thang ông Nhẫn đưa về đều được ăn uống, tắm rửa, ngủ lại cho đến khi ông tìm được người thân của họ. Người ở nhà ông nhanh nhất cũng vài tuần, người ở vài tháng, có người lại vài năm hoặc lâu hơn.

Việc này không dễ và tốn kém, vì người điên còn không nhớ nổi tên mình. Có người nói ông "gàn" vì đã làm cái việc mà người ta muốn tránh, kể cả người thân họ hàng.

Tôi chẳng có bí quyết nào cả. Tôi hiểu họ rất cô đơn khi ở bên ngoài một mình, rồi đói rét lâu ngày, lại bị mọi ánh mắt kỳ thị, xa lánh. Tôi đến ngồi bên, cho họ ăn, nói chuyện chân thành, có khi họ không nói gì nhưng tôi biết họ cảm nhận được nên rất nghe lời.

Ông Phạm Văn Nhẫn

Hơi ấm người dưng - Kỳ 7: Ông gàn cưu mang người điên - Ảnh 3.

Ông Nhẫn (bìa trái) cùng hai người cơ nhỡ được ông đưa về cưu mang - Ảnh: NVCC

Hạnh phúc của người "gàn"

Từ năm 1984 tới nay, gần 200 người được ông Nhẫn "nhặt" về, có lưu sổ, nhiều người trong số đó được ông nhận làm con nuôi. Nhờ vợ con giúp sức, ông Nhẫn càng quyết tâm. Ông như người anh cả có trách nhiệm lo cho đàn em dù chẳng phải họ hàng, ruột thịt với mình.

Lần đầu vợ chồng ông giúp người là đứa trẻ 7 tuổi bị lạc người thân, lấm lem bùn đất, khóc ròng giữa đường. Ông liền bế dỗ dành, cho ăn, lau người rồi bế trở ngược con đường cô bé đi. Một quãng xa thì gặp ông nội của cháu bé ngồi ở trước nhà, gương mặt thất thần. Ông cụ ôm chặt đứa cháu vào lòng, rối rít cảm ơn ông Nhẫn rồi xin ông nhận cháu làm con nuôi.

"Cảm xúc lúc đó rất khó quên, nó thôi thúc tôi mỗi khi gặp những người lang thang một mình thì lại muốn giúp. Ngày bé, tôi là cậu bé mồ côi nên hiểu cảm giác đói khát, không người thân thích", ông Nhẫn kể từ đây bắt đầu hành trình giúp người.

Đang đi đường, hễ gặp một dáng hình tồi tội, ông lại dừng xe xuống hỏi han. Ông thuyết phục người đó về nhà mình, dù là nam hay nữ, già hay trẻ. Nam thì ông tự tay chăm sóc, nữ thì nhờ vợ là bà Đào Thị Lam giúp. Được ăn no, mặc ấm, được quan tâm, người đó tin tưởng ở lại nhà ông bà.

Có chuyến đi ông đưa vài người về cùng một lúc, bà Lam tất bật cơm nước, tắm rửa, phục vụ. Dù đã quen với cảnh lam lũ từ tấm bé nhưng bà có con nhỏ nên chỉ mong ông nhận ít người thôi. Có lần đêm tối, bà bị người điên đấm hai cái, đau phát khóc nhưng ông bảo bà đừng giận quá bởi vì "người bình thường người ta sẽ không đánh bà như vậy đâu, giúp người là tạo phước cho con cái mình", bà cũng xuôi tai.

Bốn người con của vợ chồng bà (hai trai, hai gái) lớn lên cũng phụ giúp bố mẹ một tay. Con trai út Phạm Văn Cường lớn lên đã thấy có người lạ ăn ở trong nhà mình. Hình ảnh cậu bé Cường nhớ nhất mỗi khi ông bố đi loanh quanh về là kiểu gì cũng nhặt được một hai người mang về. Đầu tiên ông bao giờ cũng gọi: "Bà còn cơm nguội hay gói mì tôm nào không, mang ra cho người ta ăn". Bởi vì ông nghĩ người ta đi như vậy chắc phải đói lắm, sau đó mới tắm táp và thay quần áo.

Khi người ta bình tĩnh trở lại, tin tưởng thì ông gặng hỏi tên tuổi, quê quán. Biết được thông tin gì là ông lại gọi cho tổng đài 1080 để hỏi dò thêm, chưa rõ ông lại đạp xe hoặc đón xe tới tận quê họ để hỏi.

Một điều anh Cường thấy lạ là tất cả những người bố đưa về đều trở nên hiền lành, bảo gì cũng nghe lời. Chính người nhà khi đón về cũng thừa nhận "ở nhà không ai nói được, phá dỡ hết giường tủ mà giờ lại ngoan thế".

"Đôi lúc tôi tự nghĩ hình như đất nhà mình là mảnh đất cứu người hay sao ấy, lạ lắm, ai đến cũng thay đổi hẳn. Anh chị em chúng tôi cuộc sống có lúc thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ trách việc bố làm. Bố thường nói các con giúp người sẽ có phúc có phần cả thôi. Phúc phần thì không biết, nhưng cái câu "giúp người" của bố thì nó thấm", anh Cường cười vui vẻ.

Nhưng việc nuôi người điên như gia đình ông Nhẫn thì khắp vùng chưa ai từng làm nên không ít lời bàn tán. Nhất là sau khi con trai ông, anh trai Cường, bị tai nạn qua đời năm 2005. Cậu con trai ông khi ấy mới 19 tuổi, chuẩn bị vào quân đội, lúc băng qua đường mua nước liên hoan chia tay cậu bé quê Thanh Hóa được gia đình đón về thì bị xe va phải.

Có người buông lời ác ý: "Cứu con người ta mà chết con mình". Cả việc ông bị bệnh ung thư mới đây cũng có người dị nghị, nhưng ông từ tốn nói: "Bệnh này dính vào ai người đó phải chịu, không ai tránh được. Việc giúp người tôi vẫn làm nếu sức khỏe cho phép".

Ông Nhẫn vui vì lời hỏi thăm động viên vẫn nhiều hơn chê trách. Ông kể vẫn có bà con góp mớ rau, cân gạo, khi thì chăn màn, quần áo cũ để cùng gia đình ông chăm sóc cho những người thiếu may mắn hơn mình.

________________________________________

Trong căn nhà này chẳng có ai ruột thịt với nhau, nhưng họ đã coi nhau như người thân yêu trong một gia đình.

Kỳ tới: Hơi ấm tình người trong ngôi nhà nhỏ

Hơi ấm người dưng - Kỳ 6: Cha, con và những chuyến đi về phía tình người Hơi ấm người dưng - Kỳ 6: Cha, con và những chuyến đi về phía tình người

TTO - Ở khu phố Bình Giang 2 (phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, Bình Phước), nhiều người biết "ông già vui tính" Phạm Văn Phúc.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên