16/11/2023 10:33 GMT+7

Hủy quyết định mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai

Liên quan đến vụ Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị yêu cầu mở thủ tục phá sản vì nợ 17 tỉ đồng, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng vừa có quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đối với tập đoàn này.

Trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại TP Pleiku (Gia Lai) - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại TP Pleiku (Gia Lai) - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Ngày 16-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai).

Hủy quyết định để tạo điều kiện cho Đức Long Gia Lai

Theo Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, một doanh nghiệp đa ngành nghề với nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động trên khắp nước, đã được yêu cầu thanh toán số nợ hơn 17,1 tỉ đồng theo quyết định thi hành án ngày 15-3-2023 của Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku.

Tuy nhiên, vào ngày 26-4-2023, Công ty cổ phần Lilama 45.3 đã yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Công ty Đức Long Gia Lai tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, với lý do vi phạm nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ gốc hơn 14,7 tỉ đồng.

Đến ngày 9-10-2023, Công ty Đức Long Gia Lai chưa thanh toán được khoản tiền nào cho Công ty cổ phần Lilama 45.3, dẫn đến việc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét thấy sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Công ty Đức Long Gia Lai đã chuyển tổng cộng 4 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty cổ phần Lilama 45.3 để trả nợ và cam kết lộ trình thanh toán nợ theo thủ tục thi hành án dân sự. Điều này chứng minh rằng Công ty Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ.

Vì vậy, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

"Gây thiệt hại nặng nề cho chúng tôi"

Ông Nguyễn Tường Cọt - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) - cho biết công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản từ Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

"Quyết định này đã tạo ra một làn sóng dư luận tiêu cực, gây thiệt hại nặng nề cho chúng tôi về mặt kinh tế và uy tín thương hiệu của công ty. Cổ phiếu DLG liên tục giảm sàn, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông và nhà đầu tư. Các hoạt động kinh doanh và dòng tiền giao dịch thông qua ngân hàng đều bị ách tắc, các dự án đang thi công gấp rút để đưa vào vận hành bị chậm tiến độ" - ông Cọt nêu.

Ông Cọt cũng cho rằng quyết định mở thủ tục phá sản không phù hợp với quy định của Luật Phá sản 2014. Thẩm phán đã không thực hiện đầy đủ hành vi tố tụng được quy định tại điều 42 Luật Phá sản và đã không lường hết mọi hệ quả xảy ra.

Ông Cọt đặt câu hỏi: "Những thiệt hại trên, ai là người chịu trách nhiệm?" và đề nghị hủy bỏ quyết định mở thủ tục phá sản, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lilama 45.3 nói hủy quyết định là trái luật

Về phần mình, đại diện Lilama 45.3 cho biết không đồng tình với quyết định hủy mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Lilama 45.3 đã viện dẫn mục 24 công văn 199/TANDTC-PC năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, theo đó một doanh nghiệp có thể bị xem là mất khả năng thanh toán nếu không trả nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, ngay cả khi doanh nghiệp đó có kinh doanh tốt và có lợi nhuận.

"Trong khi Đức Long Gia Lai chỉ thanh toán một phần nợ sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành quyết định mở thủ tục phá sản" - vị đại diện này nói.

Lilama 45.3 cho rằng quyết định hủy mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp với quy định của Luật Phá sản 2014 và không đúng với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

"Quyết định này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, "dung túng" cho các doanh nghiệp chây ì trả nợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ nợ" - vị đại diện Lilama 45.3 nói.

Diễn biến vụ việc

- Tháng 6-2022, Tòa án nhân dân TP Pleiku xét xử sơ thẩm và ra bản án số 05/2022/KDTM-ST xác định Đức Long Gia Lai phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ hơn 17 tỉ đồng. Đức Long Gia Lai sau đó có đơn kháng án.

- Tháng 2-2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm, ra bản án số 03/2023/KDTM-PT giữ nguyên bản án sơ thẩm trước đó.

- Tháng 3-2023, Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku có quyết định thi hành án số 1044 yêu cầu Đức Long Gia Lai phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ cả gốc và lãi là 17 tỉ đồng. Do Đức Long Gia Lai chưa trả khoản nợ nêu trên, Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.

- Ngày 9-10-2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai. Phía Đức Long Gia Lai làm đơn đề nghị xem xét lại gởi Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

- Ngày 10-11-2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đối với Đức Long Gia Lai.

Tại sao Đức Long Gia Lai nợ chỉ 17 tỉ đồng mà dây dưa không trả?Tại sao Đức Long Gia Lai nợ chỉ 17 tỉ đồng mà dây dưa không trả?

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai nói nợ đối tác 17 tỉ đồng, nhưng do không có khả năng trả nợ ngay số tiền đó, nên xin trả từng giai đoạn. Còn Lilama 45.3 cho rằng Đức Long Gia Lai cố tình không trả nợ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên