15/03/2024 11:15 GMT+7

Liệt sĩ Gạc Ma hóa thành bất tử

36 năm qua, hai tiếng Gạc Ma luôn vang lên mỗi dịp tháng 3 với niềm xúc động khôn xiết.

Ông Phạm Phú Thép bên cột bảng tên đường mang tên Trần Văn Phương. Tấm biển này được gắn cho một tuyến đường tại phường Quảng Phúc - quê hương liệt sĩ Phương - vào sáng 14-3 - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Phạm Phú Thép bên cột bảng tên đường mang tên Trần Văn Phương. Tấm biển này được gắn cho một tuyến đường tại phường Quảng Phúc - quê hương liệt sĩ Phương - vào sáng 14-3 - Ảnh: QUỐC NAM

Máu thịt của 64 chiến sĩ hải quân và cả một phần "máu thịt" của đất nước vẫn đang nằm ở đó như một lời nhắc cho những thế hệ mai sau: Đừng để nỗi đau mang tên Gạc Ma bị lãng quên.

Ngày tưởng niệm trong khoảng gần chục năm lại đây, từ khắp mọi miền đất nước người dân và cả chính quyền đã cùng hướng về Gạc Ma.

Những vòng hoa được các đồng đội, đồng chí thả xuống biển cả. Những buổi lễ tưởng niệm được tổ chức khắp nơi.

Những hoạt động chăm lo cho thân nhân các liệt sĩ nằm lại Gạc Ma được các tổ chức cá nhân cùng nhau thực hiện.

Nhưng điều quan trọng nhất - Gạc Ma vẫn bị chiếm đóng trái phép. Và chừng nào Gạc Ma chưa trở về với lãnh thổ đất Mẹ thì nỗi đau mang tên Gạc Ma vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Quảng Bình là nơi có nhiều liệt sĩ nằm lại Gạc Ma nhất khi có đến 14 trong tổng số 64 người nằm lại Gạc Ma. Không biết có phải vì nỗi đau quá lớn này không mà Quảng Bình cũng là một trong những địa phương đi đầu tổ chức nhiều hoạt động hướng về Gạc Ma.

Mới nhất là ngày 14-3 năm nay, chính quyền xã Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, quê hương của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương - phó chỉ huy trưởng đảo đá Gạc Ma năm xưa - ngoài tổ chức lễ tưởng niệm còn chính thức lấy tên người anh hùng đặt cho một tuyến đường dẫn từ quê của liệt sĩ ra cửa biển.

Thông điệp của quyết định này là tạo nên một gạch nối từ quê hương ra biển cả - như hành trình cuộc đời của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương đi ra từ quê hương và nằm lại giữa biển đảo Tổ quốc.

Lễ đặt bảng tên đường liệt sĩ Trần Văn Phương sáng 14-3 - Ảnh: QUỐC NAM

Lễ đặt bảng tên đường liệt sĩ Trần Văn Phương sáng 14-3 - Ảnh: QUỐC NAM

Việc đặt tên Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương cho con đường cũng là một cách để người lính hải quân này trở thành bất tử. Và đó chính là một lời nhắc cho những thế hệ tiếp nối về nỗi đau mang tên Gạc Ma.

Người đưa ra ý tưởng đặt tên đường Trần Văn Phương là một nhà báo kiêm hội viên Hội Văn học nghệ thuật thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Ông là Phạm Phú Thép.

Từ năm 2009 ông Thép đã phát hiện mộ chí của liệt sĩ Trần Văn Phương chưa ghi đủ thông tin. Liệt sĩ đã được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhưng trên bia mộ chưa được "cập nhật". Ông đã bền bỉ đi gõ cửa các cơ quan liên quan từ xã, huyện đến tỉnh. Đến năm 2012 thì bia mộ liệt sĩ được bổ sung hai chữ "Anh hùng".

Một năm sau đó, cũng ông Thép cùng một số người bạn khởi xướng lễ tưởng niệm và tri ân liệt sĩ Gạc Ma tại trước phần mộ Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương vào dịp 14-3. Đây là bước khởi đầu để từ đó đến nay lễ tưởng niệm được duy trì và sự kiện Gạc Ma luôn được nhắc nhớ...

Điều ông Thép sợ nhất là Gạc Ma bị lãng quên. Đau đáu về Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm giữ; nhắc nhớ và khắc cốt ghi tâm cho các thế hệ sau về sự hy sinh của 64 liệt sĩ tại đảo đá này là mục đích mà những người như ông Thép hướng tới.

Tên liệt sĩ hóa thành tên phố phường bất tử thì Gạc Ma cũng sẽ thành bất tử, chủ quyền Tổ quốc cũng mãi mãi bất tử.

Liệt sĩ Gạc Ma hóa thành bất tử- Ảnh 3.'Người mẹ Gạc Ma' qua đời

Mẹ Hồ Thị Đức - mẹ của liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương, nhiều năm qua được các cựu binh Gạc Ma trở về coi như người mẹ chung của mình - đã qua đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên