19/11/2014 09:52 GMT+7

​Lúng túng trước nạn xà xẻo đất lâm trường

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Một số lâm trường ở huyện Tri Tôn (An Giang) biến thành những lô đất trồng lúa, rồi mua bán sang tay, cho người khác thuê lại để thu lợi.

Đất Lâm trường Bưu điện bị biến thành đất trồng lúa, sau đó được mua bán sang tay cho các cá nhân - Ảnh: Đ.Vịnh
Đất Lâm trường Bưu điện bị biến thành đất trồng lúa, sau đó được mua bán sang tay cho các cá nhân - Ảnh: Đ.Vịnh

Hiện các cơ quan chức năng đang lúng túng trước việc đất lâm trường bị xà xẻo.

Từ nhiều năm nay, Lâm trường Bưu điện (xã Tân Tuyến) chỉ còn lác đác vài rặng tràm thưa thớt, phần lớn diện tích trồng rừng biến thành những lô trồng lúa. Gần đây, sau khi bị cấm canh tác, đất phải bỏ hoang kéo dài, lau lách mọc um tùm.

Tuy nhiên lúc này một số lô vừa được dọn sạch cỏ dại chuẩn bị sản xuất vụ mùa mới. “Đất rừng không còn, ruộng thì không cho trồng lúa, những hộ đổ nhiều tiền của, công sức vào đây thấy đất bỏ hoang thì xót nên có người lại lén lút xuống giống” - ông Nguyễn Hải Trọng, phó ban quản lý lâm trường, nói.

Chia chác đất

Lâm trường khác cũng thành đất trồng lúa

Thanh tra tỉnh An Giang kiến nghị các cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm ông Trần Văn Trận (nguyên giám đốc Bưu điện, giám đốc Viễn thông An Giang vừa về hưu) và những cán bộ, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng, sang nhượng, cho thuê đất thu lợi bất hợp pháp. “Trong khi ở huyện Tri Tôn, các lâm trường như Bình Minh, Tỉnh Đội... cũng biến thành đất trồng lúa, tại sao không xử lý, không thu hồi?” - nhiều hộ nhận khoán ở Lâm trường Bưu điện bức xúc.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tại Lâm trường Bình Minh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn có diện tích đất lâm nghiệp 964ha, qua kiểm tra xác định có 86 hộ bỏ cây tràm trồng lúa với diện tích 460ha.

Theo tài liệu, đất cấp cho Lâm trường Bưu điện vốn là đất hoang hóa, nhiều hộ dân được địa phương giao để canh tác nhưng do làm lúa mùa không hiệu quả nên bỏ hoang.

Năm 1987, ông Phan Thanh Xiếu - lúc đó là bí thư xã Tân Tuyến - phát động dân trồng rừng. Hai năm sau, khi về làm giám đốc Bưu điện An Giang, ông Xiếu làm đơn xin đất tại đây.

Tháng 5-1991, UBND huyện Tri Tôn ký quyết định giao quyền sử dụng 243ha đất cho Bưu điện với thời gian sử dụng 25 năm.

Đơn vị này thành lập lâm trường, phát hành 235 cổ phần, sau đó tạm ứng tiền cũng như dùng phần vốn góp của cổ đông để đào kênh, trồng rừng tràm...

Tháng 12-1993, UBND tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 250ha tại đây cho Bưu điện.

Năm 2007, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt lâm trường này là khu vực bảo tồn đất ngập nước.

Thế nhưng giám đốc mới của Bưu điện An Giang là ông Trần Văn Trận lại ký quyết định giao khoán và ký hợp đồng giao đất trồng tràm cho 18 cá nhân, chủ yếu là cán bộ trong ngành, thu 1,32 tỉ đồng. 

Cùng lúc đó, Bưu điện An Giang tách thành hai đơn vị là Bưu điện và Viễn thông, ông Trận ký tiếp quyết định giao Viễn thông tiếp nhận quyền sử dụng đất. Viễn thông vẫn giữ hợp đồng giao khoán đất cho các cá nhân (trong đó có ông Trận) như Bưu điện đã ký kết, 250ha được chia thành 28 lô. Những hộ nhận khoán lần lượt phá rừng, bỏ vốn đầu tư cải tạo đất để trồng lúa.

“Một số lô được chuyển nhượng với giá gần cả tỉ đồng, một số lô cho thuê hàng chục triệu đồng mỗi năm. Điều này dẫn đến việc hàng chục hộ dân từng khai phá đất hoang trước kia khiếu nại, có lúc khá gay gắt” - ông Lê Văn Dưỡng, phó chủ tịch UBND xã Tân Tuyến, cho hay.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh An Giang, sau khi giao khoán đất cho các cá nhân thì đất rừng lần lượt chuyển qua trồng lúa. Các hộ nhận khoán tự ý chuyển mục đích sử dụng, sang nhượng, cho thuê thu lợi trái pháp luật, làm diện tích rừng bị thu hẹp chỉ còn 66ha (29%). Thanh tra cho rằng Bưu điện không thuộc đối tượng giao khoán đất, việc giám đốc đơn vị này ký quyết định và hợp đồng giao khoán lại đất cho các cá nhân là không đúng thẩm quyền, trái pháp luật. 

Quyết định giao đất trước kia cho Bưu điện là có thời hạn và không thu tiền sử dụng đất, sau khi Viễn thông tiếp nhận sử dụng thì về pháp nhân, diện tích này vẫn thuộc Bưu điện quản lý. Cho nên giám đốc Viễn thông ký hợp đồng và biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng thời gian sử dụng, bồi hoàn thành quả lao động với ba doanh nghiệp (giá trị 30 tỉ đồng, chưa kịp thực hiện) là trái với mục đích sử dụng theo quyết định giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh.

Do lấn cấn... rừng bảo tồn và sản xuất

Nhiều hộ nhận khoán đất tại đây cho biết sở dĩ họ phá bớt rừng để trồng lúa là do ngày 2-4-2007, UBND tỉnh An Giang có quyết định xác định lâm trường là rừng sản xuất, dù trước đó (ngày 28-3-2007) UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Lâm trường Bưu điện là khu bảo tồn.

Theo người dân, với rừng sản xuất thì chủ rừng được phép sản xuất nông ngư kết hợp. Với tư cách cổ đông nhận khoán, họ trồng lúa là không có gì sai. Ở các lâm trường lân cận cũng bỏ cây tràm để phát triển trồng lúa tương tự.

Trong bản giải trình, ông Trận cho rằng trước đây những hộ nhận khoán tự bỏ vốn đầu tư trồng tràm, do cây tràm rớt giá mạnh nên chuyển một phần diện tích qua trồng lúa. Tháng 5-2008, UBND huyện Tri Tôn có văn bản nêu chủ trương cho phép chủ rừng muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ lâm nghiệp thành đất nông nghiệp.

Đặc biệt là tháng 12-2009, UBND tỉnh An Giang có văn bản nêu rõ: “Có định hướng cho sử dụng 30% đất lâm nghiệp của Viễn thông và các chủ rừng quản lý để sản xuất nông lâm ngư kết hợp, thông báo cho làm phương án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cụ thể”. Ông Trận đặt vấn đề: “Nếu thấy việc giao khoán là sai thì địa phương cho dừng ngay để chấn chỉnh, yêu cầu thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Tại sao để diễn ra trồng lúa trong thời gian dài mà không ngăn chặn?”.

Hai quyết định “tréo ngoe” ra đời gần như cùng lúc nói trên cho thấy sự bất nhất trong công tác quản lý cũng như mục đích sử dụng đất đối với lâm trường, dẫn tới việc phá rừng trồng lúa. Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi số đất đã giao cho Bưu điện, UBND tỉnh xem xét lại các quyết định trước đây để thống nhất về mặt quản lý nhà nước.

Sau khi có kết luận thanh tra, UBND tỉnh An Giang đã ra công văn yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường tham mưu việc thu hồi quyết định phê duyệt Lâm trường Bưu điện là khu bảo tồn thiên nhiên để điều chỉnh quy hoạch lại thành đất rừng sản xuất nông lâm kết hợp.

Theo ông Phan Văn Sương - chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, UBND tỉnh vừa ra quyết định thu hồi đất, giao cho UBND huyện quản lý sử dụng, lập quy hoạch sử dụng đất và phương án sản xuất. Hiện nay huyện đang lập đề án phục hồi phát triển khu vực Lâm trường Bưu điện thành khu bảo tồn sinh thái đất ngập nước.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên