21/11/2023 07:08 GMT+7

Mẹ mất, cha bỏ rơi, 'đóa hoa dại' Tố Trinh vẫn chạm đến giảng đường

20 tuổi, Nguyễn Thị Tố Trinh (TP.HCM) mới bắt đầu hành trình mới mà bạn tự gọi tên là 'hành trình mơ ước' khi trở thành tân sinh viên ngành hệ thống thông tin, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Chiếc áo đồng phục lớp ở đại học là món đồ mới duy nhất Tố Trinh có gần hai năm qua - Ảnh: C.TRIỆU

Chiếc áo đồng phục lớp ở đại học là món đồ mới duy nhất Tố Trinh có gần hai năm qua - Ảnh: C.TRIỆU

Cô gái chưa đầy 38kg ấy khá bẽn lẽn, rụt rè và đôi mắt nhòe lệ mỗi khi có ai đó hỏi về mẹ. Nhưng ấy cũng là cô gái trưởng thành, chững chạc đáng kinh ngạc.

Trường giảm 50% học phí, các thầy cô rồi phụ huynh lớp hỗ trợ chi phí, dụng cụ học tập nhưng không dễ thuyết phục Trinh nhận vì lúc nào cũng khéo léo từ chối, nói có đi làm thêm và tự lo được. Cô học trò ấy kiên cường, bản lĩnh lắm.

Cô NGUYỄN KIM KHÁNH (Trường THCS - THPT An Đông, giáo viên của Trinh)

Mồ côi tuổi lên 10

Trinh chậm rãi kể cho nghe khoảng thời gian vẫn còn in sâu trong ký ức khi bạn mới lên 3 tuổi. Đó là những ngày lẽo đẽo theo mẹ đi bán vé số hầu như khắp TP.HCM. Cuộc sống cơ cực, dầm mưa dãi nắng nhưng lại là những tháng ngày vui vẻ và đầy hạnh phúc với Trinh.

Ngày cô bé lên 10 cũng là lúc căn bệnh ung thư quái ác đem mẹ rời xa mãi mãi. Đi học trễ, khi mẹ mất Trinh mới đang học lớp 3, lại còn tạm nghỉ học mất một năm nên 20 tuổi mới là tân sinh viên. Bạn từng có thời gian dài sống tại một mái ấm ở Đồng Nai.

Ngoài Trinh, mẹ còn có tám người con khác nhưng chỉ có cô với cậu em út 15 tuổi cùng cha cùng mẹ. Trinh có cha. Ông ấy vẫn sống đâu đó ở TP.HCM nhưng gần như cắt đứt mọi liên lạc. Ký ức về cha trong Trinh cũng không rõ ràng, đâu đó chạm mặt một vài lần hồi đi bán vé số, mẹ có nói nhỏ đó là cha con. Ông ấy mê cờ bạc và thường chỉ kiếm hai mẹ con cô mỗi khi cần tiền. Trinh thường lờ đi hoặc cứ nói mình không có cha khi ai đó hỏi về gia đình.

Hồi học lớp 10, Trinh đã bắt đầu cuộc sống tự lập. Bạn thuê căn trọ chừng hơn chục mét vuông, ọp ẹp và ẩm thấp bên quận 8 để có chỗ ngả lưng mỗi tối. "Mình từng ở trọ chung với vợ chồng anh trai nhưng anh chị cũng nghèo quá, phòng chật chội và lúc nào mình cũng mang cảm giác thêm gánh nặng cho anh chị nên quyết định tự ra riêng. Mình phải tự lập", Trinh tâm sự.

Quay cuồng mưu sinh

Trinh vẫn thường đan chặt hai bàn tay vào nhau mỗi khi nhớ về mẹ hay lúc buồn tủi. Nhưng mà tự lập, phải chạy vạy khắp nơi, làm đủ nghề mới đủ trang trải cuộc sống nên chẳng còn thời gian để buồn.

Hồi tự ra ở riêng, ngày đi học, tối Trinh xin làm ở cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7. Thấy trên mạng người ta cần thuê người mẫu để tập trang điểm, Trinh cũng đăng ký làm.

Công việc yêu cầu ngồi để các thợ trang điểm lên mặt, tiền công 30.000 đồng/giờ, nhẹ nhàng hơn thức bán hàng xuyên đêm trong cửa hàng tiện lợi.

Càng học lên cao, lịch học dày hơn, sức khỏe cũng không cho phép Trinh thức khuya nên đành nghỉ làm cửa hàng tiện lợi. Nhưng không thể không làm vì lấy đâu tiền đóng trọ, ăn uống, học phí. Vậy là tranh thủ cuối tuần, Trinh xin làm phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới.

Mỗi tiệc chừng ba tiếng, được trả 155.000 đồng. Những tháng cao điểm mùa cưới, mỗi ngày Trinh có thể làm liên tục ba ca. Rồi siêng sẽ được thưởng, gặp khách cho thêm nữa có khi cũng được cả triệu đồng hai ngày làm cuối tuần.

Còn hiện tại, Trinh đang giúp việc nhà cho một gia đình ở quận 10. Đã quen với công việc nhà từ bé nên không quá áp lực, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, gắng co kéo cũng giúp Trinh tạm ổn. Thời khóa biểu ở đại học gần như kín cả ngày nên hết giờ học, Trinh phải tranh thủ chạy đi ngay mới kịp làm các việc và kết thúc một ngày cũng đã khuya.

Rồi bạn lôi trong ba lô ra xấp hồ sơ bệnh án, toa thuốc mang tên Nguyễn Thị Tố Trinh khá dày. Trinh đang phải điều trị cùng lúc bệnh loét dạ dày, viêm tá tràng, suy nhược, thiếu máu, rối loạn tiền đình, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm...

"Có hôm ngồi trong lớp nhưng mệt quá mình ngủ quên luôn. Thầy cô thương tình để cho ngủ, mãi sau mới nghe bạn kể lại, thấy mình sai quá", Trinh ngượng ngùng kể.

Chiếc xe máy cũ anh trai mua cho vẫn thường dở chứng bất ngờ trên đường - Ảnh: C.TRIỆU

Chiếc xe máy cũ anh trai mua cho vẫn thường dở chứng bất ngờ trên đường - Ảnh: C.TRIỆU

Bữa ăn sang tự thưởng

Cuộc sống kham khổ khiến bạn phải tằn tiện. Để tiết kiệm, Trinh tự nấu ăn rồi mang theo đến trường, chỗ làm. Ăn mì gói, bánh mì không qua bữa đã quá quen với cô. Chiếc laptop "đời xưa" được cho gần như không thể tải nổi các nền tảng, ứng dụng cần cho ngành hệ thống thông tin Trinh đang học. Chiếc xe máy anh trai mua từ vựa ve chai nhiều năm trước dạo này hay dở chứng lắm, càng thêm khó.

Mỗi dịp lãnh lương, Tố Trinh tự thưởng cho mình bữa ăn sang. "Mình mua 30.000 đồng tôm thẻ ngoài chợ được chừng bảy con, nấu mì gói lên, thêm ít hành ngò, rồi trứng là thành tô mì cay như ở quán. So với bình thường chỉ có mì với nước sôi vậy là rất sang rồi", Trinh kể về bữa ăn sang của mình.

Điểm trao học bổng Tiếp sức đến trường cuối cùng năm 2023

Tối nay 21-11, Thành Đoàn TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ và Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức trao học bổng, giao lưu nghệ thuật 20 năm chương trình Tiếp sức đến trường (2003 - 2023) và 35 năm chương trình Vì ngày mai phát triển (1988 - 2023), dự kiến truyền hình trực tiếp trên HTV1 từ 19h30.

Đây là điểm trao cuối của năm 2023 cho 138 tân sinh viên khó khăn bảy tỉnh thành Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận) cùng một số sinh viên các tỉnh thành khác hiện đang theo học tại TP.HCM. Mỗi học bổng 15 triệu đồng cùng năm suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).

Tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng do Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt, ông Dương Thái Sơn và những người bạn, Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam), Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền), Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp (Công ty Dai-ichi Life Việt Nam), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty cổ phần Hoàng Kim, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tổng công ty Điện lực TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam tài trợ bảy laptop cho tân sinh viên thiếu thiết bị học tập, hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ trao 10 học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên học tại TP.HCM.

Tiếp sức đến trường: Hành trình 20 năm qua những hình ảnh khó quênTiếp sức đến trường: Hành trình 20 năm qua những hình ảnh khó quên

Học bổng Tiếp sức đến trường đã tròn 20 năm 'lớn lên' từ chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ. Hành trình ấy đã chắp cánh bao ước mơ học hành của các bạn trẻ, tạo nên những câu chuyện đẹp của cuộc đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên