01/08/2022 11:36 GMT+7

Mẹ Sâm 'ba đầu sáu tay' của 300 đứa trẻ

LÊ MINH HẠ
LÊ MINH HẠ

TTO - Là người cống hiến cho hoạt động xã hội tại Mỹ, mẹ Sâm hai lần được Chính phủ Mỹ trao giải thưởng cống hiến trọn đời.

Mẹ Sâm ba đầu sáu tay của 300 đứa trẻ - Ảnh 1.

Lý do chị Ái Hồng Sâm, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt, nhận làm mẹ hàng trăm đứa trẻ ấy đơn giản lắm: "Cho lũ trẻ mồ côi ấy được kêu tiếng mẹ trong nỗi khát khao bấy lâu nay". Là người cống hiến cho hoạt động xã hội tại Mỹ, chị hai lần được Chính phủ Mỹ trao giải thưởng cống hiến trọn đời.

Khi đó, mái ấm Vinh Sơn (phường Thống Nhất, Kon Tum) đang rất khó khăn với hàng trăm đứa trẻ mồ côi đang tuổi ăn tuổi lớn. Thỉnh thoảng các nhóm, cá nhân thiện nguyện đến thăm, chỉ có thể hỗ trợ chúng lúc ngặt chứ không thể lo toan cho cả lúc nghèo. Thế rồi một ngày, đám trẻ nơi miền xa ấy không ngờ có ngày một người phụ nữ từ Mỹ xa xôi tìm đến, rồi lần hồi "bén duyên", tình nguyện ghé vai cáng đáng.

Việc gì cũng tỉ tê đến tai mẹ Sâm

Chị Sâm và các sơ phụ trách mái ấm chia nhau, các sơ trực tiếp chăm lo, chị ở xa đi đi về về phụ lo chuyện tài chính, học hành. Chị Sâm cho hay mình trong khả năng hiện tại chưa chu toàn hết, nhưng điều đó không có nghĩa là sơ sài. Chị bảo hiện tại mình lo chủ yếu sách vở, học phí, thuốc thang... Nhưng lũ trẻ, từ hư cái nồi cơm, hư cái máy bơm nước, hỏng cái máy khoan, đến kỳ đóng tiền học phí, việc gì cũng tỉ tê đến tai mẹ Sâm. Con của chị, mỗi đứa một hoàn cảnh, đủ các độ tuổi. Năm nay, chị có một lứa 25 đứa trẻ chuẩn bị vào cấp III. Thế là chị cho chúng từ Kon Tum về Sài Gòn, lo kiếm căn nhà chung cho bầy con có thể ở cùng, tiện chăm sóc nhau và tiện chuyện đi học. Khi chúng muốn đi học nghề, từ bên kia, chị lại dành hàng giờ đồng hồ ngồi lắng nghe tâm sự để hướng nghiệp từng đứa.

Chị nói suy nghĩ của chị là mình được hưởng một cuộc sống tốt đẹp thì tại sao con cái mình lại không được như vậy. Chị nhất định phải sắm đồ tốt cho chúng.

Mỗi lần chị từ Mỹ về là tay xách nách mang từ 8 cho đến 10 vali hành lý. Chị kể có đợt mình đem đến 250 cái quần jean từ Mỹ về cho chừng ấy đứa trong mái ấm và tất nhiên bị hỏi thăm, vì trông thể như đi buôn. Nhưng các bạn hải quan nghe chị trình bày, hiểu chuyện, đã thông cảm cho chị. 

Cũng như khi chị đi mua đồng hồ cho các con lớn đeo, mà không lẽ mua cho một vài đứa, nên mua hết. "Phải mua đồ tốt thôi, khi chính bản thân mình cũng thích xài đồ tốt" - chị nói. Nhưng giá tiền sẽ không rẻ. Thế là người bán ban đầu thì bàn ra, nói rằng mua cho từ thiện chị mua chi cho mắc, nhưng sau đó chính người bán lại chủ động giảm giá hết mức để chị có thể mua đủ đồng hồ cho các con.

Nuôi con tốn kém nhưng khi khen thưởng, chị cho chúng vào resort hạng sang nghỉ ngơi. Có dạo, chị cũng bị một số cư dân mạng "ném đá", rằng có thể dùng số tiền đó để giúp đỡ được thêm nhiều người khác. 

Chị chỉ cười giòn: "Mỗi người có một cách dạy con khác nhau, đối với mình thì quan trọng nhất là các con phải biết nhìn nhận bản thân hiện tại và nhìn về tương lai để cố gắng vươn lên. Muốn vươn lên thì phải cảm nhận được cái hay cái đẹp và sự sung túc của cuộc sống để rồi có một mục đích vươn lên. Nếu không, các con sẽ dễ tạm bằng lòng cái mình đang có là đủ rồi không cần cố gắng. Dù các con có một quá khứ khó khăn, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đó chỉ là quá khứ. Mình phải nghĩ cho tương lai tụi nhỏ".

Vừa rồi hết dịch, về thăm lại lũ trẻ, chị lại có thêm hai đứa con nuôi mới. Trong đó có một đứa bị bại não, một đứa cũng bị tật lúc sơ sinh, suýt bị chôn sống đến khi người ta phát hiện nó còn thở. Các sơ đem về mái ấm, chị nhận nuôi hết. Chẳng ai bắt chị phải nhận tất cả các trẻ mồ côi vào nuôi, nhưng trong vòng tay của mình, lo được bao nhiêu, chị xin nhận nuôi bấy nhiêu.

Thế là chị lại nghĩ ra thêm những việc kinh doanh mới. "Bây giờ mở rộng phát triển kinh doanh hay làm thêm cái gì tôi cũng luôn nghĩ về lũ trẻ. Phải có công việc này, hướng làm ăn nọ để sau này chúng có thể tham gia từng bước vào, hoặc có thêm nguồn kinh phí để lo cho chúng" - chị Sâm trải lòng.

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư có lời: chúng sẽ là những người có ích cho xã hội, tiếp tục sứ mệnh mà mình mong mỏi.

Chị ÁI HỒNG SÂM

Cho con cá, cho cần câu, cho luôn cách sử dụng cần câu

"Làm từ thiện với mình, điều bận tâm nhất là không chỉ cho con cá, mà còn là cần câu. Không chỉ thế, mình còn phải hướng dẫn sử dụng cần câu như thế nào cho hiệu quả nữa kìa" - chị Sâm trăn trở. 

Chỉ cách câu đã đành, chị thấy mình cần có định hướng cụ thể hơn. Nhất là những đứa trẻ của chị, nhiều khi chúng cứ bằng lòng với thực tại trước mắt "mẹ ơi, mỗi ngày tụi con lên rẫy, đủ sắn với gạo khoai là đủ no, là đủ hạnh phúc rồi, tụi con không cần chi nữa". Nhưng bà mẹ như chị thì không đành cho con bằng lòng với chừng ấy thứ.

"Mình đã cho chúng đi học được thì ít ra đến hết cấp III, khi đứng trước ngưỡng cửa vào đời, chúng cần được sửa soạn một tương lai đầy đủ hơn" - chị nói, và dành rất nhiều thời gian ra tư vấn cho từng đứa. 

Mỗi đứa một cá tính một ước mơ, nhiều khi ước mơ ấy chìm khuất đâu đó trong đời sống mà chị là người khơi gợi một cuộc đời để sống có ích và cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Đứa nào cảm thấy phù hợp thì chị sẵn sàng bố trí công việc trong các công ty của mình. Đứa nào muốn học nghề hay đeo đuổi đại học, chị lại sấp ngửa lo cho chúng tiền trọ, học phí. Nên các con chị bây giờ có đứa đang là nghệ nhân làm bánh, có đứa làm hướng dẫn viên, làm cô giáo, có đứa hướng cuộc đời mình vào chuyện tu hành.

Chị kể lý do mình cứ bận tâm vào tương lai của lũ trẻ: "Mình muốn chúng không bị bó buộc cuộc đời an phận khi mà mình có thể làm được gì cho chúng để có một tương lai khác, khả dĩ có thể tốt hơn".

Chị mong mỏi rằng mình không chỉ nuôi nấng chúng một giai đoạn đường đời, mà còn có thể hướng nghiệp, giúp các con trở thành người có ích hơn cho xã hội và cũng là cách để chuẩn bị tương lai sau này, giúp con cái thoát khỏi cơ cực.

Chị luôn có định hướng xa như thế cho các con của mình, mà người không hiểu chuyện cho là "bà này tào lao". Nhưng chị quan niệm, nếu không có mục đích cho tương lai thì việc mình hỗ trợ những đứa trẻ cũng chỉ như nước đổ vào sa mạc thôi.

Tôi hỏi chị làm sao có thể quan tâm, lo lắng tâm tư nguyện vọng của chừng ấy đứa trẻ đang tuổi lớn, chị nói: "Mình chọn cách trò chuyện. Các con của mình không dùng điện thoại thông minh, hằng tuần sẽ có một thời gian nhất định để vào máy vi tính lên Internet trò chuyện, gửi thư, tin nhắn cho mẹ Sâm. Mình luôn là người lắng nghe để rồi đưa ra cho chúng những lời khuyên".

Chị kể, từng xúc động muốn rơi nước mắt trước tin nhắn của một đứa con nuôi. Trước khi cháu quyết định đi tu, đã hỏi chị: "Mẹ ơi, nếu con đi tu mẹ có buồn không? Con đi tu thì sẽ không làm gì giúp phụ mẹ lo cho các em được". 

Chị trả lời mà lòng rưng rưng: "Mẹ không hề buồn mà còn rất vui khi con tìm được chân lý của mình". Vậy đó, ở đời này không nhất thiết là con ruột mới có hiếu với cha mẹ, con nuôi nhiều khi đem lại những niềm vui thật lớn cho đời mình.

Chị Sâm có thỏa thuận với các con, những đứa lớn đã có thể tự lập, đi làm được, dành 10% thu nhập để lo lại cho các em côi cút của mình. Số tiền ấy có thể chẳng là bao so với việc chị đã lo lắng chỗ ăn, ở, phương tiện đi lại cho chúng.

"Nhưng đây cũng là tín hiệu cho lũ trẻ thấy rằng khả năng của mẹ Sâm chúng cũng có hạn. Cái lớn hơn mà mình muốn truyền cho các con là biết quan tâm đến người khác, tiếp nối sự cho đi, truyền tiếp sự quan tâm và yêu thương ấy" - chị nói.

Bây giờ, niềm vui của chị Hồng Sâm, người phụ nữ chân đi thiện nguyện không mỏi này, là chờ những tiếng gọi mẹ Sâm từ muôn nơi, khi đàn con của chị rồi sẽ trưởng thành, cứng cáp bay đi.

Hai lần nhận giải thưởng cống hiến trọn đời

mesam-2022 1(Read-Only)

Thành phố Frisco, Texas, Mỹ, chọn ngày 5-4 hằng năm là Sam Nguyen Day nhằm tôn vinh những cống hiến của bác sĩ Sam Nguyen dành cho cộng đồng - Ảnh: N.S.

Chị Ái Hồng Sâm, tức Sam Nguyen, là bác sĩ người Mỹ gốc Việt hai lần nhận giải thưởng cống hiến trọn đời (Presidental Lifetime Achievement Award) từ hai đời tổng thống Mỹ: Barack Obama năm 2015 và Joe Biden năm 2022 cho những cống hiến vì cộng đồng.

Chị Sâm cũng là người gốc Việt đầu tiên được thành phố Frisco, Texas, Mỹ, chọn ngày 5-4 hằng năm là Sam Nguyen Day nhằm tôn vinh những cống hiến của bác sĩ Sam Nguyen dành cho cộng đồng.

"Không phải làm từ thiện là bạn nhận được tiếng thơm đâu. Bản thân tôi cũng từng nhận được rất nhiều cái nhìn xét nét và cả những định kiến có phần cay nghiệt. Như là có đại gia chống lưng nên mới ở không đi từ thiện suốt. Rồi ở Mỹ, những đứa con nuôi nhiều màu da của tôi lớn lên, ra phố chúng đi cùng thì mang tiếng... cặp trai trẻ. Nhưng tôi không để những việc đó làm ảnh hưởng đến mình, vì thấy mình không làm gì sai" - chị Sâm tâm sự.

Chút ấm lòng sau một tai nạn Chút ấm lòng sau một tai nạn

TTO - Làm xong thủ tục ở đội cảnh sát giao thông, tôi về nhà lòng ngổn ngang lo âu, sợ hãi thì nhận được điện thoại của một phụ nữ: "Chú ơi may chi lạ, Bệnh viện Nhi Đồng nói hai bé chỉ bị phần mềm, cho xuất viện. Cháu đưa hai đứa về nhà rồi chú nờ".

LÊ MINH HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mẹ Sâm Ái Hồng Sâm