11/11/2015 07:42 GMT+7

Nâng cao hiệu quả các đô thị Việt Nam

AXEL VAN TROTSENBURG (phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương)
AXEL VAN TROTSENBURG (phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương)

TT - LTS: Ông Axel van Trotsenburg, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về các đô thị hiệu quả đóng vai trò then chốt giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thu nhập cao.

Cần xây dựng đường sá để kết nối các đô thị. Trong ảnh: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian xe chạy từ TP.HCM đến Vũng Tàu chỉ còn 1 giờ 30 phút thay vì mất 3 giờ như trước đây - Ảnh: T.T.D.
Ông Axel van Trotsenburg
- Ảnh: nhân vật cung cấp

Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam ở những thập kỷ qua. Năm 1986 dân số đô thị của Việt Nam chỉ dưới 13 triệu người, hiện nay con số đó đã là 30 triệu. Các thành phố đã trở thành trụ cột phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế của khu vực đô thị cao gấp hai lần mức bình quân của cả nước, đóng góp trên một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy nhiên, khi quan sát cụ thể hơn, có thể thấy đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay cần những thay đổi lớn về tư duy để đảm bảo rằng quá trình này sẽ đóng góp toàn diện vào mục tiêu trở thành nước thu nhập cao.

Trong vòng hai thập kỷ tới, Việt Nam cần tập trung xây dựng và phát triển các nhóm thành phố và thị xã có thể thực hiện các chức năng bổ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện giúp các thành phố phát huy tối đa tiềm năng (phát triển hiện đại, thông minh, năng động) để thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước

Dàn trải, kém năng động, lãng phí về kinh tế

Hiện nay quá trình đô thị hóa đất đai ở Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn đô thị hóa về dân số, dẫn đến việc giảm mật độ dân số và cản trở tăng năng suất lao động. Mô hình đô thị hóa hiện nay là chuyển đổi sử dụng đất để xây dựng khu công nghiệp và các khu đô thị manh mún, quy mô nhỏ. Tốc độ chuyển đổi sử dụng đất tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số và tạo việc làm.

Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang bị mất cân đối nghiêm trọng giữa khu vực nội thành, nơi mật độ dân cư có thể lên đến 44.000 người/km2 và khu vực ngoại thành, nơi mật độ dân cư có nơi chỉ vào khoảng 100 người/km2. Sự mất cân đối này làm thành phố trở nên dàn trải và mất đi sự năng động của mình.

Các tỉnh và thành phố Việt Nam hiện nay giống như các ốc đảo độc lập hơn là các bộ phận trong một thị trường đồng bộ. Ví dụ, muốn đi từ trung tâm TP.HCM đến khu đô thị mới Bình Dương với khoảng cách chỉ là 40km mất đến gần hai tiếng trong giờ không cao điểm. Hiện trạng kết nối giao thông kém giữa các vùng đã gây lãng phí về mặt kinh tế và làm các thành phố trở nên kém hấp dẫn hơn để sinh sống và làm việc.

Trong khi đó, người dân nông thôn đang ngày càng thua kém người dân đô thị về thu nhập, tiếp cận dịch vụ, và vì vậy nhiều người chuyển ra thành phố sinh sống. Di dân có thể dẫn đến một số thách thức cho quản lý đô thị, nhưng đồng thời mang lại cơ hội để tăng cường sự năng động của lực lượng lao động. Hệ thống đăng ký hộ khẩu hiện tại của Việt Nam khiến cho người dân nhập cư chưa được hòa nhập một cách hiệu quả vào đô thị và qua thời gian có thể làm gia tăng tình trạng nghèo và bất bình đẳng đô thị.

Điều chỉnh vai trò quản lý đô thị

Chính quyền có thể nâng cao hiệu quả kinh tế của các đô thị bằng cách thực hiện các biện pháp hòa nhập người nhập cư vào cuộc sống đô thị, thông qua việc thay đổi hệ thống đăng ký hộ khẩu. Các chương trình nâng cấp và cải tạo đô thị có thể được triển khai nhằm tăng cường sinh kế và điều kiện sống cho các khu thu nhập thấp.

Bà Bùi Thị Mai, một chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ ở TP.HCM, hiểu rất rõ điều này. Bốn năm trước, hẻm 76 ở P.6, Q.4 rất chật hẹp, chỉ đủ một chiếc xe máy đi vào. Mỗi khi trời mưa con hẻm thường ngập nước, đầy rác và muỗi. Nhưng hiện nay sau khi được nâng cấp, cải tạo, con hẻm đã rộng hơn, sạch hơn và an toàn hơn. Xe tải có thể vào đến tận nhà bà Mai để đưa hàng. Thu nhập gia đình tăng lên đáng kể và cuộc sống đã được cải thiện.

Các thành phố cũng có thể giữ một vai trò lớn hơn trong quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân giàu mạnh, phát triển cụm doanh nghiệp để có thể hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, và cung cấp dịch vụ kho vận giúp nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh tăng trưởng. Toàn bộ quá trình này sẽ có tác động nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra một tầng lớp người tiêu dùng mới - tức là tất cả những yếu tố cần có của một thành phố sôi động tại các nước thu nhập cao.

Nhưng muốn quá trình đô thị hóa trở thành động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong vòng 20 năm tới, Việt Nam cần điều chỉnh lại vai trò của Nhà nước và của thị trường trong quản lý đô thị hóa. Đây là một số gợi ý để Việt Nam tham khảo:

* Tái tập trung vai trò và nâng cao năng lực nhà nước trong một số lĩnh vực mà chỉ có Nhà nước mới làm được, ví dụ tăng cường năng lực và điều phối quy hoạch đô thị (kể cả mảng thông tin và sử dụng đất), tài chính công, dịch vụ xã hội, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ thực hiện quy hoạch đô thị.

* Tái phân công trách nhiệm, đi kèm thẩm quyền và nguồn lực giữa các cơ quan trung ương, địa phương và chính quyền đô thị nhằm đảm bảo giải quyết vấn đề một cách tổng thể và đồng bộ thay vì bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ địa phương.

* Giảm bớt mức độ can thiệp và kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động mà thị trường có thể làm tốt hơn. Điều này đặc biệt cần trong thị trường yếu tố sản xuất, ví dụ như đất đai, nơi điều tiết theo các quy định thường làm méo mó thị trường. Giải pháp ở đây không phải là đề ra quy định mới mà là giảm kiểm soát.

Cần đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi

Việt Nam cần sắp xếp lại quá trình đô thị hóa để xây dựng những thành phố hiệu quả hơn - những thành phố có mật độ dân số vừa đủ, kết nối tốt trong nội bộ và trong vùng cũng như được quản lý tốt. Bên cạnh đó, để phù hợp với ưu tiên mạnh mẽ của Việt Nam trong đảm bảo công bằng xã hội, các thành phố cần đảm bảo rằng mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển, không một nhóm người hoặc khu vực nào bị bỏ lại phía sau.

AXEL VAN TROTSENBURG (phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên