11/01/2024 17:20 GMT+7

Nếu không có Trung tâm Võ Hồng Sơn, con tôi biết làm gì để sống

Trong căn nhà 'xã hội cho nhiều thứ' từ một con bò dự án đến gian nhà xây sau hợp khối với gian nhà xây trước, bà Phan Thị Cúc, 66 tuổi, nói: 'Không có Trung tâm Võ Hồng Sơn, thằng Phú con tôi biết làm nghề gì để sống'.

Phan Văn Phú (bìa phải) cùng các bạn ôn bài trong chi nhánh Trung tâm Võ Hồng Sơn ở Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP

Phan Văn Phú (bìa phải) cùng các bạn ôn bài trong chi nhánh Trung tâm Võ Hồng Sơn ở Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP

Điểm tựa duy nhất

Bà Cúc ở thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ, cách Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, cùng tỉnh Quảng Ngãi 50km với hai chặng xe buýt. Nhà bà bên cánh đồng lúa, cách quốc lộ 1A hơn 200m, nhưng sau 5 năm Trung tâm Võ Hồng Sơn mở cửa bà mới biết.

Bà kể Phan Văn Phú là con trai thứ hai, năm nay 26 tuổi, sinh ra đã câm điếc. Phú sống lủi thủi, mẹ sai gì làm đó, đưa tờ tiền Phú biết là tiền, nhưng không biết đó là tờ 10.000 hay 100.000 đồng.

Một lần mấy bạn con trai lớn của bà đến nhà chơi, bà hỏi ai biết nơi nào nhận Phú thì chỉ cho bà. Họ chỉ thị trấn Chợ Chùa. Nhà bà đưa Phú lên. Lúc này Phú đã 22 tuổi, quá tuổi làm học trò của trung tâm. Tuy nhiên, trung tâm phá lệ cho Phú học thử, làm thử.

Phú học chữ chậm nhưng học nghề may nhanh. Trung tâm chọn Phú là một trong tám học trò đầu tiên đưa từ Quảng Ngãi vào Củ Chi, TP.HCM học nghề nâng cao. Đến tháng 12 này, Phú đã vào Củ Chi tám tháng và đang chờ ngày trở về Nghĩa Hành hỗ trợ giáo viên hướng dẫn lại cho những bạn khác.

Cũng học chữ chậm nhưng học nghề nhanh, Nguyễn Thị Kim Ngân, 29 tuổi, ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, vào trung tâm trước Phú nhiều năm và được giữ lại làm nhân viên hỗ trợ. 

Nở nụ cười sáng trưng với hàm răng trắng muốt, Ngân vừa múa dấu (ngôn ngữ ký hiệu) cho biết "lương" của Ngân hiện là 4 triệu đồng và Ngân muốn làm ở trung tâm cho đến tuổi về hưu.

Những người như Phú, Ngân đã thắp lên hy vọng cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Danh ở thị trấn Chợ Chùa.

Con gái ông bà là Nguyễn Ngọc Ti Na đến 6 tuổi chưa biết nói, chưa một lần gọi ba mẹ. Lúc Ti Na 6 tuổi, ông bà đưa con đến Trung tâm Võ Hồng Sơn dự tuyển.

Hội đồng xét tuyển của trung tâm có bác sĩ tâm thần xác định Ti Na mắc chứng tự kỷ, nhận Ti Na vào dạy. Ba tháng sau, lần đầu tiên ông bà nghe Ti Na gọi ba mẹ...

Trên khuôn mặt khó tìm ra nụ cười, bà Danh nói: "Ngoài Trung tâm Võ Hồng Sơn, tôi không biết gởi Ti Na đi đâu".

Ti Na nay 8 tuổi, đã tự đi vệ sinh, chịu chơi với nhiều người, thay vì chỉ tự chơi với mình, đã biết hỏi mẹ có đau không khi thấy tay bà Danh dán băng y tế. Nhưng Ti Na vẫn chưa thể cảm nhận hết nỗi buồn vô hạn của ba mẹ khi biết con mình mắc chứng tự kỷ.

Trong phòng khách nhà bà Danh treo một tấm màn nhỏ vuông góc với cửa sổ. Sau tấm màn là một bàn thờ nhỏ đặt tấm hình họa một bé trai tầm 5 tuổi. Đó là em của Ti Na, chết cách đây vài tháng sau hai năm vật vã với bệnh ung thư. Giờ ông bà chỉ còn Ti Na và mắt bà Danh sáng lên khi nói: "Tôi chỉ mong nó được học nghề ở trung tâm để có cái gì đó mà làm".

Ngoài bà Danh, hàng trăm phụ huynh khác cũng đang hy vọng con em mình sẽ được học chữ, học thành nghề từ Trung tâm Võ Hồng Sơn.

Điểm tựa lâu dài

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM

Mỗi năm học trung tâm có sĩ số xấp xỉ 140 học sinh. Học sinh ở gần, buổi sáng cha mẹ đưa đến, sau bữa cơm chiều đón về. Học sinh ở xa ở lại trường từ đầu tuần đến chiều thứ sáu mới về. Học sinh ăn ở, vui chơi, học chữ, học nghề hoàn toàn không tốn tiền.

Suốt 9 năm qua, trung tâm đã không phụ kỳ vọng của phụ huynh. Vậy, trung tâm sẽ đáp ứng như thế nào trước kỳ vọng ngày càng cao lên?

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, giám đốc trung tâm, khẳng định sau 8 em đầu tiên, năm học tới trung tâm sẽ đưa chừng 10 học sinh lớp 5 vào chi nhánh TP.HCM. 

Theo bà Thu Hà, TP.HCM có môi trường cọ xát nhiều hơn giúp các em nâng cao mình lên để học lấy ít nhất là bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và bằng trung cấp nghề ở các đơn vị dạy nghề.

Bà Thu Hà nói dạy trẻ khuyết tật học thành nghề và sống được với nghề là mục tiêu xuyên suốt của trung tâm. Muốn vậy, phụ huynh hãy ráng nhắc nhở, động viên con em học chữ, đừng khoán trắng cho trung tâm. Bà Hà cũng tiếp tục đi vận động các nhà hảo tâm tài trợ, đồng thời trung tâm cố gắng tạo ra thu nhập.

Như vậy, những người cùng tình cảnh với bà Nguyễn Thị Danh đã có điểm tựa dài lâu!

Ông Võ Hồng Sơn là phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho đến năm 2007. Ông mất khi đương chức. Lúc còn sống, ông mong ước mở trường dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại quê nhà.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM. Năm 2014, trên đất nhà chồng tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, bà Thu Hà cho khởi công và đưa Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đi vào hoạt động. Năm 2022, trung tâm mở chi nhánh tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Chi phí hoạt động của trung tâm chủ yếu do các nhà hảo tâm tài trợ và một phần từ gia đình ông bà Võ Hồng Sơn - Nguyễn Thị Thu Hà.

Những tấm ảnh sẽ khiến ta nghĩ khác về người khuyết tậtNhững tấm ảnh sẽ khiến ta nghĩ khác về người khuyết tật

Hình ảnh những bạn trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ chơi đùa tại sân chơi trong vườn rừng bên bờ sông Hồng (Hà Nội) toát lên vẻ rạng rỡ hạnh phúc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên