19/12/2015 11:20 GMT+7

Ngày ấy ở rừng

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG

TT - 18-12, sáng cuối năm mờ hơi sương, những vòm lá xanh của cánh rừng Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh xao động: 140 “người Mặt trận” xưa đang bồi hồi trở về.

Các lãnh đạo, cán bộ thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam thăm nhà lưu niệm cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tại khu lưu niệm Trung ương cục miền Nam tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Tự Trung
Các lãnh đạo, cán bộ thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam thăm nhà lưu niệm cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tại khu lưu niệm Trung ương cục miền Nam tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Tự Trung
“Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chính là ngọn cờ tập hợp lực lượng, vì dù lợi ích của mỗi tầng lớp xã hội khác nhau song đều thống nhất trên cơ sở độc lập dân tộc. Vấn đề dân tộc là vấn đề trung tâm. Đảng chỉ có thể huy động được lực lượng dân tộc khi chính mình trở thành dân tộc. Vấn đề dân tộc phải đi chung dòng với dân chủ, hòa bình, thống nhất đất nước, gắn với mục tiêu “vì tự do và hạnh phúc”
LS Nguyễn Hữu Thọ

Họ thắp lên những nén nhang tưởng nhớ, hát lên những khúc hát hun đúc lòng người và kể những câu chuyện của tuổi 20.

Đã 55 năm từ ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960 - 20-12-2015) ra đời.

Tuổi trẻ và cách mạng

“Rừng xanh ôm ấp bao người con/ Xả thân chiến đấu vì nước non/ Sốt rét đạn bom bao gian khổ/ Mà lòng yêu nước vẫn sắt son/ Năm lăm năm tôi đã về đây/ Chiến khu ghi dấu ở chốn này/ Mặt trận giải phóng còn sống mãi/ Với hồn Tổ quốc với rừng cây...” - ông Hồ Hữu Nhựt cao hứng ngâm nga.

Ngày ấy vào rừng, được bầu làm thứ trưởng Bộ Giáo dục và thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bên cạnh những công việc phục vụ chương trình của Mặt trận, điều ông Nhựt nhớ nhất là những bữa cơm, bữa cháo cả chủ tịch, bộ trưởng và lính cùng ăn chung, chia nhau từng chén.

Những căn nhà lá trung quân lấp ló dưới tán lá, chưa kịp hiện ra mọi người đã ồ lên chỉ cho nhau: “Đây nhà kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, đó nhà bác sĩ Phùng Văn Cung kìa...”.

Bà Trần Diệu Thiện không nhớ đây là lần thứ mấy mình trở lại nơi này. Đi lại trong rừng như đi trong vườn: “Tôi lên đây hoài, khi có đợt tìm kiếm hài cốt đồng đội thì đi thường xuyên. Mỗi lần về đây lại có cảm giác như về nhà. 15 tuổi tôi đã lên ở đây rồi, phần lớn tuổi trẻ của tôi ở đó”.

15 tuổi, Diệu Thiện sống đời thiếu nữ cùng gia đình tại Campuchia. Một bữa chị gái rủ đi chơi, Diệu Thiện hồ hởi gật đầu. Hai chị em đi đò tới biên giới Việt Nam - Campuchia thì bắt đầu đi bộ cùng các chị em khác.

Họ đi ban đêm, ban ngày ghé nhà dân nghỉ, học cách nấu cơm bằng trấu. Vừa đi vừa nghỉ như vậy ròng rã một tháng trời thì vào tới trụ sở Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Diệu Thiện mới biết chị rủ mình đi làm cách mạng.

“Chị tôi giải thích: nước nhà đang bị ngoại xâm, dân ta phải đoàn kết hợp sức lại. Sức chị em mình có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu đặng mà cứu nước”. Thế là Diệu Thiện gật đầu ở lại.

Thiện với hơn chục người cùng “đi chơi” đợt đó được học chính trị, bắt đầu cuộc sống với anh em, đồng chí, được giao việc dạy học cho những em nhỏ người Ê đê, Ba Na, Mơ Nông...

Bà Thiện kể: “Từ nhỏ tới lớn ở Campuchia, cha làm cai thầu xây dựng, gia đình khá giả nên chị em tôi ít phải chịu cực khổ.

Dấn thân làm cách mạng thì thấy cái gì cũng mới mẻ và vất vả quá chừng, nhưng nhìn các chú các bác lãnh đạo Mặt trận toàn là trí thức mà dám từ bỏ vinh hoa, phú quý, vào rừng đồng cam cộng khổ vì lý tưởng nên chúng tôi tự bảo với lòng: khó khăn nào cũng phải vượt qua”.

Các cô gái tiểu tư sản ấy đã biết nấu những bữa ăn không muối, không gạo, tự đào sâu gần ba thước đất để tìm củ nần, củ chụp ăn qua bữa.

Mỗi người hai bộ đồ đen từ lãnh đạo tới cán bộ cấp dưới, ngày nào cũng gặp máy bay B52 lượn trên đầu, bom pháo cày dưới đất...

Bà Thiện kể từ chú Tám (tức Chủ tịch chính phủ lâm thời Huỳnh Tấn Phát) đến bác Hai Thủy (ông Nguyễn Hữu Thọ) đều rất hiền lành, họ hay nhắc lớp cán bộ trẻ: “Làm mặt trận là tập hợp lực lượng, tạo sự thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc để lập lại hòa bình, thống nhất đất nước nên đầu tiên anh em, đồng chí trong cơ quan này phải thật yêu thương, đoàn kết với nhau”.

“Lần nào trở lại chốn này, nghĩa tình đồng đội cũng sống dậy trong lòng tôi...” - bà Trần Thị Nga nói.

Bà Nga cũng là Việt kiều Campuchia. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bà và nhiều người Việt ở Campuchia đã vượt biên giới trở về, thực hiện đúng tinh thần “siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”.

Bà nhớ lại: “Ngày đó ai ai cũng vào rừng tràn đầy khí thế. Việt kiều từ Campuchia xuống, dân ở đồng bằng sông Cửu Long lên. Trí thức, sinh viên, học sinh, công nhân, nông dân đủ cả... Mỗi ngày gặp thêm những người mới, chúng tôi lại mừng: có thêm người tham gia là hòa bình gần lại”.

Lựa chọn một đời

“Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất tổ quốc!”, nguyện vọng của hàng triệu người dân Việt Nam miền Nam, miền Bắc trong khói lửa chiến tranh đã được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đề ra làm chủ trương hành động của mình.

Vì vậy mà hàng triệu người đã nô nức gia nhập Mặt trận dù Mặt trận, Chính phủ ở giữa rừng sâu, dưới đạn bom.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nhớ rất rõ sự lựa chọn nghịch với nhiều người trong gia đình khiến bản thân năm lần bảy lượt bị bắt, bị giam, bị lỡ thi, ngưng học hồi đó: “Giữa chiến tranh chúng tôi chọn hòa bình, giữa chính phủ phụ thuộc nước ngoài chúng tôi chọn độc lập, giữa các chủ thuyết chúng tôi chọn nguyện vọng của nhân dân”.

Từ đó ông trở thành “người Mặt trận”, chủ tịch đầu tiên của Tổng hội sinh viên Sài Gòn, và những lựa chọn ấy đến bây giờ vẫn còn là lựa chọn sáng suốt của cả đời.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Thái Hòa, con trai ông, chia sẻ: “Câu chuyện về tuổi trẻ của cha mẹ tôi, lý tưởng của cha mẹ tôi đã là cái neo để tôi chọn trở về Việt Nam sinh sống và làm việc sau khi đi học, đi làm và có cơ hội ở những thành phố phát triển nhất thế giới.

Tôi mơ giấc mơ Việt Nam cất cánh, vươn đến đỉnh cao và giấc mơ ấy đã bắt đầu từ cha tôi, từ những hành động, lý tưởng của những người thuộc thế hệ của ông”.

“Đoàn kết, đại đoàn kết” là từ được nghe thấy lặp đi lặp lại nhiều nhất trong câu chuyện giữa mọi người những ngày họp mặt kỷ niệm 55 năm thành lập Mặt trận. Từ bà Bảy Ngô Thị Huệ, ông Chín Phan Minh Tánh đến những người thuộc lớp cháu con của “người Mặt trận”.

Ông Nguyễn Hữu Châu nhắc lại lời của cha mình, chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là yếu tố quyết định sự sinh tồn của dân tộc”.

Ông Kiều Xuân Long nhắc đi nhắc lại hòa bình đã lập lại rồi, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng phần lớn nội dung chương trình 10 điểm của Mặt trận đề ra lúc đó vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ.

Chương trình 10 điểm của MTDTGPMNVN

- Thành lập chính quyền liên minh, dân tộc dân chủ

- Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ

- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện 

dân sinh

- Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng

- Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ

- Xây dựng quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân

- Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào

- Thực hiện chính sách ngoại giao, hòa bình trung lập

- Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc

- Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên