15/03/2023 15:12 GMT+7

Nhu cầu tiêu thụ thấp, giá thịt heo chìm sâu dưới đáy

Giá thịt heo hơi cả nước tiếp tục giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3-2023 do mức tiêu thụ thấp, nguồn cung dồi dào.

Nhu cầu tiêu thụ thấp, giá thịt heo chìm sâu dưới đáy - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu thụ thấp, giá thịt heo ở mức thấp trong nhiều tháng qua - Ảnh: NAM TRẦN

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tháng 2 vừa qua, giá heo hơi trên cả nước giảm do mức tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung dồi dào.

Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, heo hơi xuất chuồng giảm về mức 49.000 - 51.000 đồng/kg, miền Trung và Tây Nguyên dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg. Còn miền Nam ở mức 51.000 - 53.000 đồng/kg.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online nửa đầu tháng 3, giá heo hơi ở miền Bắc tiếp tục xu hướng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Cụ thể, giá heo hơi ngày 13-3 tại Yên Bái và Lào Cai bán ra cùng ở mức 46.000 đồng/kg. Tại Nam Định bán ra ở mức 47.000 đồng/kg.

Cùng lúc, thương lái tại các địa phương bao gồm Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nội vẫn giao dịch heo hơi ở mức 49.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại đang thu mua với giá 47.000 - 48.000 đồng/kg.

Trong tháng 2, giá gà thịt lông màu ngắn ngày ở cả miền Bắc, Trung và Nam đều giảm 8.000 đồng/kg, xuống mức 33.000 - 34.000 đồng/kg. Nguyên nhân do hết mùa lễ hội, sức tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn giảm trong khi nguồn cung ở mức cao.

Giá gà công nghiệp ở miền Trung giảm 3.000 đồng/kg, xuống còn 23.000 đồng/kg. Riêng miền Bắc lại tăng 1.000 đồng/kg, lên 30.000 đồng/kg, miền Nam tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên mức 23.000 đồng/kg. 

Với mức giá này, người chăn nuôi gà đang chịu lỗ khá nặng.

Trong khi đó, giá trứng gà miền Bắc ở mức 1.750 - 1.850 đồng/quả, miền Trung giảm còn 1.650 - 1.850 đồng/quả, miền Đông Nam Bộ giảm xuống mức 1.900 - 2.000 đồng/quả, miền Tây Nam Bộ ổn định ở mức 1.800 - 1.900 đồng/quả.

Ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết thời gian qua, ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (AFS), dịch bệnh COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu trên toàn cầu, dẫn tới chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục.

Trong khi đó, giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường giảm rất mạnh, gây thua lỗ lớn cho toàn ngành.

Cụ thể, giá heo hơi tại Việt Nam hiện giảm mạnh về mức 45.000 đồng/kg tại miền Bắc và 47.000 đồng/kg tại miền Nam, trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000 - 55.000 đồng/kg.

"Một con heo xuất chuồng, các doanh nghiệp và người chăn nuôi đang lỗ tới gần 1 triệu đồng. Chưa kể, giá gà, vịt, trứng, thủy sản cũng rất thấp khiến cho người chăn nuôi và doanh nghiệp bị lỗ rất nhiều" - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ.

Trước tình hình này, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để "cứu" ngành chăn nuôi trong nước.

Hiện tổng đàn heo cả nước khoảng 26 triệu con heo thịt.

Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn, tăng từ 5 - 5,5% so với năm 2022.

Trong đó, sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.

Năm 2022, Việt Nam chi khoảng 1,5 tỉ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm 2021.

Tuy nhiên, hai tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù lượng thịt nhập khẩu về giảm mạnh, song chuyên gia dự báo ngành chăn nuôi năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao, trong khi giá thịt gà, thịt heo lại có xu hướng giảm vì sức tiêu thụ chậm.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhận định, phải đến đầu quý 2-2023 nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý 3-2023.

Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại, giúp sức tiêu thụ tăng lên.

Thịt heo không an toàn vẫn lọt vào chợThịt heo không an toàn vẫn lọt vào chợ

TTO - Cả nước hiện còn trên 22.000 điểm giết mổ heo nhỏ lẻ, tự phát. Do đó khó có thể truy xuất được hết nguồn gốc thịt heo trên thị trường. Từ đó, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên