19/11/2023 09:16 GMT+7

Những cô giáo khai mở tiếng nói cho trẻ chậm nói

Các cô là những người có tình yêu trẻ vô bờ bến, sự kiên nhẫn và sự sáng tạo không ngừng vì những tiếng ê a đầu tiên cho những trẻ chậm nói.

Cô Trường Thơ giao tiếp với trẻ trong tiết dạy - Ảnh: NVCC

Cô Trường Thơ giao tiếp với trẻ trong tiết dạy - Ảnh: NVCC

Có dịp bước chân vào một số trung tâm hỗ trợ giáo dục có chức năng can thiệp trẻ chậm nói tại TP.HCM, thoạt tiên chúng tôi ngỡ đây như một ngôi trường mầm non bình thường, nơi các cô giáo và học sinh vẫn học tập, chơi đùa cùng nhau.

Nhưng để ý kỹ hơn sẽ cảm nhận được dường như những học sinh ở đây có tốc độ phản hồi rất chậm, có vẻ thờ ơ với âm thanh xung quanh hoặc gần như không có sự phản hồi nào dù cô giáo huyên thuyên trò chuyện.

Những trường hợp khó là các em không thể hiện sự tương tác với thầy cô. Các em như có một thế giới riêng. Giáo viên tự động viên là đến một ngày các em thể hiện được sự quan tâm đến những lời cô, đến một ngày các em sẽ cất lên tiếng nói.

Cô Kim Thanh (Trường giáo dục Tường Minh)

Nhẫn nại vì những trẻ chậm nói

Đứng trước sự thờ ơ có phần không mấy dễ chịu với những người lần đầu tiếp xúc, các cô giáo vẫn giữ được sự điềm đạm và nhẫn nại với các con.

Như cô Kim Thanh (31 tuổi) tại cơ sở quận Tân Bình của Trường giáo dục Tường Minh, trong suốt buổi dạy vẫn kiên trì đều đặn lặp lại những câu nói, bài giảng, trò chơi với các em.

Mục tiêu là cố gắng hướng sự tập trung của học sinh đến âm thanh và cử chỉ của giáo viên, qua đó kích thích năng lực phản xạ và phát âm. Từng biến chuyển nhỏ nhất trong hành vi của học sinh đều được các cô để ý.

Cô Thanh tâm sự những cố gắng tiếp xúc bằng lời nói và trò chơi với các em sẽ được lặp đi, lặp lại không chỉ một hai tuần mà thời gian thường phải tính bằng tháng. Có khi hai ba tháng trời cứ ngó nhìn đâu đâu. Bốn tháng rồi năm tháng, có bé vẫn chưa chịu mở lời bập bẹ. Không ít trường hợp đến nửa năm.

Trong khi đó, cô Hồ Ngát (27 tuổi) chia sẻ can thiệp chậm nói sẽ cần phối hợp nhiều hoạt động, không chỉ liên quan đến nghe - nói. Một số trò chơi vận động chéo, vận động thăng bằng cũng sẽ kích thích hệ thần kinh của các em.

Giáo viên còn phải giúp các em tham gia các bài tập điều hòa cảm giác, massage mặt, massage môi, tập cơ miệng... "Với mỗi hoạt động, chúng tôi đều cố gắng nói chuyện với các em nhiều nhất. Các em không nói lại thì cũng không được nản", cô Ngát nói.

Xúc cảm thiêng liêng

Khi hoàn thành chương trình cử nhân văn bằng 2 ngành tâm lý học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường Thơ (26 tuổi) ban đầu dự định sẽ học lên thạc sĩ để thực hành chuyên môn tâm lý trên người trưởng thành.

Cơ duyên đến khi một lần được tiếp xúc với trẻ chậm nói, Thơ vô cùng xúc động trước sự dễ thương, đáng yêu của các bé và cũng cảm thông hoàn cảnh các bé gặp phải. Càng tiếp xúc, Thơ càng thấy mình yêu trẻ đến nỗi mỗi thay đổi trong ánh mắt, âm thanh của các em cũng khiến bạn hạnh phúc.

Mới đây, Thơ nhận dạy một bé lúc đầu như tờ giấy trắng, không ngó nhìn ai, không tương tác và tất nhiên là không nói một lời. Vào giờ học, bạn cứ nhìn xa xăm.

Cứ kiên trì tiếp xúc và tìm hiểu bé, sau hai tháng, Thơ nhận thấy bé bắt đầu nhìn cô nhiều hơn. Rồi các em biết nghe những yêu cầu đơn giản của cô như "Vào bàn ngồi", "Ngồi bẹp", "Cất đồ", "Lượm đồ", "Xòe tay"... "Biết nghe là một bước tiến lớn trước khi các em có thể nói", Thơ chia sẻ.

Với cô Kim Thanh, vào nghề đến nay đã sáu năm nhưng vẫn nhớ như in khoảnh khắc đầy xúc cảm khi học trò đầu tiên của mình cất tiếng nói. Lúc đó, học sinh này khoảng 4 tuổi nhưng chưa nói được. Suốt năm tháng trời lặp đi lặp lại các hoạt động giao tiếp, các trò chơi, cháu vẫn chưa thấy tiến triển. Gia đình cũng sốt ruột...

Cho đến một buổi chiều mưa, cô Thanh đi đóng cửa sổ và buột miệng nói: "Trời mưa" thì bỗng nghe em lặp lại: "Trời mưa".

"Lúc đó tôi mừng muốn rơi nước mắt vì bao nỗ lực của mình đã được đền đáp. Sau đó ít lâu, em còn biết nói tên tôi, dù vẫn còn ngọng một xíu, cứ kêu "cô Tanh", "cô Tanh". Nhưng chỉ như thế cũng đã làm tôi hạnh phúc", cô Thanh kể.

Trong khi đó, cô Hồ Ngát tâm sự ngoài sự kiên nhẫn, làm giáo viên can thiệp trẻ chậm nói rất cần một tình yêu thương với trẻ em đủ lớn.

Chỉ có tình yêu đủ lớn mới chạm được đến các em, khiến các em cũng có những cảm xúc tích cực ngược lại với các cô. Từ đó, các em dễ mở lòng và nhanh nói chuyện.

Cần thêm sự sáng tạo

TS Ngô Xuân Điệp - nguyên trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng trong quy trình can thiệp trẻ chậm nói, những giáo viên đóng vai trò tiên quyết.

Sau khi chuyên gia thăm khám và đưa ra lộ trình can thiệp với từng bé, chính các giáo viên này là những người trực tiếp theo sát với các em và thực hiện lộ trình ấy.

Theo TS Ngô Xuân Điệp, trong quá trình này, các giáo viên sẽ luôn đòi hỏi phải sáng tạo bởi trường hợp mỗi trẻ không giống nhau.

Giáo viên sẽ cần linh động trong quá trình tương tác, cốt yếu tìm ra đâu là những sở thích, mối quan tâm để tiến hành những bước can thiệp tiếp theo. Chia sẻ cùng sở thích, mối quan tâm với trẻ cũng giúp các em có động lực cất tiếng nói hơn.

Mong sự đồng hành của phụ huynh

Cô Hồ Ngát tâm sự hầu hết phụ huynh đưa con đến những trung tâm hỗ trợ giáo dục để can thiệp trẻ chậm nói đều có chung mong muốn con nhanh chóng nói được. Tuy nhiên, sự tiến bộ của các em còn có một phần tác động rất lớn từ phía phụ huynh trong quá trình giao tiếp với con ở nhà.

Cô giải thích ngày nay nhiều cha mẹ không dành đủ thời gian cho trẻ ở nhà, có người cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ khi còn quá nhỏ. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến một số trẻ chậm nói.

Vì thế, bên cạnh sự can thiệp ở trường, trung tâm, phụ huynh cũng cần tạo thêm môi trường tương tác với con ở nhà, nói chuyện nhiều hơn với con như một cách đồng hành cùng các cô để giúp các em phát triển ngôn ngữ nhanh hơn.

Tiết mục đặc biệt mừng 20-11 của lớp học đêmTiết mục đặc biệt mừng 20-11 của lớp học đêm

Mấy đêm vừa rồi, vừa hết giờ học là khoảng 20 em học sinh của lớp học tình thương vội vã xếp tập sách, bàn ghế, dành những khoảng trống để tập múa, tập hát mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên