10/08/2023 10:43 GMT+7

Những người góp phần bảo vệ hành tinh - Kỳ 2: Tôi và bạn cùng có trách nhiệm

Trong một buổi nói chuyện trên mạng truyền thông TED, nhà phát minh gốc Úc Saul Griffith muốn khán giả thấy lựa chọn của một cá nhân có thể tác động đến hành tinh chúng ta như thế nào. Và người mà nhà phát minh muốn đề cập đến chính là bản thân ông.

Saul chế tạo chiếc xe tay ga chạy bằng năng lượng mặt trời có tên là Lightfoot - Ảnh: ABC

Saul chế tạo chiếc xe tay ga chạy bằng năng lượng mặt trời có tên là Lightfoot - Ảnh: ABC

Làm truyện tranh giúp trẻ nhận thức môi trường

Sau đó, trên sân khấu, với dáng người cao ráo cùng mái tóc nâu hạt dẻ, ông chiếu lên màn hình một biểu đồ lớn với những thông số tính toán lượng khí thải carbon của mọi hành động trong cuộc sống của ông.

Là người sáng lập công ty năng lượng gió và chuyên đi lại bằng xe đạp, Griffith vẫn cảm thấy xấu hổ khi phát hiện mình đang tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với một người Mỹ bình thường. "Tôi đã nghĩ mình là người đi đầu phong trào về môi trường, nhưng sự thực không phải", ông không ngại nói sự thật.

Kể từ cuộc nói chuyện trên TED hơn 10 năm trước, phòng thí nghiệm của Griffith ở San Francisco đã thu hút được 100 triệu đô la vốn từ các nhà đầu tư và tách ra hàng chục công ty.

Là một sinh viên tốt nghiệp tại Học viện Công nghệ Massachusetts và có bằng tiến sĩ, vào năm 2004, ông cùng một sinh viên khác đã tạo ra Howtoons - bộ truyện tranh dạy trẻ em cách "hô biến" những đồ vật hằng ngày thành những phát minh thú vị, bao gồm cả động cơ điện. 

Trong truyện, một cậu bé tưởng tượng viễn cảnh tương lai, nơi cậu có thể đến trường bằng chiếc ròng rọc treo trên dây cáp, thay vì phải chịu đựng "chiếc xe buýt trường học ám mùi hôi" suốt chặng đường dài.

Shuguang Zhang, một trong những giáo sư của ông tại M.I.T., đã nhận xét: "Saul đã trăn trở về cách mà mỗi cá nhân tác động lên năng lượng từ rất sớm, thậm chí trước cả khi mọi người chú ý đến nó".

Người đàn ông ngoài tuổi 50 này từng giành được khoản trợ cấp "thiên tài" MacArthur vào năm 2007 cho những phát minh "vì lợi ích chung toàn cầu", từ cách để hệ thống xử lý nước ở gia đình đầy mới lạ đến loạt phim hoạt hình giáo dục dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, ông cũng đã dành hơn một thập niên qua để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua công nghệ.

Và giải pháp mà nhà phát minh này hướng đến chính là điện khí hóa hàng loạt.

Nhóm của Saul (Electrify 2515) đã thuyết phục 1.500 hộ gia đình điện khí hóa ngôi nhà của họ và sử dụng năng lượng tái tạo - Ảnh: ABC

Nhóm của Saul (Electrify 2515) đã thuyết phục 1.500 hộ gia đình điện khí hóa ngôi nhà của họ và sử dụng năng lượng tái tạo - Ảnh: ABC

Khử thải carbon ngay ở từng hộ gia đình

Trong khi hầu hết các nhà bảo vệ môi trường nhắm đến ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch thì Griffith muốn khử lượng khí thải carbon cho từng hộ gia đình tại Mỹ. 

Griffith đã tính toán nhiều điều cho tham vọng của mình trên đất Mỹ: sẽ có khoảng 250 triệu ô tô chạy bằng xăng được điện khí hóa, khoảng 90 triệu mái nhà sử dụng năng lượng mặt trời và khoảng 120 triệu hộ gia đình sẽ thay thế mọi bếp gas, lò sưởi bằng các thiết bị điện. 

Bởi theo Griffith, các hộ gia đình là nguồn phát thải lớn, và vấn đề ấy đòi hỏi phải có cách để thay thế hoàn toàn các thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong gia đình. Nếu không, những nỗ lực để đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng không sẽ chẳng đi đến kết quả nào.

Otherlab, nhóm tổ chức do Griffith đồng sáng lập hơn một thập niên trước, là nơi các nhà khoa học, kỹ sư, thậm chí là doanh nhân, đang cố gắng tìm cách ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Một trong những dự án hiện tại của nhóm nhằm mục đích thiết kế lại nền tảng điện gió hoàn toàn ở ngoài khơi. 

Một nhóm nhỏ khác đảm nhiệm việc thiết kế bộ xe tay ga chạy bằng năng lượng mặt trời để trình làng trong thời gian sớm nhất. Họ cũng tạo ra một hệ thống theo dõi giúp các tấm quang năng đi theo quỹ đạo của mặt trời suốt cả ngày.

Joanne Huang (trưởng dự án đặc biệt) và Hans von Clemm (kỹ sư), đều làm việc cho Otherlab, đang nghiên cứu để thiết kế các khối mô-đun có thể xếp gọn gàng trong góc ga ra nhằm lưu trữ năng lượng dư ra từ hệ thống quang năng trên mái nhà. 

Các hệ thống sưởi ấm và lưu trữ đang được thử nghiệm ở một số ngôi nhà ở bang California, bao gồm của cả Huang. Hy vọng của họ là trữ được một số lượng điện từ các tấm pin mặt trời với chi phí thấp hơn nhiều so với pin lithium, từ đó giúp công nghệ này có thể tiếp cận được với nhiều người hơn. Các dự án của Otherlab đã nhận được khoản tài trợ từ phòng thí nghiệm nghiên cứu tiên tiến của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Hải quân Hoa Kỳ và NASA.

Bằng việc đi sâu hơn vào các mô hình sử dụng năng lượng trong quá khứ, nhóm Griffith đi đến kết luận: Cách để đạt được các mục tiêu về khí hậu và tiêu thụ ít hơn một nửa năng lượng so với hiện tại mà không buộc người Mỹ phải thu nhỏ nhà cửa hoặc xe hơi, sử dụng phương tiện công cộng hoặc ăn chay trường chính là điện khí hóa mọi thứ.

Vào năm 2020, Griffith bắt đầu lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên "Rewiring America" để thúc đẩy ý tưởng điện khí hóa hàng loạt. Ông đã có cuộc nói chuyện với các nhà lập pháp ở Washington, bao gồm cả thượng nghị sĩ Martin Heinrich, người đã đưa ra một nghị quyết tại Thượng viện Mỹ vào ngày 18-5, lấy cảm hứng từ các gợi ý của Griffith, đồng thời kêu gọi điện khí hóa rộng rãi ở các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Heinrich bày tỏ công nghệ hiện nay đã có đủ khả năng để hỗ trợ trong việc điện khí hóa, vì vậy Hoa Kỳ cần đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực này và đào tạo lực lượng lao động để biến mục tiêu thành hiện thực.

Khó khăn và hy vọng

Theo Washington Post, dù được nhận xét là một người đầy tài năng và có chí cầu tiến, điều đó không có nghĩa tất cả các dự án của ông đều mang lại kết quả như mong muốn. 

Năm 2006, Griffith đồng sáng lập công ty về năng lượng gió sử dụng diều có tên là Makani Power, có trụ sở tại một trạm hàng không hải quân cũ ở Vịnh San Francisco. Ý tưởng của nhà phát minh là sản xuất những con diều khổng lồ có thể bay đủ cao để đón những cơn gió mạnh cũng như ổn định nhất, từ đó tạo ra năng lượng sạch và bền vững.

Thật không may, giá thành cho năng lượng sản xuất từ tuốc bin thông thường đã giảm mạnh khi ngày càng có nhiều tuốc bin lớn hơn xuất hiện trên thị trường. Diều của Makani không đủ sức để cạnh tranh những đối thủ của mình. Tổ chức Google X đã mua lại Makani Power vào năm 2013 và đặt dấu chấm hết cho công ty này vào năm 2020.

Thất bại ấy không khiến Griffith chùn bước, mà ngược lại, ông càng đúc kết cho bản thân những bài học quý giá trên hành trình thay đổi cục diện về khí hậu và môi trường. 

Ông bộc bạch: "Tôi là một nhà khoa học, kỹ sư, nhà phát minh và đơn giản là một người cha với niềm mong muốn cho con mình được sống trong thế giới tốt đẹp hơn. Những dữ liệu thực tế đã thuyết phục tôi rằng có lý do để tôi tiếp tục nuôi giữ niềm hy vọng".

Đó là hy vọng thế hệ tương lai được sống trên hành tinh an toàn, trong lành. Và tương lai tốt đẹp đó đòi hỏi sự góp phần của tôi cùng các bạn ngay hôm nay...

Trong khi nhiều nhà hoạt động vì môi trường chỉ chăm chăm vào viễn cảnh có phần ảm đạm cho Trái đất, Griffith lại tin rằng vấn đề biến đổi khí hậu có thể giải quyết được và ông vẫn đang hy vọng về một tương lai khả quan hơn những gì chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. "Saul luôn cố gắng trả lời các thắc mắc của chính mình: Làm thế nào để tôi có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn thu hút được sự quan tâm nhiều người nhất? Làm cách nào tôi có thể trò chuyện với những người mà công nghệ mới thường không tiếp cận được?", Huang chia sẻ.

--------------

Chỉ phút chốc, người thanh niên này mất nhiều bạn bè và người thân vì trận sạt lở đất. Từ đó, anh quyết tâm phải kêu gọi trồng thêm cây, thay vì cứ chặt chúng.

Kỳ tới: Hãy trồng thêm cây xanh, thay vì cứ chặt

Những người góp phần bảo vệ hành tinh - Kỳ 1: Chàng ngư dân Hy Lạp "đánh bắt rác" khỏi biển khơiNhững người góp phần bảo vệ hành tinh - Kỳ 1: Chàng ngư dân Hy Lạp 'đánh bắt rác' khỏi biển khơi

Tại sao chúng ta chỉ biết đánh cá mà mặc kệ biển cả ngày càng ô nhiễm? Tại sao chúng ta chỉ than khóc trước lũ quét và sạt lở làm chết người? Tại sao chúng ta chỉ biết buồn tiếc khi động vật hoang dã đang chết dần chết mòn trên hành tinh?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên