27/10/2014 15:20 GMT+7

Nửa đêm tát nước khỏi nhà

HỒNG NGỌC
HỒNG NGỌC

TT - Từ mùa mưa năm ngoái, người dân chúng tôi sống ở khu vực đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã gọi con đường này là “sông Chiến Lược”.

Lội nước cõng con đi học đã là chuyện thường xuyên của người dân sống gần đường Ấp Chiến Lược (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: N.H.
Lội nước cõng con đi học đã là chuyện thường xuyên của người dân sống gần đường Ấp Chiến Lược (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: N.H.

Cách đây vài năm, dù mưa lớn cỡ nào đi nữa thì sau cơn mưa chừng khoảng một giờ là đường Ấp Chiến Lược đã rút nước. Năm 2013, tình trạng ngập bắt đầu xuất hiện, dù chưa nặng nhưng người dân rất lo lắng.

Đã có chuyện một taxi chở khách vào đường Ấp Chiến Lược, do nước ngập sâu nên tài xế chạy vào đường hẻm mà lại đi vào đường kênh khiến xe và người lọt xuống kênh, may là người dân phát hiện nên lội nước kéo người trong xe lên bờ, còn xe thì đến sáng hôm sau mới cẩu lên.

Ngay cả người dân ở đây quen đường mà đi làm về tối lúc đường ngập cũng không biết chỗ nào là đường và chỗ nào là kênh, nên chuyện lọt xuống kênh xảy ra như cơm bữa. Sau những sự cố này, chính quyền địa phương có cho cắm mấy cây cừ tràm, đóng kèm vài tấm tôn sát mé kênh tránh cho người lọt xuống kênh.

Có mấy lần họp tổ dân phố nghe người dân kêu ca ngập quá, đại diện chính quyền địa phương nói do thi công mở rộng cầu Ông Búp nên tình trạng ngập nước là chuyện bình thường. Thôi thì người dân chỉ biết nghe và chịu đựng...

Mùa mưa năm nay, mức độ ngập còn nặng nề hơn năm trước. Cùng với dự án đường Tân Hóa - cầu Ông Buông - đường Mã Lò, con đường Ấp Chiến Lược thuộc P.Bình Trị Đông A dài bao nhiêu thì ngập hết bấy nhiêu sau những trận mưa.

Có nhiều lúc đường ngập sâu gần 1m, tạnh mưa cả một ngày đêm nước vẫn chưa rút hết. Nhà nằm ngay trên đường hoặc trong hẻm đều bị ngập, nhà nào có lầu còn ngủ được, nhà không có lầu kể như thức trắng đêm vì chỗ đâu mà nằm ngủ!

Cũng như nhiều người dân sống trên đường Ấp Chiến Lược, hôm nào chiều có mưa, thấy vợ hoặc con nhắn tin “gửi xe” là tôi rầu rĩ, bởi biết rằng nước đã ngập sâu rồi, xe máy không chạy vào nhà được.

Đi làm về tôi phải gửi xe ở nhà người quen cách nhà khoảng 500m rồi xắn cao quần lội bì bõm về. Đến nhà, người đã mệt lại thấy như muốn rũ ra khi nhìn “hồ nước” lai láng trong nhà. Phải đợi đến 1-2g khuya nước hơi rút, cùng lúc vợ chồng tôi thức dậy tát nước và dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà (đã được kê dọn lên cao trước khi mưa). Sáng hôm sau đường vẫn còn ngập, tôi lại phải xắn quần lội nước cõng con ra chỗ gửi xe để đưa con đến trường...

Nhiều lúc ngồi ăn cơm tối với nước ngập mênh mông trong nhà, tôi cố “lạc quan tếu” an ủi vợ rằng đôi khi nước ngập vào nhà cũng có cái hay, là ngồi ghế ăn cơm mà dưới chân có cá matxa chân còn gì bằng! (Vì nhà tôi có hòn non bộ có nuôi cá bảy màu, khi mưa ngập qua hòn non bộ thì các chú cá thoát ra ngoài bơi tung tăng khắp nhà). Nhưng “sống chung với nước ngập” hoài đã làm gia đình tôi mệt mỏi.

Nhiều người dân xung quanh có cửa hàng buôn bán còn khổ hơn, vì nước ngập đã cản trở việc làm ăn của họ. Lắm lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bán nhà đi nơi khác ở cho khỏe thân, nhưng vợ tôi còn lưỡng lự nên đành kéo dài cuộc sống ở đây.

Thôi thì ông trời hôm nào thương không mưa là khỏe, nếu hôm nào trời không thương cứ cho mưa ngập đường, ngập nhà thì vợ chồng tôi đành phải cùng nhau nửa khuya thức dậy ca bài “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”...

HỒNG NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên