17/05/2024 13:53 GMT+7

Với những cách làm khó hiểu, chúng ta đang chống ngập kiểu 'nghịch trời'

Chống ngập đang là nhiệm vụ quan trọng. Không riêng TP.HCM mà các tỉnh thành khác cũng đã, đang và sẽ đối mặt tình trạng này. Vậy cần những giải pháp nào?

Nước chảy như thác tại hẻm đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) khiến nhiều xe máy té ngã. Các bạn học sinh trường gần đó ra hỗ trợ người dân - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nước chảy như thác tại hẻm đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) khiến nhiều xe máy té ngã. Các bạn học sinh trường gần đó ra hỗ trợ người dân - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của tiến sĩ Phạm Sanh xung quanh vấn đề này.

Phải quý trọng cây xanh thật sự. Phải nghĩ cách thêm nhiều diện tích và không gian cho nước như công viên, kênh rạch.
TS Phạm Sanh

Mới trận mưa đầu mùa, dự án chống ngập đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức, TP.HCM mới khánh thành 20 ngày với bao kỳ vọng đã không phát huy hiệu quả như mong muốn.

Không chỉ ở TP.HCM, cả các thành phố lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Biên Hòa... và trên cả cao nguyên như Đà Lạt hay tận ngoài khơi xa như Phú Quốc, Côn Đảo cũng ngập.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới chạy đã ngập, ngập ơi là ngập.

Rất nhiều lý giải: do diễn biến khí hậu toàn cầu, mưa cực đoan, người dân thiếu ý thức... từ các cơ quan có trách nhiệm.

Nhưng có một lý do mà ít cơ quan có trách nhiệm thừa nhận: chúng ta chống ngập kiểu "nghịch trời".

Những cách làm khó hiểu

Đổ thừa cho trời đất: Các cơ quan chức năng hay viện lý do: mưa vượt cường độ thiết kế. Triều cường năm sau cao hơn năm trước. Nền đất các khu vực đô thị thấp, lại đang lún dần...

Vậy làm sao "bắt" ông trời phải mưa nhỏ hơn theo con số tính toán chủ quan của mình? Làm sao "bắt" triều cường chỉ được cao lên bao nhiêu đó, trong lúc kênh rạch sông ngòi ngày càng bị bồi lấp lấn chiếm thu hẹp lại, ít được nạo vét?

Cách làm khó hiểu: Lâu nay làm các dự án chống ngập chủ yếu dựa vào 2 quy hoạch. Một là quy hoạch 752 (2001), chủ yếu thoát nước mưa đô thị nghiêng về xây dựng và quy hoạch 1547 (2008) chủ yếu ngăn triều thoát lũ, nghiêng về ngành nông nghiệp thủy lợi.

Phạm vi khác nhau, mục tiêu khác nhau, tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau, số liệu thủy văn tính toán đầu vào khác nhau...

Không ai làm chống ngập theo kiểu cứ nêu lên số điểm giảm ngập và số điểm ngập phát sinh từng năm để báo cáo, mang tính đối phó.

Cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp: Có quá nhiều chuyên ngành như giao thông, thủy lợi, môi trường, xây dựng... cùng quản lý chuyện ngập.

Khi thành phố nào cũng ngập dai dẳng thì trách nhiệm chính là của chính quyền địa phương hay bộ chuyên ngành?

Chỉ có mỗi việc hố ga, kênh mương bị ngập, rác cản trở dòng chảy gây ngập mà nhiều năm nay, năm này qua năm khác, chưa có một giải trình trách nhiệm nào được đưa ra từ các đơn vị quản lý và những người có trách nhiệm...

Năng lực, kiến thức đội ngũ tư vấn: Năng lực thiết kế, tư vấn của chúng ta cần được xem lại. Dẫu mất lòng vẫn phải nói vì đây là "thủ phạm chính" gây ra hiện tượng tù mù trong chống ngập.

Quá tin vào đội ngũ tư vấn, chúng ta dễ dẫn đến chủ quan, không trân trọng thực tế, bỏ qua ý kiến người dân, nhiều khi phản khoa học.

Nước phun ở đường Võ Văn Ngân, nơi hệ thống thoát nước 248 tỉ đồng vừa khánh thành

Những việc cần làm ngay

Để giải quyết phần nào chuyện ngập kéo dài, có một số việc cần làm ngay:

Thứ nhất, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu thay thế gấp việc thiết kế thoát nước đô thị vì đã quá lạc hậu và nhiều rủi ro, hướng dẫn các địa phương thiết lập cốt xây dựng cho từng loại quy hoạch (phân biệt rõ cốt san nền và cốt xây dựng).

Tham mưu cho Chính phủ rà soát lại tất cả quy hoạch thoát nước đô thị trên cả nước, trước mắt tập trung chống ngập cho Hà Nội và TP.HCM.

Riêng tại TP.HCM, xem lại việc phân công và phối hợp giữa các lĩnh vực: xây dựng, môi trường, nông nghiệp và giao thông vận tải.

Nước ngập như sông trên đường Kha Vạn Cân (đoạn bên hông chợ Thủ Đức) chiều tối 15-5 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nước ngập như sông trên đường Kha Vạn Cân (đoạn bên hông chợ Thủ Đức) chiều tối 15-5 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thứ hai, TP.HCM nên nhờ tư vấn có kinh nghiệm thật sự (hay nhất là tư vấn nước ngoài) lập lại một quy hoạch thoát nước hoàn chỉnh, mang tính khoa học và khả thi cao; thay thế ngay hai quy hoạch thoát nước quá lỗi thời hiện nay, chưa ăn khớp về tần suất thiết kế, về số liệu đầu vào tính toán...

Đặc biệt thiết kế hệ thống thoát nước không có tính tích hợp toàn diện, thân thiện tự nhiên môi trường và quản lý rủi ro theo kinh nghiệm các đô thị thế giới, còn manh mún đơn giản.

Với một đô thị tầm cỡ TP.HCM, phải có chiến lược tầm nhìn bền vững, các kịch bản không bị ngập bởi các trận mưa có cường độ tính toán với chu kỳ ít nhất 50 - 100 năm.

Quan tâm đến thiết lập cốt xây dựng, tránh ngộ nhận với cốt san nền đã có lâu nay. Kiểm tra lại tính chính xác của hệ thống mốc lưới khống chế đo đạc và nghiên cứu quan trắc dài hạn vấn đề lún của TP.

Thứ ba, TP cần đánh giá lại hiệu quả các dự án chống ngập đã thực hiện thời gian qua, cái được cũng như cái chưa được, vừa rút kinh nghiệm cho các dự án sau này, vừa kiểm soát kết quả thực hiện.

Nên nhận dạng, chia nhỏ, phân tích rõ các nguyên nhân, nguyên nhân nào thật sự là nguyên nhân bản chất, nguyên nhân nào là hậu quả của nguyên nhân khác, để có giải pháp khắc phục, loại trừ từng bước.

Vẫn diễn ra cái cảnh trời mưa đất chịu, đến lúc đất không còn chịu nổi do bê tông phủ kín thì con người phải chịu vậy.

Đâu phải tiền "khủng" mới chống ngập hiệu quả

Đâu phải lúc nào cũng cần có tiền "khủng" mới chống ngập hiệu quả.

Đơn giản nhất là đặt các thùng rác dọc theo đường và dọn rác thường xuyên hố ga, nhiều năm qua vẫn chưa rõ ai làm và đơn vị nào chịu trách nhiệm.

Dự án chống ngập nhỏ mà minh bạch, hiệu quả thì các dự án "khủng" không lo gì không làm được bằng nguồn vốn xã hội hóa hoặc bằng các nguồn lực khác.

Ngay cả câu chuyện sử dụng các giải pháp mềm, thân thiện môi trường như vật liệu lát lề đường, hồ điều tiết mini, tăng diện tích cây xanh thảm cỏ... tốn bao nhiêu tiền đâu, nhưng chưa được quan tâm nhiều.

TP.HCM làm gì để ‘cứu’ môi trường nước, chống ngập?TP.HCM làm gì để ‘cứu’ môi trường nước, chống ngập?

Các giải pháp để môi trường nước tốt hơn đã được HĐND TP.HCM giải đáp trong chương trình Dân hỏi chính quyền trả lời với nội dung ‘Quản lý hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt’ diễn ra sáng 7-4.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên