19/10/2023 13:57 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ thêm về biện pháp chống ngập tại Đà Nẵng

Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến chia sẻ thêm về biện pháp 'dùng mỡ bò và bô' để chống ngập tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Tiến - phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - chia sẻ liên quan đến ngập lụt tại Đà Nẵng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Nguyễn Văn Tiến - phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - chia sẻ liên quan đến ngập lụt tại Đà Nẵng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp ứng phó với bão số 5 sáng 19-10, ông Nguyễn Văn Tiến - phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - chia sẻ liên quan đến các biện pháp chống ngập lụt tại Đà Nẵng.

Theo ông Tiến, trong buổi họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sáng 18-10, do thời gian gấp nên có thể ông nói chưa đúng và hết ý nghĩa của việc chống ngập ở Đà Nẵng nên gây hiểu nhầm.

"Tôi không có động cơ mục đích gì, do không có thời gian nên chưa nói đầy đủ, phân tích cặn kẽ. Tôi khẳng định rằng chính quyền địa phương từ cấp cơ sở, thành phố đến nhân dân và cộng đồng đã thực hiện rất tốt và chủ động ứng phó.

Qua đây, tôi chân thành xin lỗi những ý mà tôi có thể nói chưa đúng hoặc chưa hết ý nghĩa" - ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết trong đợt mưa lũ vừa qua, ông được cử đi kiểm tra tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế thì thấy hai địa phương này đều rất chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ theo đúng dự báo và đúng công điện chỉ đạo, hết sức tích cực, trách nhiệm.

"Đặc biệt như tôi nói ở Đà Nẵng, bí thư Thành ủy trực tiếp ra chỉ đạo để chống ngập, đưa những máy bơm đẩy nước ngập ra ngoài" - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, có rất nhiều nguyên nhân gây ngập lụt, như chúng ta đã thấy là do mưa cục bộ, mưa lớn đều trong nhiều ngày nên có thể nước dồn từ nhiều điểm vào khu vực đô thị.

"Tôi có đi kiểm tra tại một số điểm ngập lụt thì cơ bản nước đã rút, còn một số gia đình vẫn trong dạng ngập lụt. Địa phương có dẫn tôi đến một vài gia đình vừa kiểm tra, thăm thì tôi thấy các gia đình cơ bản không triển khai những tài liệu hướng dẫn về chống ngập lụt của văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai.

Qua buổi đó, tôi cũng hướng dẫn các gia đình phương pháp dân gian từng làm và thậm chí những người trong xóm làng, gia đình tôi cũng đã triển khai thực hiện", ông Tiến nói.

Các biện pháp ông Tiến đã hướng dẫn người dân như dùng phông bạt có độ chắc chắn cao cắm, áp vào nền, mép cửa và bờ tường.

Nếu còn thấm thì dùng đất sét viền xung quanh các mép bạt. Ngoài ra, người dân cũng có thể dùng một chút mỡ bò, bôi một lớp mỏng bên ngoài để chống thấm. Biện pháp này rất đơn giản, nhưng giúp ngăn được nước vào nhà.

"Khi ngăn được cửa rồi, còn nước từ cống thoát nước trong nhà vệ sinh tràn lên thì tôi hướng dẫn bà con lấy bô nước thải úp xuống, lấy đất sét viền xung quanh hoặc bôi một chút mỡ bò rồi úp vào chỗ nước thoát. Khi nước đẩy bô lên mình dùng vật nặng đè từ trên xuống thì không bị nước tràn vào.

Tôi thực tế đã hướng dẫn những gia đình ở Đà Nẵng vừa rồi mà tôi đã đến. Có những gia đình chịu thiệt hại rất lớn, tôi thấy có gia đình kinh doanh điện tử, một bên nhà ở đã ngập hết, một bên là kho chứa cũng ngập hết, trông xót xa trước thiệt hại rất lớn", ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cũng khẳng định việc chủ động của Đà Nẵng trong đợt mưa lũ vừa qua thì thấy được hiệu quả là có thiệt hại về ngập lụt nhưng thiệt hại về người tuyệt đối không có. Thực sự chính quyền, địa phương và TP Đà Nẵng phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng đã đáp ứng được an toàn, đặc biệt về người.

Mưa lớn làm các vùng lũ ở Đà Nẵng tái ngập, người dân lại kê đồ đạc lên caoMưa lớn làm các vùng lũ ở Đà Nẵng tái ngập, người dân lại kê đồ đạc lên cao

Mưa lớn từ đêm đến sáng 17-10 khiến ngập tại các vùng trũng ở Đà Nẵng tái diễn, ngay khi bà con mới chân ướt chân ráo về nhà dọn bùn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên