Vô số ngộ nhận trong một dự thảo nghị định

KTS Nguyễn Thu Phong 26/06/2004 22:06 GMT+7

TTCN - Chỉ cần đọc lướt qua các đề mục lớn của bản dự thảo, có thể nhận ra ngay vô số các ngộ nhận của cơ quan chấp bút: Bộ Xây dựng (BXD) có thể liệt kê ra như sau:

Phóng to
Đủ loại kiến trúc lai tạp đang mọc lên từng ngày trên đảo Cát Bà - một trong những hình ảnh về sự yếu kém trong quản lý xây dựng
TTCN - Chỉ cần đọc lướt qua các đề mục lớn của bản dự thảo, có thể nhận ra ngay vô số các ngộ nhận của cơ quan chấp bút: Bộ Xây dựng (BXD) có thể liệt kê ra như sau:

1. BXD là cơ quan đại diện cho nhà nước trên lĩnh vực đầu tư xây dựng, là một chủ đầu tư trong số các chủ đầu tư và không phải là chủ đầu tư duy nhất của nước ta dù nay là một chủ đầu tư loại lớn.

Với tư cách đó, BXD có quyền yêu cầu và đòi hỏi các đối tác của mình - các tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát - phải có những điều kiện mà BXD thấy cần thiết để đủ đáp ứng cho công việc. Thế nhưng, một khi BXD tự cho mình cái quyền áp đặt những yêu cầu và đòi hỏi của mình lên phạm vi toàn xã hội thì đó là sự ngộ nhận hoàn toàn. Sự ngộ nhận về chức năng tồn tại.

2. Về chức năng chính yếu, BXD là một cơ quan quản lý nhà nước nhưng việc thực thi chức năng này không thể không bị biến dạng, méo mó đi khi lại ôm vô số doanh nghiệp, từ thiết kế, qui hoạch, xây dựng đên sản xuất vật liệu... và trên thực tế hiện nay BXD đã trở thành một tập đoàn kinh tế với sự bảo trợ của vô số các vụ, viện của bộ hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Chủ trương lớn của Chính phủ về việc cổ phẩn hóa các doanh nghiệp quốc doanh dường như không ảnh hưởng đến lãnh địa này.

* Và BXD tự cho mình các quyền đặt ra những lề luật trong cái vùng mà bộ thống lĩnh. Đó là sự ngộ nhận thứ hai. Sự ngộ nhận về quyền lực trong một nhà nước pháp quyền.

3. Nắm trong tay hai trường đại học Kiến trúc Hà Nội và Kiến trúc TP.HCM - hai trường đào tạo kiến trúc sư chính thống và lớn nhất trong cả nước mà lẽ ra phải thuộc phần việc của Bộ Giáo dục - đào tạo, BXD tự thấy có quyền muốn các KTS làm gì, làm tới đâu thì tùy ý của bộ.

Một số các nội dung của dự thảo nghị định còn chung chung, chưa rõ ràng, hợp lý dẫn đến việc triển khai thực hiện một số lĩnh vực sẽ gặp khó khăn. Ví dụ, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, nhất là đối với khu vực nhà ở đơn lẻ do nhân dân tự xây.

Hiện nay, trong lĩnh vực này đang có rất nhiều vấn đề, thực trạng mà các qui định trong luật, nghị định chưa cụ thể hóa khiến các đơn vị tư vấn thiết kế nhà ở rất lúng túng khi giải quyết giao dịch với chủ nhà.

Khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực nhà ở được giải quyết ở cấp chính quyền địa phương thì thường có lời khuyên “tự hòa giải” là chính. Việc không thống nhất trong các điều khoản chi tiết của giai đoạn tư vấn thiết kế xảy ra thường xuyên, vì vậy một dự thảo nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực sẽ gây khó khăn cho các đơn vị chuyên môn khi thực hiện.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần phân tích rõ hai nội dung là phân cấp, phân hạng các mức độ hành nghề KTS giống như một cơ chế xin – cho! Không có các điều kiện, cơ hội và sự hỗ trợ KTS thi thiết kế, thể hiện năng lực để nâng cấp. Việc phân cấp tổ chức hành nghề như trong dự thảo là chưa hợp lý, chưa công bằng, chỉ tạo ưu thế cho các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Tấm bằng quốc gia trở thành vô nghĩa và nhỏ bé hơn nhiều so với tấm giấy chứng chỉ hành nghề do một cơ quan địa phương cấp. Điều đó cho ta thấy rằng một cơ quan cấp địa phương trong hệ thống hành chính của bộ lại có quyền lớn hơn một thực tế được công nhận ở cấp quốc gia. Đó là sự ngộ nhận thứ ba: sự ngộ nhận về quyền công dân, quyền lao động của con người.

Trên báo chí, trên diễn đàn Quốc hội vấn đề thất thoát và tham nhũng trong xây dựng bằng tiền nhà nước luôn được đặt ra ở mức báo động, báo động dài dài và sẽ còn tiếp tục báo động không biết cho đến bao giờ... và tệ trạng này sẽ không bao giờ chấm dứt nếu không chỉ ra được đâu là nguyên nhân và cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.

Có lẽ sự tồn tại này bắt nguồn từ sự tồn tại của ba điều ngộ nhận như nêu trên và cũng có lẽ hơn ai hết BXD muốn kéo dài sự hợp thức hóa tình trạng này bằng bản dự thảo nghị định không có chút hướng tới sự đổi mới mà trái lại chứa đầy những nội dung chi li rối rắm chỉ nhằm cố ý nâng cao và luật hóa các cơ chế xin, cho lỗi thời và củng cố thêm những điều kiện độc quyền của các cơ quan kinh tế của bộ.

Trong khi đó, việc xã hội hóa song song với chống độc quyền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải phóng tiềm năng nhân lực phong phú của quốc gia là một biện pháp tích cực nhất để từng bước thoát khỏi nền hành chính trì trệ, han chế tiêu cực và mở đường cho việc thúc đẩy sự hình thành một xã hội lành mạnh, bình đẳng và văn minh.

Bao giờ thì trong đời sống hoạt động xây dựng của nước nhà sẽ không còn các tổ chức kinh tế lớn nhỏ mang danh nghĩa là cơ quan của BXD để có một “sân chơi” công bằng?
Bao giờ thì các giấy phép con như chứng chỉ chủ nhiệm đồ án, giấy phép hành nghề... được bãi bỏ như là một động thái tích cực, một tín hiệu thể hiện niềm tin của cơ quan quản lý nhà nước đôi với người lao động?

Bao giờ thì giới KTS VN được phép có một tổ chức thuần túy nghề nghiệp của mình - một kiến trúc sư đoàn - đại diện đích thực cho quyền lợi và trách nhiệm của giới KTS, không phân biệt tuổi tác và khuynh hướng chuyên môn: một tổ chức được công nhận như một thực thể xã hội có đầy đủ trách nhiệm và được tôn trọng như trên thế giới nước nào cũng có?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận