01/08/2016 11:33 GMT+7

Phạt vượt đèn vàng: ý kiến bức xúc áp đảo đồng tình

TTO - Chỉ sau một ngày, hơn 400 ý kiến bạn đọc đã gửi về sau khi đọc bài viết “Đèn vàng sinh ra để làm gì?” bàn về nghị định 46 của Chính phủ xử phạt người chạy xe vượt đèn vàng.

Ôtô và xe máy vượt đèn vàng tại giao lộ đường Bến Vân Đồn và đường Vĩnh Khánh (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA

Hàng trăm bạn đọc vẫn đang tiếp tục gửi ý kiến về bài viết này

Hầu hết ý kiến bày tỏ sự bức xúc, nhưng cũng có ý kiến đồng tình về việc xử phạt này. Xin trích đăng một số ý kiến:

* Phạt nặng vào, những người vượt đèn vàng thường rất nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn cả đèn đỏ vì họ chạy rất nhanh để qua đường kịp trước đèn đỏ, nên rất dễ gây tai nạn.

(HAI LÚA)

* Lý giải của ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), thành viên ban soạn thảo nghị định 46/2016/NĐ-CP - cho rằng mức phạt khác nhau dẫn đến tình trạng người lái xe có xu hướng tăng tốc độ khi gần đến đèn giao lộ (thay vì giảm tốc độ), vì cho rằng nếu có đèn đỏ sẽ phanh xe lại để chỉ bị xử phạt ở mức thấp hơn (là vượt đèn vàng) (?).

Và rằng “việc tách thành hai hành vi với hai mức phạt khác nhau cũng gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng trong việc xác định hành vi vi phạm bị xử phạt ở mức cao hay thấp”.

Sách giáo khoa dạy: đèn đỏ - đứng lại; đèn vàng - hãy chờ; đèn xanh - hãy đi. Hành vi đứng lại và hãy chờ vốn khác nhau về hiệu lệnh và bản chất song lại được xử lý như nhau có vẻ như không logic, phi khoa học.

Nếu xử như nhau hai hành vi vượt đèn đỏ và đèn vàng cũng tương tự việc cào bằng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn ở các mức độ khác khau (bởi đều là vi phạm nồng độ cồn mà thôi).

Suy diễn của người làm luật e rằng mang tính chủ quan, qua đó cho thấy việc quy về một mối (cào bằng mức xử phạt đèn vàng và đèn đỏ) chỉ thuận lợi cho nhà chức trách trong quản lý xã hội và vô hình trung thủ tiêu tính năng của đèn vàng, xa rời thực trạng tâm lý người tham gia giao thông (không phải ai đến giao lộ cũng cắm đầu chạy để thoát xử phạt như ông Tùng lý giải).

(KTS LÊ CÔNG SĨ)

 * Chả có vấn đề gì với đèn cả, luật đã rất rõ, vấn đề còn lại là của người tham gia giao thông. Tại sao trên thế giới họ đều dùng ba màu đặc trưng, ai cũng biết đèn vàng (các loại tín hiệu màu vàng) là để cảnh báo, không phải là cấm (màu đỏ).

Trong tình huống chuyển màu đèn trên các trụ không có bộ hiển thị đếm giờ, khi chuyển đèn bất ngờ, theo luật cũ xe qua vạch khi đèn vàng đủ điều kiện đi tiếp, và có khoảng 3 giây để các xe giảm tốc chờ đèn. Nay sợ bị phạt chuyển đèn là họ dừng gấp, tai nạn sẽ là hiển nhiên. 

(SĨ HẠNH)

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên