10/03/2011 07:10 GMT+7

Bớt tiền vay vào chứng khoán, bất động sản

A.HỒNG - HẢI ĐĂNG
A.HỒNG - HẢI ĐĂNG

TT - Các ngân hàng (NH) đang ráo riết giảm dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, trong đó các khoản cho vay đầu tư chứng khoán đang được nhắm đến đầu tiên.

Read this on Tuoitrenews.vn

rfEsI9w1.jpgPhóng to
Theo dõi phiên giao dịch chứng khoán tại sàn TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

Điều kiện mà NH Nhà nước đặt ra là đến ngày 30-6 tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến ngày 31-12 phải giảm xuống mức 16%, được xem là thách thức lớn với những NH có tỉ lệ cho vay phi sản xuất cao.

Không giải ngân thêm

Những NH lên kế hoạch tăng trưởng rất cao từ đầu năm đang tích cực cắt giảm tối đa các khoản cho vay, trong đó chứng khoán được nhắm đến đầu tiên do có tính thanh khoản cao hơn rất nhiều so với bất động sản. Tổng giám đốc một NH có trụ sở tại Q.1, TP.HCM cho biết dư nợ cho vay phi sản xuất của NH ở mức trên 30%, do vậy áp lực giảm nhanh dư nợ trong vòng bốn tháng tới được xem là khá “căng”. Trong cuộc họp tuần qua, lãnh đạo NH đã thống nhất bằng mọi cách phải giảm dư nợ trước mắt là khoản vay chứng khoán do hầu hết khoản vay có thời hạn ngắn, kỳ hạn 1, 2, 3 tháng.

Còn nhiều băn khoăn

Nhiều NH cho biết vẫn đau đầu với khái niệm “cho vay phi sản xuất”. Có nhiều khoản vay gián tiếp phục vụ sản xuất nhưng vẫn bị xếp vào cho vay tiêu dùng như khoản vay nhằm mục đích xây dựng nhà xưởng, vay mua ôtô phục vụ chuyên chở hàng hóa trong khi thực tế những khoản vay này gián tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, với trường hợp vay thế chấp bằng giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành vẫn chưa biết xếp vào lĩnh vực nào. Một số doanh nghiệp vay vốn thu mua hàng hóa nhưng không trực tiếp xuất khẩu mà phải ủy thác cho một đơn vị thứ ba có được xem là cho vay xuất khẩu?... Nhiều NH cho biết đã nêu kiến nghị này với NH Nhà nước và được yêu cầu gửi văn bản về Vụ Chính sách tiền tệ để được hướng dẫn.

Riêng với bất động sản, NH sẽ không giải ngân thêm, những dự án đã ký hợp đồng sẽ yêu cầu chủ đầu tư dời lại sang năm sau. Với các khoản đang giải ngân trước mắt sẽ tìm cách thương lượng với người vay và chủ đầu tư để chậm giải ngân được khoản nào hay khoản đó. Riêng các khoản vay tới hạn NH sẽ tích cực thu nợ chứ không cho vay trở lại.

Để kéo dư nợ cho vay phi sản xuất xuống, nhiều NH tính đến bài toán đẩy mạnh cho vay nhưng xem ra rất khó vì NH Nhà nước đã giới hạn tăng trưởng tín dụng năm 2011 ở mức 20%. Với những NH có quy mô tín dụng ở mức 15.000 tỉ đồng trở xuống, khả năng tăng dư nợ trong năm 2011 chỉ không quá 3.000 tỉ đồng. Và việc đẩy nhanh vốn vào lĩnh vực sản xuất trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay khá rủi ro.

Khó nhất là những NH đang có mức dư nợ cho vay phi sản xuất lên đến 40-50% dư nợ. Tổng giám đốc một NH đang có dư nợ cho vay phi sản xuất cao cho biết đã triệu tập cuộc họp yêu cầu lãnh đạo chi nhánh, phòng giao dịch phải tự lên kế hoạch để đưa dư nợ về đúng quy định của NH Nhà nước. Nhiều NH đã tự tính toán kế hoạch để phân bổ về các chi nhánh và yêu cầu phải tuân thủ đúng kế hoạch đề ra. Theo NH Nhà nước, hiện mới có 18 NH có dư nợ lĩnh vực này từ 25% trở xuống, trong khi còn 24 NH có dư nợ từ mức 25% trở lên.

Trong cuộc họp với các NH thương mại trên địa bàn ngày 9-3, ông Nguyễn Ngọc Thắng - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM - yêu cầu các NH xây dựng kế hoạch rõ ràng và báo cáo NH Nhà nước nơi đặt trụ sở cũng như tại các địa bàn có chi nhánh hoạt động để giám sát mức tăng trưởng theo đúng quy định của NH Nhà nước. Ông cũng yêu cầu lãnh đạo những NH đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao trong đầu năm phải điều chỉnh lại kế hoạch, đồng thời phải tăng cường thẩm tra, thẩm định các khoản vay, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Tác động không nhiều

Việc NH siết tín dụng với chứng khoán, theo nhiều công ty chứng khoán, không phải là quá bi quan với thị trường vì thực tế tín dụng chứng khoán không những không tăng mà đã giảm mạnh trong thời gian qua, mức giảm tại một số công ty chứng khoán lên tới

30-40% so với thời điểm cuối năm 2010. “Với diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thời gian qua, không một nhà đầu tư nào dám mạo hiểm sử dụng nhiều vốn vay để đầu tư chứng khoán, chứ không phải đợi đến khi thông tin thắt chặt tín dụng phi sản xuất như NH Nhà nước công bố...” - ông Phạm Linh, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc tế, nói.

Theo ông Linh, thanh khoản của chứng khoán sụt giảm mạnh và đứng ở mức thấp trong thời gian dài vừa qua cũng là dấu hiệu cho thấy vốn tín dụng vào chứng khoán đang theo chiều hướng giảm. Chẳng hạn, tại Công ty chứng khoán Quốc tế, lượng vốn vay đầu tư chứng khoán của khách hàng đã giảm xấp xỉ 40% chỉ trong vòng một tháng qua. Một số công ty chứng khoán khác như Công ty chứng khoán NH Sài Gòn Thương Tín (SBS), Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán SJC (SJCS)... cũng cho biết lượng vốn hỗ trợ khách hàng kinh doanh chứng khoán đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Ông Nguyễn Huy Cường, phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán SBS, cho biết trước khi NH Nhà nước có động thái siết chặt tín dụng chứng khoán, bản thân các công ty chứng khoán cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro. Chẳng hạn, thời gian qua SBS đã liên tục nâng tỉ lệ ký quỹ đối với các khoản hỗ trợ cho khách hàng, hiện tỉ lệ ký quỹ đã lên tới 50% thay vì chỉ cần20-30% như trước đây, thậm chí tỉ lệ này sẽ tiếp tục nâng lên 70% trong thời gian tới.

“Ngay cả khi NH Nhà nước không thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng với chứng khoán, nhà đầu tư cũng chẳng dại gì vay vốn với lãi suất lên tới 24-25%/năm để mua chứng khoán vào thời điểm này, nhất là khi hầu hết cổ phiếu cứ liên tục đi lùi, càng mua bình quân giá càng lỗ nặng...’” - anh Nguyễn Minh Nam, một nhà đầu tư tại sàn SJS, nói.

A.HỒNG - HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên