06/10/2022 17:05 GMT+7

Từ nay đến 2030, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn... sẽ là thành phố trực thuộc thủ đô?

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây thành phố.

Từ nay đến 2030, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn... sẽ là thành phố trực thuộc thủ đô? - Ảnh 1.

TP Hà Nội phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5m²/người; phát triển mới 22,5 triệu m² sàn nhà ở riêng lẻ trong năm 2025 - Ảnh: PHẠM TUẤN

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, chương trình phát triển nhà ở trong giai đoạn trên gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.

Đồng thời, phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...

Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...

Hà Nội dự báo nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 tại thủ đô là 89 triệu m² sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2025 khoảng 44 triệu m² sàn; giai đoạn 2026-2030 45 triệu m2 sàn. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021-2030 khoảng 880.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỉ đồng.

Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, TP Hà Nội phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5m²/người; phát triển mới 22,5 triệu m² sàn nhà ở riêng lẻ; khoảng 1,25 triệu m² sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,565 triệu m² sàn nhà ở tái định cư; 19,69 triệu sàn nhà ở thương mại.

Đồng thời, sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại có phát sinh trong quá trình kiểm định và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.

Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32m²/người; phát triển mới khoảng 22,5 triệu m² sàn nhà ở riêng lẻ; 2,5 triệu m² sàn nhà ở xã hội; 1,3 triệu m² sàn nhà ở tái định cư; 15,19 triệu m² sàn nhà ở thương mại.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (6 khu có tính khả thi cao: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và hoàn thành 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D)...

Hà Nội: Phấn đấu năm 2023, huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận Hà Nội: Phấn đấu năm 2023, huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận

TTO - Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ phải xác định lộ trình và báo cáo với thường vụ để quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên