12/07/2023 06:35 GMT+7

Shipper, bảo vệ, dọn rác... công ty cũng đòi phiếu lý lịch tư pháp

ÁI NHÂN
và 1 tác giả khác

Chưa tính khối thủ tục hành chính có phát sinh yêu cầu người dân cung cấp phiếu lý lịch tư pháp, chỉ riêng với xin việc làm thì người dân đã phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, sử dụng lao động.

Người dân đến Sở Tư pháp TP.HCM xin cấp phiếu lý lịch tư pháp sáng 11-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người dân đến Sở Tư pháp TP.HCM xin cấp phiếu lý lịch tư pháp sáng 11-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chính việc các công ty, đơn vị khối tư nhân sử dụng lao động yêu cầu ứng viên, người lao động phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp nếu muốn làm việc đã đẩy nhu cầu cấp phiếu từ người dân lên cao, tạo áp lực cho cơ quan giải quyết cấp phiếu.

Nếu dữ liệu liên thông, kết nối tốt thì có thể giải quyết trực tuyến cấp phiếu lý lịch. Như vậy rất thuận tiện cho người dân.

Bà Hoàng Thị Hương Lan (trưởng phòng lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM)

Dọn rác cũng phải xin phiếu lý lịch tư pháp

Sáng 11-7, như thường lệ, tại sảnh trụ sở Sở Tư pháp TP.HCM có hàng trăm người trực tiếp đến đây với cùng yêu cầu được cung cấp phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ.

Anh L.A.B. (27 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) khai vào phiếu yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 là để xin việc chạy xe giao hàng của công ty chuyên về giao hàng hóa. Còn chị Đ.T.D. (35 tuổi, ngụ Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) là để xin việc tại một trường học quốc tế ở quận Bình Thạnh.

"Theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, do vị trí tuyển dụng là làm kế toán của trường nên nhà trường yêu cầu em phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 để đánh giá xem đã từng có án tích, vi phạm gì hay không", chị D. giải thích.

Còn chị T.N.P.A. (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) phải từ Đài Loan bay về TP.HCM để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động. Mới tốt nghiệp ngành ngoại thương tại trường đại học ở Đài Loan và sau thời gian thực tập, P.A. được công ty đồng ý tuyển dụng với yêu cầu hồ sơ xin việc phải có phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Sáng 11-7, tại Sở Tư pháp Hà Nội (đường Trần Phú, Văn Quán, quận Hà Đông) cũng có rất đông người xếp hàng lấy số thứ tự, chờ làm thủ tục xin phiếu lý lịch tư pháp. Nhiều người cho biết đã có mặt ở cổng sở từ 5h-6h sáng để chờ được vào làm thủ tục sớm. Bên trong khu tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả và khu vực phía ngoài hành lang, hàng ghế đá dưới sân cũng rất đông người ngồi chờ. Nhiều người tỏ ra mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu.

Đa phần người xin phiếu lý lịch tư pháp để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, xin cấp các chứng chỉ liên quan khám chữa bệnh, dược... Bên cạnh đó, không ít người cũng phải có phiếu này do khi xin việc doanh nghiệp vận tải công nghệ, shipper... thậm chí xây dựng, môi trường.

Ông Nguyễn Thành Công (trú tại Thanh Oai, Hà Nội) kể rằng phải đi xin phiếu lý lịch tư pháp là do đang xin vào làm việc ở công ty vệ sinh môi trường tại địa phương nhưng bị yêu cầu phải có phiếu này.

"Tôi nói với phía công ty là có xác nhận lý lịch của chính quyền địa phương và cái đó là rõ ràng nhất, nếu sai địa phương sẽ có trách nhiệm. Nhưng họ nói chúng tôi không biết ông có vấn đề tiền án, tiền sự hay không nên phải đi xin về nộp. Nếu không nộp khỏi cần đi làm. Họ nói vậy phải chạy lên làm chứ biết làm sao", ông Công than thở.

Ông cho biết may mắn được miễn lệ phí vì hơn 60 tuổi "chứ không với 200.000 đồng tiền lệ phí sẽ mất hơn một ngày công".

Người dân chờ đợi làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội vào sáng 11-7 - Ảnh: THÀNH CHUNG

Người dân chờ đợi làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội vào sáng 11-7 - Ảnh: THÀNH CHUNG

Có tình trạng lạm dụng lý lịch tư pháp

Một số người trong hàng ghế ngồi chờ tại Sở Tư pháp Hà Nội cũng bày tỏ thắc mắc về việc tại sao shipper, lái xe công nghệ, bảo vệ... cũng phải đi xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp. "Tôi không hiểu biết lắm nhưng nghĩ chỉ người làm công việc trình độ cao, hoặc công ty nhà nước, liên quan nước ngoài... mới cần, chứ tôi làm bảo vệ cũng yêu cầu cần", anh Sơn (Thanh Trì, Hà Nội) tỏ ra bức xúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thị Hương Lan - trưởng phòng lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM - cho hay trong sáu tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp đã cấp 57.664 lý lịch tư pháp (gồm 33.426 phiếu số 1, chiếm tỉ lệ 58% và 24.238 phiếu số 2, chiếm tỉ lệ 42%). Đáng nói là hiện nay người dân vẫn chưa thể thực hiện trực tuyến thủ tục này nên xảy ra tình trạng đông đúc tại sở.

Theo bà Lan, do các đơn vị sử dụng lao động thường yêu cầu người lao động phải cung cấp trở lại phiếu lý lịch trong hồ sơ nên mới xảy ra tình trạng đông đúc. "Tình trạng khối ngoài nhà nước lạm dụng yêu cầu buộc người lao động phải cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được rất nhiều chuyên gia, hội thảo chỉ ra từ lâu. Đó là các lĩnh vực như xuất cảnh, du học, tài xế công nghệ, bảo vệ, giúp việc nhà, lái xe...", bà Lan chỉ ra.

Việc cấp phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua có những bất cập nên Thủ tướng yêu cầu có biện pháp chấn chỉnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc cấp phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua có những bất cập nên Thủ tướng yêu cầu có biện pháp chấn chỉnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Làm được trực tuyến, đỡ cho dân biết mấy

Anh Nguyễn Văn Hải (25 tuổi, ngụ Gia Lâm, Hà Nội) phải vượt gần 30km sang Sở Tư pháp xin phiếu lý lịch tư pháp để chuẩn bị đi lao động ở Hàn Quốc. Theo anh Hải, trước khi sang làm thủ tục trực tiếp, anh đã thử đăng ký qua hệ thống nhưng mấy lần báo lỗi, không nhập được thông số. Còn khi làm thủ tục ở bưu điện đến 10 ngày vẫn không thấy báo chuyển, ngoài ra còn có một số yêu cầu khác.

"Không còn cách nào khác, sợ chậm trễ việc nên tôi phải sang tận nơi để làm. Nhưng do sang muộn nên lúc tôi xếp hàng lấy số đã tới tận hơn 230. Chắc chắn đến chiều mới nộp xong để về và lại thêm 10 ngày chờ mới có giấy", anh Hải chia sẻ thêm.

Hiện nay, theo thống kê tại chỉ thị 23 của Thủ tướng về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về cấp phiếu lý lịch tư pháp cho thấy có đến 154 thủ tục hành chính có yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó nhiều nhất là lĩnh vực tư pháp (34 thủ tục), tài chính (28 thủ tục), nội vụ (15 thủ tục)...

Tại chỉ thị 23, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp đề xuất thí điểm cho cấp phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội và Nghệ An cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đồng thời cũng giao các bộ liên quan cùng tỉnh Thừa Thiên Huế thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, sau đó triển khai trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ liên quan đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính có yêu cầu cấp phiếu lý lịch.

Theo bà Hoàng Thị Hương Lan, mỗi ngày Sở Tư pháp TP tiếp nhận đến 500 - 600 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân trực tiếp tại trụ sở. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp là đầu mối tiếp nhận yêu cầu và trả kết quả cấp phiếu. Trong khi dữ liệu lý lịch tư pháp do cơ quan công an và một số cơ quan khác nắm giữ. Vì vậy Sở Tư pháp phải chờ thông tin xác minh, phối hợp từ các cơ quan kia để có thể cấp được phiếu.

Lo ngại ảnh hưởng bí mật cá nhân từ phiếu lý lịch tư pháp

Theo luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), thực trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp từ khối tư nhân thời gian qua (nhất là phiếu lý lịch tư pháp số 2) gây ra nhiều lo ngại về việc ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân của người dân. Bởi lẽ theo quy định, đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì tình trạng án tích của người dân dù đã được xóa vẫn được ghi nhận đầy đủ.

Vì vậy nhiều góp ý của các chuyên gia cho dự thảo Luật Lý lịch tư pháp đang sửa đổi theo hướng quy định chỉ cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho các cơ quan tiến hành tố tụng, còn người dân chỉ được yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1.

Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID

Cả các lãnh đạo cơ quan chức năng lẫn chuyên gia đều cho rằng việc tạo ra chứng nhận lý lịch tư pháp cho cá nhân trên hệ thống mạng là điều có thể làm được và chỉ có lợi mà thôi.

TS Hoàng Quốc Hùng, giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), khẳng định hiện nay người dân có thể làm thủ tục xin phiếu qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hay bưu chính rất thuận tiện, song có một số người dân "vẫn thích đến trực tiếp" tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Hiện tất cả các trường hợp này đều được giải quyết, cho nộp hồ sơ trong ngày, nhưng theo ông Hùng, cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ và sử dụng các phương thức khác để thuận tiện, không tốn thời gian, công sức.

Ông Hùng cho biết trong chỉ thị số 23, Thủ tướng đã giao nghiên cứu, xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và nếu làm được như vậy sẽ rất tốt. Trong đó, tạo thuận lợi cho người dân, bởi khi đã có xác thực qua ứng dụng VNeID sẽ không cần giấy tờ. Chưa kể sẽ thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xác thực, cấp.

"Khi đó, sẽ có phiếu lý lịch tư pháp điện tử nhúng kèm trên VNeID. Hiện nay đã có kế hoạch thực hiện đề án 06, việc kết nối các dữ liệu. Trong thời gian tới nếu thực hiện được sẽ rất tuyệt vời", ông Hùng nói thêm.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Về việc nhiều doanh nghiệp vẫn yêu cầu người dân phải nộp phiếu lý lịch tư pháp, ông Hùng cho rằng đó là giao dịch dân sự, theo thỏa thuận. "Tôi nhận anh vào làm việc thì anh phải chứng minh nhân thân, nếu không có thể không nhận. Đó là quyền của các chủ thể, pháp luật không thể can thiệp. Nên việc quan trọng là cần tuyên truyền để doanh nghiệp thấy có cần thiết phải yêu cầu như vậy hay không", ông Hùng nêu thêm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Vũ Văn Tấn, cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), cho hay Thủ tướng đã có chỉ thị nhận diện rõ các vướng mắc, chỉ rõ các nhóm giải pháp. Do đó, điều quan trọng là cách mà tất cả các đơn vị, cơ quan có liên quan phải cùng vào cuộc và cam kết thời điểm hoàn thành để người dân được thuận tiện khi làm thủ tục này.

Đại tá Tấn cho hay trong chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ có 154 danh mục thủ tục hành chính yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp. "Vậy ngoài 154 danh mục này còn bao nhiêu đơn vị lạm dụng yêu cầu phiếu lý lịch này? Đồng thời, cơ quan nào sẽ giám sát để phòng ngừa lạm dụng để hành dân?", đại tá Tấn đặt vấn đề.

Về đề xuất cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, lãnh đạo C06 Bộ Công an cho rằng trong chỉ thị của Thủ tướng đã nêu vấn đề này. Tại nghị định 59/2022 của Chính phủ đã quy định về định danh và xác thực điện tử.

Theo đó, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng CCCD. Có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của người dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử. Vì vậy, việc tích hợp trên ứng dụng VNeID thông tin về án tích theo yêu cầu của chủ thể danh tính điện tử sử dụng thay thế phiếu lý lịch tư pháp sẽ giúp người dân có nhiều thuận lợi.

Cụ thể, người dân có thể sử dụng thông tin lý lịch tư pháp của mình ngay trên ứng dụng VNeID, tiết kiệm chi phí cấp phiếu lý lịch tư pháp; giảm thiểu rủi ro lưu thông, đi lại trong quá trình xin cấp phiếu. Tiết kiệm chi phí in phiếu lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp. Giảm tối đa thời gian chờ cấp phiếu lý lịch tư pháp, giúp người dân thuận tiện, nhanh chóng trong quá trình giải quyết. Tinh giản nguồn nhân lực dư thừa, nâng cao chất lượng cán bộ công chức tư pháp. Từ đó có giải pháp tăng lương cho lực lượng công chức thực hiện nhiệm vụ khác.

Về giải pháp cụ thể khi triển khai, sẽ kết nối tới Trung tâm lý lịch tư pháp để đồng bộ thông tin phục vụ hiển thị lý lịch tư pháp trên VNeID. Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) của Bộ Công an sẽ thực hiện số hóa, tạo lập dữ liệu điện tử, đồng bộ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. C06 sẽ tiếp tục kết nối, đối sánh dữ liệu căn cước can phạm do V06 đẩy sang để tạo lập kho dữ liệu về án tích phục vụ xác thực trên ứng dụng VNeID.

Không cần thêm hệ thống mới, chỉ cần tích hợp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật công nghệ cho hay phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Muốn có lý lịch tư pháp, dữ liệu phải lấy từ công an, viện kiểm sát, tòa án. Tiếp đó đưa về trung tâm lý lịch tư pháp, sở tư pháp các tỉnh, thành rồi tạo lập dữ liệu cấp cho người dân. Trong khi đó theo các quy định hiện hành thì chức năng thống kê trong tố tụng hình sự nằm ở tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra chứ không nằm ở phía cơ quan tư pháp.

Cũng theo quy định hiện hành, toàn bộ thống kê này sẽ được đẩy về lưu trữ tại Bộ Công an. Hiện nay, toàn bộ thông tin thống kê tội phạm, dữ liệu dân cư Bộ Công an đã có, như vậy, theo vị này, có cần thiết phải xây dựng thêm một hệ thống không? Tại sao không tích hợp vào hệ thống định danh điện tử để người dân dùng được thuận tiện.

Bên cạnh đó, vị này cũng đặt vấn đề, dữ liệu của người dân đang do cơ quan công an quản lý, với phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan tư pháp quản lý và trong thời gian tới, nếu lại phát sinh thêm các hệ thống dữ liệu nữa thì vấn đề bảo mật có được đảm bảo không?

Ngăn tình trạng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp sai quy địnhNgăn tình trạng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp sai quy định

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị số 23 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên