11/01/2024 12:56 GMT+7

Tăng quyền cho chủ tịch UBND TP.HCM, đừng việc gì cũng xin ý kiến tập thể

Nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng việc gì cũng đưa ra xin ý kiến tập thể thành viên UBND TP.HCM thì sẽ chậm được giải quyết. Vì vậy phải tăng quyền tự quyết cho chủ tịch UBND TP.HCM.

Nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội nghị về chính quyền đô thị - Ảnh: TIẾN LONG

Nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội nghị về chính quyền đô thị - Ảnh: TIẾN LONG

Sáng 11-1, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Mô hình chính quyền đô thị - thực tiễn và giải pháp áp dụng tại TP.HCM".

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo - nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị là vấn đề lớn nhưng hiện chưa có cơ chế chuẩn để vận hành.

Vì vậy TP.HCM cần đề xuất xây dựng bộ máy chính quyền đô thị đồng bộ hơn, giao thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng và giảm bớt các tầng lớp để giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn.

"Vấn đề đặt ra của TP.HCM là phải đề xuất một mô hình để vận hành bộ máy trơn tru, mạch lạc, xử lý công việc nhanh, hiệu quả", bà Thảo nhấn mạnh và cho rằng mô hình đề xuất phải làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND, UBND, chủ tịch UBND.

Theo bà Thảo, việc thiết lập trách nhiệm, thẩm quyền giữa chung, riêng phải mạch lạc trong chính quyền đô thị. Nếu việc gì cũng đưa ra xin ý kiến tập thể UBND rồi mới quyết thì sẽ chậm được giải quyết.

Thay vì vậy, bà Thảo cho rằng có những nội dung có thể phân cấp cho chủ tịch UBND quyết định. Bà nêu ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM nên đề xuất theo hướng tổ chức bộ máy thành ủy ban hành chính hoặc thị trưởng.

Trong đó trách nhiệm của thị trưởng rõ ràng, thẩm quyền giải quyết công việc cụ thể, giảm các bước xin ý kiến, bàn bạc tập thể để giải quyết nhanh hơn.

Bà Thảo cũng đề nghị xem xét phát huy vai trò của sở, ngành. Theo đó, sở, ngành của TP không chỉ là cơ quan tham mưu mà còn là cơ quan quản lý nhà nước.

Các cơ quan này không thể chỉ tham mưu rồi xin ý kiến ủy ban, đẩy công việc áp lực cho chủ tịch UBND TP. Sở ngành cần là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, các lĩnh vực để giảm đùn đẩy cho UBND.

Ở góc độ khác, bà Thảo cũng cho rằng có những công việc cần quản lý theo hướng tập trung, giao việc rõ ràng, cấp nào làm tốt nhất giao cho cấp đó.

Bà lấy ví dụ vừa qua TP.HCM có phân cấp cho quận, huyện quyết định giá đền bù cho người dân bị thu hồi đất ở các dự án. Việc này quận, huyện rất khó làm vì cùng một con đường đi qua nhiều quận, huyện mà mỗi địa phương quyết một giá sẽ rất khó.

"Việc này cấp TP quyết sẽ dễ hơn. Việc gì cần tập trung phải tập trung. Kể cả việc quản lý đường giao thông cũng không nên chặt khúc mà nên giao tập trung một đầu mối", bà Thảo nêu.

Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM Nguyễn Tấn Phát trao đổi tại hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM Nguyễn Tấn Phát trao đổi tại hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

TS Nguyễn Trần Như Khuê, giảng viên khoa nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP.HCM, cũng nêu ra tại hội thảo nhiều bất cập về thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong mô hình chính quyền đô thị.

Hiện luật chưa quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cùng cấp. Chủ tịch UBND hiện cũng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hay về công tác cán bộ, việc thực hiện quyền hạn của chủ tịch UBND chưa có tính thực quyền, chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan.

Từ đó bà Khuê đề xuất cần mở rộng đối tượng được chủ tịch UBND ủy quyền như ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cùng cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn là thành viên của UBND.

Mặt khác phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và chủ tịch UBND theo hướng giảm trách nhiệm của tập thể UBND và tăng thêm trách nhiệm của chủ tịch UBND.

Xác định rõ thực quyền của chủ tịch UBND trong công tác cán bộ. Chủ tịch UBND được quyền lựa chọn và quyết định về cán bộ khi có nhu cầu.

Phát biểu kết luận, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - cho rằng hội thảo đã gợi mở rất nhiều những giải pháp để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Thời gian tới TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến chính quyền đô thị như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM còn nhiều Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM còn nhiều 'rối ren' do 'luật chồng luật'

Bất hợp lý trong phân bổ biên chế, thiếu tính chủ động khi cấp ngân sách cho các nhiệm vụ phát sinh... vẫn còn nhiều rối ren sau 3 năm TP.HCM áp dụng mô hình chính quyền đô thị.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên