16/08/2023 19:29 GMT+7

Thủ tướng: Phải bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên cho năm học mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa gửi công điện yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên cho năm học mới - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa gửi công điện yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên cho năm học mới - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Khẩn trương khắc phục bất cập liên quan đến sách giáo khoa

Trong công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua ngành giáo dục, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, huy động nguồn lực, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác bảo đảm sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp một số bất cập như việc biên soạn, lựa chọn, in ấn, phát hành sách giáo khoa còn chậm. 

Ở nhiều địa phương đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, số lượng giáo viên chưa đáp ứng theo quy định, công tác tuyển dụng giáo viên còn gặp nhiều khó khăn; chế độ chính sách còn bất cập, cần điều chỉnh phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành sách giáo khoa bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành; thực hiện ngay kiểm tra, giám sát việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm về việc rà soát công tác biên soạn lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định.

Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo

Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.

Đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, cơ cấu lại, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định.

Thực hiện linh hoạt phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời, phù hợp, hiệu quả với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ theo quyết định số 72-QĐ/TW bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Hướng dẫn các địa phương thực hiện nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp" phù hợp, hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ sách giáo khoa của Nhà nước có thể tác động ‘tinh thần đổi mới’Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ sách giáo khoa của Nhà nước có thể tác động ‘tinh thần đổi mới’

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước không?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên