10/01/2024 08:46 GMT+7

Thủ tướng thúc sớm dùng cát biển làm vật liệu san lấp ở ĐBSCL theo cơ chế đặc thù

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 2 chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) - Ảnh: CHÍ HẠNH

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) - Ảnh: CHÍ HẠNH

Công điện nêu rõ, bên cạnh các kết quả đạt được trong triển khai xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng. 

Do đó, ông yêu cầu bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi quy định chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với thực tế và khả thi trong triển khai. Rà soát sửa đổi các định mức đã ban hành nhưng chưa phù hợp, còn thiếu. 

Xây dựng định mức dự toán đặc thù của chuyên ngành, của địa phương có công nghệ thi công, điều kiện thi công, vật liệu xây dựng mới hoặc chưa có trong hệ thống định mức hiện hành.

Đôn đốc địa phương công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương có các dự án công trình giao thông trọng điểm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xác định danh mục, rà soát định mức dự toán các công tác xây dựng đặc thù, gửi Bộ Xây dựng có ý kiến trước khi ban hành. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện việc lập, xác định, quản lý, sử dụng các định mức dự toán theo thẩm quyền làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình. 

Đồng thời, các chủ đầu tư rà soát hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của các dự án. Trường hợp cần thiết phải kịp thời bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo đủ nguồn vật liệu san lấp. Bộ Xây dựng cùng rà soát để hoàn thiện các định mức xây dựng bảo đảm phù hợp với đặc điểm của ngành giao thông vận tải.

Phối hợp các bộ ngành liên quan xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa… trong quá trình triển khai các dự án giao thông vận tải.

Bộ này cũng được giao báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông để cấp phép khai thác, chủ động nguồn vật liệu, giảm phụ thuộc vào cát sông; ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường phân cấp, phân quyền; phân nhóm các loại khoáng sản. Trong đó tách riêng nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp để có quy định riêng, đơn giản hóa tối đa các trình tự, thủ tục. 

Hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục khai thác cát biển đã được đánh giá tài nguyên, kịp thời khai thác phục vụ nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo cơ chế đặc thù. 

Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khi Nhà nước thu hồi đất; công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa phục vụ các dự án. 

Các địa phương cũng được giao công bố chỉ số giá xây dựng, vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, rà soát mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp, cấp phép các mỏ khoáng sản, thỏa thuận giá chuyển nhượng, không để xảy ra đầu cơ, nâng giá, có chế tài xử phạt nghiêm vi phạm... 

Thiếu vật liệu san lấp và nỗi lo dài lâuThiếu vật liệu san lấp và nỗi lo dài lâu

Nước ta đang phấn đấu có 5.000km cao tốc đến năm 2030, làm sao cho mục tiêu này đạt kết quả tốt nhất trong điều kiện hiện nay?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên