27/06/2023 15:22 GMT+7

Thực hiện nghị quyết đặc thù: 'TP.HCM cần tập trung những việc có thể làm tốt'

Góp ý này của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tại hội thảo thực hiện nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù do báo Người Lao Động tổ chức ngày 27-6.

Thực hiện nghị quyết đặc thù: TP.HCM cần tập trung những việc có thể làm tốt - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung góp ý TP không dàn trải, cần tập trung vào lĩnh vực, những việc làm được tốt khi thực hiện nghị quyết đặc thù - Ảnh: NLĐ

Đánh giá nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (nghị quyết đặc thù), TS Nguyễn Đình Cung cho rằng nghị quyết đã "gỡ" cho TP.HCM bốn nút thắt quan trọng.

Gỡ 4 nút thắt và 3 việc cần làm ngay

Đó là nút thắt đối với đầu tư phát triển các dự án giao thông; phát triển đô thị theo giao thông mở (TOD); cải thiện thu nhập đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy.

"Với 44 cơ chế, chính sách nghị quyết mang lại, TP.HCM đừng dàn trải, hãy tập trung vào những việc, lĩnh vực thật sự làm được, có thể làm tốt, có tác động lan tỏa vì bối cảnh nguồn lực của TP không phải là nhiều, nhất là nguồn lực con người và thời gian thí điểm cũng không dài..." - ông Cung lưu ý.

Còn TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng hiện thực hóa nghị quyết, TP.HCM nên làm ngay ba việc quan trọng, gồm: 

Thứ nhất là công tác con người. TP.HCM cần lưu tâm sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu quả, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể đầu mối, cụ thể trách nhiệm cá nhân. 

Con người chính là điều kiện hàng đầu để hiện thực hóa nghị quyết.

Thứ hai là phải thống nhất quan điểm, nhận thức về nhiệm vụ thực hiện nghị quyết không chỉ là của TP.HCM, mà cần sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ trung ương.

Thứ ba là cần liên kết vùng, phối hợp hành động. TS Trần Đình Thiên cho rằng TP.HCM cần đặt việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù trong mối quan hệ với ba địa phương lân cận, phát triển tương đồng là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

"Cơ chế, chính sách đặc thù cần được mở ra cho cả 3 tỉnh còn lại. Bốn địa phương này đã có truyền thống liên kết trên nhiều lĩnh vực. Sự liên thông, cộng hưởng sức mạnh của bốn địa phương sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn..." - ông Thiên nói.

Thực hiện nghị quyết đặc thù: TP.HCM cần tập trung những việc có thể làm tốt - Ảnh 3.

TS Trần Du Lịch hiến kế TP cần tổ chức các doanh nghiệp nhà nước thành một công ty chuyên đầu tư hạ tầng phục vụ hiệu quả triển khai nghị quyết đặc thù - Ảnh: NLD

Năm 2023 hoàn thành tất cả cơ chế chính sách thực hiện nghị quyết đặc thù

Đánh giá về lợi thế khi TP.HCM thực hiện nghị quyết, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng nghị quyết đã tháo gỡ hai điểm nghẽn lớn nhất của TP là cơ chế và hạ tầng đô thị. 

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng được tạo điều kiện để sử dụng bốn nguồn lực tài chính lớn (gồm nguồn vay; thuế và phí; tài sản công; tận dụng phát triển của hạ tầng đô thị).

"Hiện TP.HCM đã có một công cụ tài chính mạnh đó là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước - HFIC. Nếu TP tổ chức các doanh nghiệp nhà nước thành một công ty chuyên thực hiện dự án đầu tư về hạ tầng giống như mô hình BECAMEX của tỉnh Bình Dương thì TP sẽ có được hai công cụ tuyệt vời để phát triển vượt bậc trong thời gian tới..." - TS Trần Du Lịch gợi mở.

Thông tin tại hội thảo, bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho hay TP đã ban hành kế hoạch với những nhiệm vụ cụ thể, sẽ trình tám tờ trình tới HĐND TP về các cơ chế chính sách; các nội dung cụ thể về TOD, thu hồi đất… 

Theo bà, từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng. Như quý 3 có 11 nhiệm vụ và quý 4 có 34 nhiệm vụ, qua đó từng sở, ngành phải triển khai các đầu việc để hoàn thành…; dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành tất cả cơ chế chính sách để thực hiện. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với TP ban hành sớm nhất nghị định để triển khai nghị quyết.

266.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng

Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - thông tin tổng kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỉ đồng (gồm ngân sách TP.HCM khoảng 92.000 tỉ đồng, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỉ đồng).

"Với hình thức hợp đồng BOT, sẽ tập trung đầu tư các tuyến trục chính như quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22… Còn với mô hình TOD, sở chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP" - ông An nói.

Còn ông Lê Trương Hải Hiếu - trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM - khẳng định HĐND sẽ phối hợp với UBND TP, các sở, ban, ngành để sớm đưa nghị quyết đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả tối đa, đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của nhân dân TP.HCM.

Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCMQuốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM

Chiều 24-6, Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM với 481/484 đại biểu tán thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên