31/07/2022 07:10 GMT+7

Tin sáng 31-7: Bộ Tài chính 'siết' quản lý xe biếu, tặng; Vướng thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Bộ Tài chính "siết" quản lý xe nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, trong đó có xe biếu, tặng; Các bệnh viện gặp vướng trong thanh toán bảo hiểm y tế; Đang có dịch chồng dịch: COVID-19, cúm A, sốt xuất huyết... là các tin đáng chú ý.

Tin sáng 31-7: Bộ Tài chính siết quản lý xe biếu, tặng; Vướng thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế - Ảnh 1.

Những xe hạng sang như Lexus LX570, Toyota Highlander... được nhập về theo diện quà biếu tặng, tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) từ tháng 6-2016 - Ảnh: CTV

Bộ Tài chính "siết" quản lý xe biếu, tặng

Trong quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (bao gồm xe biếu, tặng) vừa được Bộ Tài chính ban hành đã có thêm nhiều quy định mới, "siết" chặt hơn việc quản lý xe biếu tặng, cụ thể:

Trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ thời điểm hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, nếu có đủ cơ sở xác định trị giá do người khai hải quan kê khai là chưa phù hợp với hàng hóa thực tế, cơ quan hải quan phải xác định trị giá hải quan cho hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định, ban hành thông báo trị giá hải quan.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành thông báo trị giá hải quan, nếu người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung theo thông báo trị giá hải quan, cơ quan hải quan có quyết định ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế, xử lý vi phạm (nếu có).

Trường hợp nộp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không đúng thời hạn quy định, cơ quan hải quan tiến hành lập biên bản vi phạm, trừ trường hợp có lý do khách quan được cơ quan chuyên ngành xác nhận...

Qua điều tra gần đây của báo chí cho thấy có tình trạng trục lợi từ các "siêu xe" được biếu, tặng, riêng năm 2021 có gần 800 siêu xe nhập về diện quà biếu.

Cúm A gia tăng, dịch chồng dịch

Trong công văn Bộ Y tế vừa gửi các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hằng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1 triệu ca cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

Tuy nhiên năm nay số ca cúm gia tăng ngay trong dịp hè, dịch chồng dịch (vừa có dịch cúm A, sốt xuất huyết, COVID-19). Hiện tại Hà Nội và nhiều địa phương, số mắc cúm A ghi nhận ở mức cao. Trong tháng 6 số ca mắc cúm ở Hà Nội tăng 60% so với tháng trước đó. Tổng cộng từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7, Hà Nội ghi nhận hơn 2.600 ca cúm.

Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây qua đường hô hấp khác, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan diện rộng, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, lấy mẫu ca bất thường để xác định tác nhân gây bệnh.

Bệnh viện than "vướng" trong thanh toán bảo hiểm y tế, hàng ngàn hồ sơ tồn

Trong 2 ngày 29 và 30-7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có cuộc làm việc với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Truyền máu - huyết học, Bệnh viện Nhi đồng TP và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tháo gỡ vướng mắc chi trả bảo hiểm.

Tại cuộc làm việc với Bệnh viện Bạch Mai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện còn 10.000 hồ sơ còn tồn, trong đó có 34 hồ sơ bệnh viện chưa cung cấp hồ sơ bệnh án nên chưa thanh toán được.

Chi phí khám chữa bệnh những năm trước đây có 26 tỉ đồng, bệnh viện đã chi cho bệnh nhân, nhưng bệnh viện chưa được bảo hiểm trả.

Theo ông Lê Hùng Sơn - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 2 bên tiếp tục nghiên cứu và vận dụng linh hoạt để tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, các khoản chưa thanh toán được cần "bóc tách", khoản nào trả bệnh viện được sẽ trả ngay.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh thời gian qua bảo hiểm đã tích cực tháo gỡ vướng mắc trong chi trả cho bệnh viện, nhưng có những vướng mắc vượt thẩm quyền nên chưa tháo gỡ được.

Xem xét tiêm chủng COVID-19 cho trẻ 6 tháng đến dưới 5 tuổi

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia đã giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin năm 2023 và kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi.

Tin sáng 31-7: Bộ Tài chính siết quản lý xe biếu, tặng; Vướng thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin mũi nhắc lại cho người dân tại Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tiến tới có thể lấy ý kiến người dân trước khi xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho nhóm tuổi này.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, mới có rất ít quốc gia triển khai tiêm chủng cho nhóm dưới 5 tuổi.

Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 đã bắt đầu từ tháng 3-2021, đến nay đã tiêm trên 245,3 triệu mũi, trong đó nhóm 5 đến dưới 12 tuổi có tiến độ tiêm chậm nhất (hiện mới đạt 69% cho mũi 1 và 37% cho mũi 2).

Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp

Đây là vấn đề được nêu trong dự thảo tờ trình Luật đất đai sửa đổi vừa được công bố. Đây là bộ luật quan trọng, việc đệ trình dự thảo luật đã bị chậm hơn nhiều so với dự kiến.

Theo dự thảo tờ trình, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt kết quả: tạo hành lang pháp lý khai thác và sử dụng đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản...

Tin sáng 31-7: Bộ Tài chính siết quản lý xe biếu, tặng; Vướng thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế - Ảnh 3.

Nhiều công ty môi giới giới thiệu mua bán đất đai. Thị trường bất động sản đã bùng nổ trong những năm qua và vẫn cần được quản lý tốt hơn, hiệu quả - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuy nhiên chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai hiện hành được đánh giá chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai.

Thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất còn bất cập; việc định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời. Thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật đất đai trong giao dịch đất đai còn hạn chế, bất cập. Công tác đăng ký đất đai, đặc biệt là đăng ký biến động đất đai chưa thực hiện nghiêm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; tỉ lệ đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỉ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm; số vụ án liên quan đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hằng năm.

Tin sáng 31-7: Bộ Tài chính siết quản lý xe biếu, tặng; Vướng thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế - Ảnh 4.
Tin sáng 31-7: Bộ Tài chính siết quản lý xe biếu, tặng; Vướng thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế - Ảnh 5.
Tin sáng 31-7: Bộ Tài chính siết quản lý xe biếu, tặng; Vướng thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế - Ảnh 6.
Tin sáng 30-7: Hơn 950.000 khách quốc tế đến Việt Nam; Nghiên cứu thẻ ETC gắn với đăng kiểm xe Tin sáng 30-7: Hơn 950.000 khách quốc tế đến Việt Nam; Nghiên cứu thẻ ETC gắn với đăng kiểm xe

TTO - Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 954.000 lượt người; Nghiên cứu thủ tục dán thẻ sử dụng ETC gắn với quy trình đăng kiểm xe; Phát hiện 20 tấn nước hoa, mỹ phẩm giả... là những tin đáng chú ý sáng nay.



TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên