08/08/2023 17:44 GMT+7

TP.HCM thu phí lòng đường, vỉa hè một năm có thể được 1.552 tỉ đồng

Hiện nay, nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè của người dân rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi ngân sách để sửa chữa đường sá tại TP.HCM vẫn còn hạn chế…

Một đoạn đường Lê Lai (quận 1, TP.HCM) hiện đang được tổ chức sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè (có thu phí) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Một đoạn đường Lê Lai (quận 1, TP.HCM) hiện đang được tổ chức sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè (có thu phí) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trên đây là một trong những nội dung mà Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình lên UBND TP.HCM để xây dựng nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè tại TP.HCM.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc xây dựng nghị quyết này không những nâng cao trách nhiệm của người dân khi sử dụng lòng đường, vỉa hè mà còn để người dân có nghĩa vụ đóng góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ duy tu, sửa chữa đường sá, vệ sinh môi trường.

Các tổ chức, cá nhân phải nộp phí để được phép dùng tạm thời lòng đường, vỉa hè thuộc trường hợp tổ chức phục vụ các hoạt động văn hóa và điểm trông giữ xe (dịch vụ thu phí), làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, các điểm kinh doanh mua bán (thuộc danh mục của UBND cấp huyện ban hành)…

Ngoài ra, các trường hợp được miễn thu phí là tổ chức phục vụ hoạt động về văn hóa, thể thao, lễ hội tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Các điểm trông giữ xe phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của thành phố, các công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng (không thu tiền người sử dụng), tổ chức đám cưới, đám tang…

Chỗ để tạm thời cho xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ, xe của các hộ kinh doanh tự quản, xe đang phục vụ các hoạt động cộng đồng cũng được miễn nộp phí.

Về mức thu phí, Sở Giao thông vận tải cho biết sẽ tính theo giá đất bình quân của từng khu vực tại thành phố (bao gồm 5 khu vực). Nguồn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè được nộp toàn bộ vào ngân sách nhằm mục đích duy tu, sửa chữa đường sá.

Dự kiến, số phí thu được là 1.552 tỉ đồng/năm. Đơn vị giao nhiệm vụ thu phí là Sở Giao thông vận tải TP.HCM và UBND các quận huyện, TP Thủ Đức.

Thời gian dự kiến trình thông qua nghị quyết sẽ vào kỳ họp gần nhất của HĐND TP.HCM.

Thu phí lòng đường, vỉa hè cần học hỏi quốc tế

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM), lâu nay các nước khác đã quy định quản lý lòng đường, vỉa hè rất rõ ràng. Trong đó có những lòng đường, vỉa hè cho sử dụng tạm có thu phí vừa quản lý tốt hơn, khai thác diện tích này hiệu quả hơn.

Chẳng hạn như Thái Lan quy hoạch rất cụ thể những lòng đường, vỉa hè nào có thể sử dụng tạm phục vụ kinh doanh, mua bán, kể cả bán hàng rong. Họ cho kẻ các ô vạch đánh dấu khu vực lòng đường, vỉa hè cho sử dụng tạm và tính phí theo giờ. Do đó theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, TP.HCM cũng có thể xem xét, học hỏi thêm một số kinh nghiệm từ đây.

Thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường: Làm sao cho trật tự và hài hòa?Thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường: Làm sao cho trật tự và hài hòa?

Sở GTVT TP.HCM đang tiếp tục rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM (thay thế quyết định số 74/2008).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên