29/08/2004 22:35 GMT+7

Cô sinh viên mù trên đất Mỹ

ĐẶNG THÁI HUYỀN
ĐẶNG THÁI HUYỀN

TT - Tên cô là Nguyễn Thị Thanh Mai, 26 tuổi, ở làng Vân Gia, xã Trung Hưng (ngoại ô thị xã Sơn Tây, Hà Tây), một vùng địa linh nhân kiệt nằm nép mình bên dòng sông Tích, cạnh đền Và nổi tiếng xứ Đoài. Mai có gương mặt nghị lực với nụ cười e lệ, duy có đôi mắt ngay từ lúc mới sinh ra đã...

GAR6AtQK.jpgPhóng to
Thanh Mai - Ảnh: Đ.T.H.
TT - Tên cô là Nguyễn Thị Thanh Mai, 26 tuổi, ở làng Vân Gia, xã Trung Hưng (ngoại ô thị xã Sơn Tây, Hà Tây), một vùng địa linh nhân kiệt nằm nép mình bên dòng sông Tích, cạnh đền Và nổi tiếng xứ Đoài. Mai có gương mặt nghị lực với nụ cười e lệ, duy có đôi mắt ngay từ lúc mới sinh ra đã...

Những tấm lòng người Mỹ

Cha của Mai là ông Nguyễn Văn Phúc, 58 tuổi, kể rằng khi hai chị em cô chào đời (sinh đôi) được vài ngày thì họ phát hiện cả hai đều bị mù (được vài tháng người chị tắt thở).

Hai năm sau ông đưa con xuôi Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội) nhờ giáo sư Nguyễn Trọng Nhân (hiện là phó chủ tịch Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam) để ghép võng mạc nhưng không thành, người cha đành cõng con về làng với đôi mắt đẫm lệ.

Thương con, năm 1990 ông đưa cô về Hà Nội xin vào Trường Nguyễn Đình Chiểu học chữ nổi. Hồi đó, mặc dù trường không bắt buộc học sinh mù học tiếng Anh nhưng cô vẫn tha thiết xin cô giáo Nguyễn Thị Loan cho học.

Năm 1996, được tin quận tổ chức thi Olympic tiếng Anh lớp 6, cô Loan dẫn Mai tham gia và Mai đã giành giải nhất. Rồi cô tiếp tục thi cấp thành phố. Lần này Mai giành giải nhì thi viết, còn phần thi nói thì một phụ nữ là thành viên ban giám khảo tên John Woodward (đang làm tình nguyện viên tại VN) đề nghị cho cô giải nói tiếng Anh hay nhất.

Sau đó chính bà John - một người Mỹ nghèo - trực tiếp dạy cô tiếng Anh và vi tính rồi lặn lội trở về nước tìm nguồn tài trợ đưa Mai sang học một trường mù ở Philadelphia. Sau đó bà lại xin cho cô tới học miễn phí tại trường mù ở Washington.

Một năm sau, ông hiệu trưởng trường mù đành phải nói với bà John và cô rằng theo nguyên tắc chỉ những người mù mang quốc tịch Mỹ mới được học miễn phí hoàn toàn, và nhà trường cũng không thể bỏ ra thêm một khoản tiền lớn tới 30.000 USD/năm để tiếp tục giúp cô học...

Trong khi đó, vì lòng cảm phục cô gái, ông đem chuyện cô thuật cho một phóng viên tờ Olympian Newspaper của thành phố. Tờ báo ra buổi chiều in ngay trang nhất câu chuyện một bà già nghèo tốt bụng đã đưa cô gái mù VN sang Mỹ học, nhưng bà lại sắp phải đưa cô trở về vì không thể nào lo nổi học phí.

Bất ngờ ngay sáng hôm sau có một phụ nữ tên Susan Gilbert (đã nghỉ hưu) sống ngay gần trường gọi điện cho Mai tặng 1.000 USD và nhận tài trợ cho cô ăn học từ số tiền thừa kế của cha bà. Sau đó, chính bà Susan đã đưa Mai lên học đại học, mỗi năm chu cấp cho cô 30.000 USD. Và hằng năm cứ tới kỳ hè, bà lại mua vé khứ hồi để Mai được trở về sống với gia đình ở Sơn Tây.

“Bà John, bà Susan là những ông Bụt đến với đời tôi... Bà Susan hứa sẽ giúp tôi học tới thạc sĩ - Mai xúc động - Thứ sáu tuần này (3-8) tôi lại bay sang bên đó tiếp tục kỳ học mới”.

Cô gái chỉ học bằng... tai!

SUIQe7kj.jpgPhóng to
Thanh Mai đang được bà John Woodward hướng dẫn công việc nhà tại nhà bà ở Washington (ảnh riêng của Thanh Mai)
Chỉ còn một kỳ học nữa cô sinh viên mù VN sẽ tốt nghiệp đại học Mỹ. Sau hai năm học đại cương với thành tích chói sáng: trở thành một trong hai sinh viên xuất sắc nhất trong hơn 6.000 sinh viên của trường, và sang năm học thứ ba vừa qua cô chuyển tới học tại Pacific Lutherial University, một trường tư cao cấp.

Sự chọn lựa của cô thật bình dị: học văn khoa để sau này trở thành cô giáo hoặc người nghiên cứu văn học nước ngoài.

Trong những năm sống nơi đất Mỹ, cô gái tật nguyền thành Sơn đã vắt kiệt mình để học, trước hết là để đáp nghĩa những người đã cưu mang, đùm bọc cô, để vượt lên thân phận thiệt thòi, để trở về nước “được truyền lại những kiến thức mà tôi học được cho nhiều bạn VN cũng kém may mắn như tôi”.

“Khi sang Mỹ tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giao tiếp và đi lại”- cô kể. Trước, ngày nào cô cũng tự ra bến đón xe buýt tới trường. Rồi tự ra sân bay về nước. Khi chuyển lên học đại học, Mai học văn học bằng tiếng Anh và chuyện học tập của cô mới “đáng thương”: cô không thể đọc sách in đã đành mà sách chữ nổi cũng không có nên phải “đọc” văn, cảm nhận, nghiên cứu văn chương, tư liệu thông qua... giọng đọc của những người khác! “Khi chuyển lên đại học tôi rất khổ vì cả trường toàn sinh viên sáng mắt, chỉ riêng tôi sinh viên mù”.

Cha mẹ của Mai đều là thanh niên xung phong từng tham gia chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường đường 9 Nam Lào (Quảng Bình, Quảng Trị) những năm tháng ác liệt, gian khổ nhất (1971-1973), cả hai đều cùng đơn vị, gặp nhau, cưới nhau năm 1974.

Năm 2000, UBND tỉnh Hà Tây đã công nhận họ là nạn nhân chất độc da cam và trợ cấp cho vợ chồng người nông dân nghèo mỗi người 88.000 đồng/tháng.

Sự khiếm khuyết nặng nề trên gương mặt cô gái trẻ chính là hậu quả của những độc tố mà lính Mỹ đã rải xuống VN thuở trước.

Ban đầu khi cô thi vào đại học, ban lãnh đạo trường rất e ngại, nhưng khi biết về hoàn cảnh, nghị lực và sức học của cô, ai cũng cảm động, gật đầu, nhưng các thầy thì vẫn băn khoăn, lo âu, không biết làm thế nào để một sinh viên mù có thể bắt kịp các sinh viên khác... Chỉ duy nhất Mai là người khiếm thị nên không giáo viên nào bõ công “học” chữ nổi hoặc các “mật mã” bàn phím vi tính để dạy riêng cô mà cứ giảng tự nhiên.

Trong giảng đường tất cả sinh viên đều ghi ghi, chép chép, chỉ trừ một cô gái mù ngồi lặng lẽ thu các tri thức vào băng. Sáng và chiều Mai cần mẫn cầm gậy dò từng bước từ khu nội trú (hiện cô đã rời nhà bà Susan vào trọ tại ký túc xá) tới lớp học với “học cụ” duy nhất là chiếc máy ghi âm để thu toàn bộ bài giảng dài 5-6 tiếng đồng hồ, rồi đêm về lại hì hục bật những cuộn băng nghe lại, chép ra chữ nổi, lưu vào vi tính.

“Hiếm nhất là sách văn học chữ nổi vì sinh viên hỏng mắt theo văn khoa không nhiều nên họ không thể in loại sách ấy hàng loạt. Vì thế mỗi khi cần tìm một tác phẩm mới để mày mò nghiên cứu thì tôi phải nhờ tổ chức tình nguyện (những người chuyên đọc sách cho người mù) hoặc nhờ bạn bè đọc vào băng. Nhưng khó nhất là khi trả bài cho cô giáo, tôi không thể đưa cho họ bảng chữ nổi mà phải dùng vi tính chuyển sang chữ viết vì không giáo viên nào biết chữ nổi”.

Theo học văn khoa, được tôi luyện trong môi trường giáo dục Mỹ, cộng nghị lực thép nơi một người mù đã giúp Mai nắm bắt nhiều kiến thức về văn học thế giới. Ấy vậy nhưng trong lòng Mai vẫn cứ day dứt... bởi: “Tôi chưa được biết gì nhiều về văn học VN, bởi VN không có tác phẩm chữ nổi ở Mỹ...”.

Mai mong có một ai đó giúp cô tiếp cận văn học VN, lo cho cô một “bến đậu” tại chính mảnh đất VN khi ra trường. Khi tôi đọc tặng Mai bài Đôi mắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng, Mai đã khóc...

ĐẶNG THÁI HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên