03/07/2023 21:08 GMT+7

Bạo loạn ở Pháp: tâm điểm những đứa trẻ tuổi 17

17 là độ tuổi trung bình của hơn 2.000 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình và bạo loạn ở Pháp, sau vụ thiếu niên cũng 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết vì không tuân thủ lệnh dừng xe để kiểm tra hôm 26-6.

Cảnh sát xác minh một nhóm người trẻ trên đường phố khu vực Champs Elysees (Paris, Pháp) hôm 2-7 - Ảnh: REUTERS

Cảnh sát xác minh một nhóm người trẻ trên đường phố khu vực Champs Elysees (Paris, Pháp) hôm 2-7 - Ảnh: REUTERS

Điều gì đã khiến những trẻ vị thành niên xuống đường bạo loạn ở Pháp trong những ngày qua?

Người trẻ nhập cư bị phân biệt đối xử 

Hôm 1-7, tờ Le Monde (Pháp) nhận định: "Cái chết của thiếu niên Nahel trước tiên phản ánh các quy tắc và thông lệ về cách các sĩ quan cảnh sát sử dụng vũ khí để kiểm tra (người dân) trên đường, và rộng hơn là mối quan hệ không hoàn hảo giữa cảnh sát và những người trẻ tuổi thuộc tầng lớp lao động".

Từ lâu, người trẻ ở vùng ngoại ô nghèo tại Pháp được cho là phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng khi nộp đơn xin việc. Các công ty có xu hướng ưu ái nhân viên đến từ thành phố lớn, theo báo Le Monde.

Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu chính sách đô thị quốc gia Pháp năm 2016, nếu một người đến từ vùng ngoại ô, khả năng xin việc thành công của họ thấp hơn 22% so với người đến từ các thành phố lớn.

Viện Nhân khẩu học Pháp cũng chỉ ra tỉ lệ thất nghiệp của những người là con cái trong gia đình nhập cư cũng cao hơn những người trẻ được sinh ra ở thủ đô Paris, hoặc có cha mẹ là người Pháp.

Năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron cũng thừa nhận chi phí cho sự bất bình đẳng xã hội này lên tới 150 tỉ euro.

Sự bất mãn trong những người trẻ ở ngoại ô đã diễn ra âm ỉ trong nhiều thập kỷ. Các cuộc bạo loạn liên quan đến tình hình trên đã bắt đầu từ năm 1990. Tuy nhiên, ngoài những thời điểm khủng hoảng, dường như không có cuộc thảo luận hay giải pháp triệt để nào được giới chức Pháp đưa ra.

Hành vi bạo lực của cảnh sát

Các hành vi bạo lực của cảnh sát cũng là một chủ đề được quan tâm ở Pháp. Hồi tháng 3-2023, Hội đồng châu Âu đã cảnh báo việc cảnh sát Pháp "sử dụng vũ lực quá mức" trong các cuộc biểu tình về cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.

Trong cuộc biểu tình nói trên, cảnh sát xác nhận có sự xuất hiện của những người trẻ trong độ tuổi 17 - 18 tham gia bạo loạn.

Hồi năm 2005, nước Pháp đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở ngoại ô Paris và nhiều thành phố sau cái chết vì điện giật của hai thiếu niên ở vùng ngoại thành Clichy-sous-bois trong một cuộc rượt đuổi với cảnh sát.

Đài BFM của Pháp nhận định chỉ trong vài giờ sau khi bạo loạn vì cảnh sát bắn chết thiếu niên Nahel nổ ra, chính phủ đã phải chứng kiến "bóng ma" của bạo loạn năm 2005 trở lại.

Cảnh sát chống bạo động ở Paris, Pháp - Ảnh: CNN

Cảnh sát chống bạo động ở Paris, Pháp - Ảnh: CNN

Một thiếu niên ở Montrouge (phía nam Paris) thừa nhận với kênh truyền hình France Info rằng chỉ thông qua các hành vi phá hoại, họ mới thể hiện được sự tức giận và thất vọng trước những sai lầm của cảnh sát. 

Cậu thiếu niên hy vọng các hành động kể trên "sẽ thay đổi một chút những thứ chưa bao giờ chuyển dịch", ám chỉ cách đối xử của cảnh sát với những người yếu thế trong xã hội.

Bắt chước đám đông gây bạo loạn ở Pháp?

Một nhóm người trẻ đập phá bên ngoài cửa hàng Apple tại thành phố Strasbourg hôm 30-6 - Ảnh: LA PRESSE LIBRE

Một nhóm người trẻ đập phá bên ngoài cửa hàng Apple tại thành phố Strasbourg hôm 30-6 - Ảnh: LA PRESSE LIBRE

Tình hình đã lắng xuống sau khi bà Nadia - được xác định là bà của nạn nhân Nahel Merzouk - lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo loạn hôm 2-7 (giờ địa phương).

Bà cho biết rất tức giận với viên cảnh sát đã trực tiếp gây ra cái chết của cháu trai, nhưng không có ác cảm với toàn bộ hệ thống cảnh sát của đất nước.

Bà cũng lên tiếng chỉ trích những người trẻ tuổi tham gia bạo loạn đang lấy thiếu niên Nahel "làm cái cớ" cho các hành động đầy bất mãn của họ.

Trên mạng xã hội Twitter, từ khóa #FranceOnFire (tạm dịch: Nước Pháp chìm trong lửa) đang dẫn đầu các tìm kiếm liên quan đến chính trị. Dưới các bài đăng, nhiều người lên tiếng phản đối khi cho rằng những người quá khích đã lợi dụng tình hình để cướp bóc từ các cửa hàng.

Tổng thống Macron đã mô tả việc cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi là "không thể bào chữa". Song, hôm 30-6 giờ địa phương, ông cũng lên tiếng chỉ trích các nền tảng mạng xã hội, chỉ đích danh TikTok và Snapchat đã không hành động khi các nhóm bạo loạn kết nối trên các nền tảng này.

Ông cũng nêu ra tình trạng "bắt chước" theo đám đông, khiến một số thanh thiếu niên "xa rời thực tế" và hành động bạo lực giống như những trò chơi điện tử mà họ chìm đắm trên Internet.

Khi đó, vị tổng thống 45 tuổi kêu gọi cha mẹ hãy giữ con cái ở nhà và nhấn mạnh đó không phải là trách nhiệm của chính phủ.

Chính phủ Pháp đã yêu cầu xác định những người đã kêu gọi bạo loạn trên mạng xã hội. Đại diện Snapchat cho biết họ đã tích cực hành động kể từ ngày 27-6 để dỡ bỏ các nội dung liên quan.

Ông Macron sẽ gặp gỡ lãnh đạo của hơn 220 thành phố và thị trấn bị ảnh hưởng bởi bạo loạn vào ngày 4-7.

Bạo loạn vì cảnh sát không phải chuyện hiếm ở Pháp

Cảnh sát Pháp đụng độ với những người biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc Black Lives Matter hồi tháng 6-2020 - Ảnh: AFP

Cảnh sát Pháp đụng độ với những người biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc Black Lives Matter hồi tháng 6-2020 - Ảnh: AFP

Theo báo Washington Post, việc người dân bạo loạn là vấn nạn chính quyền Pháp đã phải đối mặt suốt nhiều năm qua.

Hồi giữa năm 2020, cảnh sát Pháp đã phải đối mặt với hàng ngàn người xuống đường biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd ở Mỹ, với mục đích nâng cao nhận thức về các vụ bạo lực của cảnh sát đối với cộng đồng người thiểu số, trong đó có người da màu.

Trước đó, vào các năm 2016 và 2005, người dân Pháp cũng đã xuống đường bạo loạn sau cái chết liên quan đến cảnh sát của những người thuộc cộng đồng thiểu số.

Cụ thể, ngày 19-7-2016, ông Adama Traore, 24 tuổi, đã qua đời khi bị cảnh sát bắt giam tại xã Beaumont-sur-Oise, phía bắc thủ đô Paris. Năm 2005, hai cậu bé theo đạo Hồi là Zyed Benna và Bouna Traore đã bị điện giật chết khi đang trốn cảnh sát sau một trạm điện.

Các cuộc bạo loạn của người dân Pháp không chỉ giới hạn trong cộng đồng người thiểu số. Năm 2018, người dân khắp nước Pháp, hầu hết trong đó là người da trắng, đã xuống đường biểu tình phản đối một dự luật về thuế nhiên liệu. Phong trào này sau đó được biết đến với tên gọi phong trào biểu tình "áo vàng".

Khi các cuộc biểu tình diễn ra căng thẳng hơn, cảnh sát Pháp bắt đầu khống chế người tham gia một cách mạnh tay hơn. Lực lượng chức năng khi ấy đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và cả lựu đạn vào đoàn người biểu tình, khiến hàng ngàn người bị thương. Thậm chí, có nhiều người còn phải chịu thương tật cả đời.

NGỌC ĐỨC

45.000 cảnh sát Pháp triển khai chống biểu tình bạo lực45.000 cảnh sát Pháp triển khai chống biểu tình bạo lực

Cuộc biểu tình ở Pháp bước sang đêm thứ 6 bất chấp những lời kêu gọi bình tĩnh, cảnh sát đã triển khai lực lượng hùng hậu để đối phó bạo lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên